Chiêm ngưỡng nghệ thuật di sản gốm Chăm

Cập nhật: 29/06/2023
Ngày 29/11/2022, UNESCO chính thức ghi danh "Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp". Và tối 15/6/2023, trong sự kiện khai mạc Lễ hội Nho - vang Ninh Thuận năm 2023, lãnh đạo 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận đã đón nhận bằng của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp".

Gốm mộc Churu trong không gian cà phê Gốm Mộc

Nghệ thuật làm gốm của người Chăm

Nghề làm gốm của người Chăm có từ lâu đời, hiện vẫn được cộng đồng người Chăm duy trì tại làng gốm Bàu Trúc (huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) và làng gốm Bình Đức (huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận). Sản phẩm gốm Chăm không chỉ tạo ra những dụng cụ phổ thông phục vụ nhu cầu tiêu dùng, tín ngưỡng của cộng đồng; hay làm quà tặng, trang trí các công trình nghệ thuật; mà còn chứa đựng nhiều bí quyết, kỹ năng, kinh nghiệm truyền từ đời này qua đời khác…

Gốm Chăm là sản phẩm đất nung được tạo ra bằng kỹ thuật thủ công độc đáo. Nghề làm gốm Chăm chủ yếu do phụ nữ đảm nhiệm, được bà, mẹ hướng dẫn làm gốm từ nhỏ, và cứ thế thành thục theo năm tháng, mà lưu truyền cả ngàn năm từ tổ tiên đến ngày nay. Đàn ông thường chỉ làm những việc nặng nhọc hơn như đào đất, nung gốm và gánh gốm hoặc chở đi bán.

Khác với các làng gốm truyền thống của Việt Nam, đã áp dụng rất nhiều các công nghệ mới vào sản xuất, người Chăm vẫn duy trì cách làm gốm mang đậm nét văn hóa Chăm. Đó là phương thức “làm bằng tay, xoay bằng mông” - người thợ gốm đi giật lùi, tay “bắt” từng lọn đất, tay trong thì ép, tay ngoài xoa, biến cục đất vô tri, vô nghĩa, vô giác thành sản phẩm gốm độc đáo, độc bản, được nung lộ thiên bằng củi, rơm, trấu…

Mộc mạc gốm Krăng Gọ

Các mẫu gốm mới được trưng bày ở nhà thờ Ka Đơn

Gốm chăm “độc bản” pha… vàng ở Lâm Đồng

Làng Krăng Gọ (ở xã Pró, huyện Đơn Dương) là vùng đất tụ cư của người Churu - vốn có tổ tiên là một bộ phận trong khối cộng đồng Chăm chuyển lên miền núi sống biệt lập với cộng đồng gốc. Cũng như nghề làm gốm của người Chăm, người Churu ở Lâm Đồng không biết nghề gốm Krăng Gọ có tự bao giờ và ai là người đầu tiên khai sinh nghề gốm ở làng này. Chỉ biết rằng, ngày xưa, vào mùa khô - cũng là thời điểm nông nhàn, cả làng Krăng Gọ rộn rã sàng sảy, đãi đất, phơi đất, nhào đất, nặn gốm, đỏ lửa nung gốm suốt ngày đêm... Đàn ông thì tất bật gùi đất, kiếm củi, thắp lò... 

Kỹ thuật chế tác gốm của đồng bào Churu ở làng Krăng Gọ cũng đơn giản như kỹ thuật làm gốm của người Chăm. Họ không tạo hình sản phẩm bằng bàn xoay mà dựa hoàn toàn vào đôi tay. Ngay cả dụng cụ chế tác cũng giản đơn, như: Một chiếc vòng bằng tre hoặc thiếc để ước lượng độ tròn, một miếng gỗ nhỏ để tạo độ dày mỏng và nhẵn của thân gốm, một quả trám rừng hay một miếng vải để làm mịn bóng mặt gốm...

Nghệ nhân làng gốm Bàu Trúc nặn gốm hầu như hoàn toàn bằng tay. Họ chỉ sử dụng những công cụ đơn giản nhất. Ảnh: https://baotanglichsu.vn

Đất sét sau khi lấy về từ núi cách làng cả chục cây số, được phơi khô, giã nhỏ bằng chày, sàng kỹ bằng rổ tre để lấy bột đất. Bột đất được nhào trộn với nước thật nhuyễn, ủ thêm vài ngày rồi mới được dùng để nặn gốm. Người Churu nặn gốm bằng cách đặt khối đất dẻo mịn lên bàn gỗ hay mặt phẳng cố định, rồi người thợ đi xung quanh tạo dáng, kiểu hoàn toàn bằng tay, với một tay đỡ bên trong, và một tay cầm các dụng cụ. Hoa văn trên gốm thường đơn giản là các đường thẳng vạch song song, hoặc chéo... bằng cách dùng thanh tre ấn vào thân gốm... 

Tạo hình xong, các sản phẩm gốm được đem phơi cho thật khô, sau đó, được xếp thành từng lớp, rồi chất củi, rơm xung quanh và đốt. Người Churu thường nung gốm từ chập tối đến quá nửa đêm thì hoàn tất một mẻ gốm. Thế là những nồi nấu cơm, ấm nước, nồi thuốc, nồi rượu, chén bát, thạp gạo, bình hoa... đã có thể sử dụng. Nghe kể thì có thời, gốm Churu cung cấp khắp Tây Nguyên, thậm chí, người Campuchia, người Lào còn dùng voi mang hàng hóa, lương thực sang đổi gốm... 

Lò gốm Chăm lộ thiên đặc trưng. Ảnh: https://baotanglichsu.vn

Gốm Churu là gốm mộc chỉ có đất và nước, nhưng trong đất lại có ánh kim loại màu vàng, nên khi gõ vào thành gốm tạo tiếng vang đanh giòn rất đặc biệt. Gốm càng nung càng chắc, khó nứt vỡ... Vài năm nay, làng gốm Krăng Gọ đã có phần khởi sắc, dù phải đi xa hơn để lấy đất làm gốm, nhưng nghề làm gốm đã có thêm con cháu các nghệ nhân tham gia, sản phẩm gốm được nhà thờ Ka Đơn thu mua, linh mục hướng dẫn bà con tạo mẫu mới và đã có các công trình sử dụng gốm Churu trong không gian kiến trúc...

Nhật Quân

Nguồn: Báo Lâm Đồng - baolamdong.vn - Đăng ngày 29/06/2023