Chiều 27/06, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Trường Chính trị tỉnh tổ chức Hội thảo “Bảo tồn văn hóa Hà Giang gắn với phát triển du lịch”. Đồng chí Nguyễn Khánh Lâm, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy dự và chủ trì hội thảo. Tham dự có lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh, các ban xây dựng đảng Tỉnh ủy; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; lãnh đạo các sở, ngành, tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh; đại diện Ban Tuyên giáo, Tuyên huấn các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc; Phòng Văn hóa - Thông tin các huyện, thành phố…
Báo cáo đề dẫn hội thảo, đồng chí Nguyễn Khánh Lâm nêu rõ: Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự vào cuộc của các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở, nhận thức của người dân về công tác bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch đã có sự chuyển biến đáng kể. Văn hóa truyền thống các dân tộc được giữ gìn và phát huy, các lễ hội truyền thống, các làn điệu dân ca, dân vũ được duy trì, phát triển. Việc kết hợp phát triển làng nghề truyền thống với phát triển du lịch được các địa phương đặc biệt quan tâm, vừa hỗ trợ khôi phục các làng nghề truyền thống, vừa góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch.
Toàn cảnh hội thảo
Tuy nhiên, ngành du lịch của tỉnh hiện nay vẫn được đánh giá là chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Các hoạt động văn hóa được khai thác để phục vụ du lịch đã đổi mới nhưng chưa thực sự đa dạng và phong phú, các dự án về văn hóa, du lịch phần lớn có quy mô nhỏ, hạng mục đầu tư còn dàn trải, thiếu tập trung không có tính đột phá nên hiệu quả chưa cao... Hội thảo là dịp để lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố trao đổi, rút ra bài học kinh nghiệm, thống nhất về phương pháp, cách làm, trách nhiệm của các cơ quan trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch trong thời gian tới.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung đánh giá vai trò của văn hóa trong việc thúc đẩy phát triển du lịch; phân tích những hạn chế trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh thời gian qua như: Nguy cơ không gian văn hóa truyền thống bị phá vỡ cao; một số giá trị văn hóa có nguy cơ mai một như trang phục, nghề truyền thống, kiến trúc nhà ở, dụng cụ sinh hoạt; nhiều di sản văn hóa chưa được đầu tư bảo tồn một cách bài bản, khoa học… Đồng thời các đại biểu tập trung tham luận về một số nội dung: Giải pháp phát triển du lịch theo hướng bền vững gắn với bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh; phát triển các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng gắn với phát triển du lịch; bảo tồn phát huy các làng văn hóa du lịch cộng đồng, giữ gìn phong tục tập quán tốt đẹp gắn với giải quyết việc làm tại địa phương; công tác bảo tồn, phát huy giá trị Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn; cơ chế, chính sách đặc thù nhằm giữ gìn, khôi phục giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc trên địa bàn tỉnh...
Tin, ảnh: Nguyễn Phương