Cao nguyên Mộc Châu, tỉnh Sơn La mang vẻ đẹp tinh khôi từ bản làng và núi rừng, với cảnh quan thiên nhiên, khí hậu mát mẻ, trong lành, cùng bản sắc văn hóa độc đáo. Những lợi thế riêng có ấy, đã và đang trở thành sức hút với khách du lịch, tìm về để khám phá, trải nghiệm.
Bản Vặt, xã Đông Sang được huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La lựa chọn là nơi thí điểm triển khai mô hình du lịch cộng đồng. Các gia đình trong bản được tập huấn về nghiệp vụ du lịch, trang trí nhà cửa, hướng dẫn phục vụ du khách bằng ẩm thực địa phương. Hiện bản Vặt đã có 30 hộ gia đình làm homestay, thu hút được nhiều du khách đến tham quan, nghỉ ngơi.
Giải thưởng “Điểm đến thiên nhiên hàng đầu thế giới” sẽ là động lực, tạo đà cho Mộc Châu tiến xa hơn trong lĩnh vực du lịch.
Ông Hà Văn Trọng, Trưởng bản Vặt cho biết: "Từ khi có du lịch, ý thức của người dân đã được nâng cao, cảnh quan môi trường trong bản rất gọn gàng, sạch sẽ. Hoa được trồng dọc hai bên đường, điện chiếu sáng được lắp đặt. Hiện nay bản đã đáp ứng được các tiêu chí về nông thôn mới của huyện. Nhà cửa đã được chỉnh trang, rất gọn gàng".
Đến bản Vặt trải nghiệm mô hình homestay, chị Lê Thị Thanh du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: "Nếu mà ở khách sạn thì chúng tôi đã ở nhiều rồi, đi đâu cũng ở khách sạn, mỗi người mỗi phòng. Hôm nay đến đây, chúng tôi muốn được ở nhà sàn, để cả gia đình được ở tập trung, tình cảm gia đình được gắn kết hơn, bởi chuyến đi này của đại gia đình chúng tôi có cả bố mẹ, anh chị em và con cái của chúng tôi. Đây là điều mà tôi muốn trong chuyến đi này".
Homestay của gia đình chị Đinh Thị Bình được bố trí khung cửi dệt để mẹ chị giữ nghề truyền thống.
Homestay của gia đình chị Đinh Thị Bình ở bản Vặt đón khách ở nhà sàn truyền thống của cha ông để lại. Vẫn nếp nhà cũ, nhưng được chị Bình sửa sang lại, tầng dưới có không gian rộng được bài trí đẹp mắt, khung cửi dệt được bố trí vừa để mẹ chị giữ nghề truyền thống, làm sản phẩm thổ cẩm bán cho du khách, vừa là nơi để truyền nghề cho con cháu.
"Gia đình tôi có nhà sàn truyền thống của ông bà để lại, nhờ thiên nhiên ưu đãi và khí hậu trong lành của Mộc Châu, nên có nhiều du khách đến chơi. Gia đình tôi cũng mạnh dạn sửa nhà để làm homestay đón khách. Trước kia gia đình chỉ làm ruộng, làm nương, trồng cây ăn quả, từ khi làm du lịch thì thu nhập của gia đình từng bước đi lên", chị Đinh Thị Bình cho biết.
Với lợi thế về bản sắc văn hóa độc đáo, đồng bào dân tộc thiểu số ở Mộc Châu đã và đang phát triển nhiều loại hình du lịch, trong đó du lịch cộng đồng mang lại sự phát triển bền vững, là cơ hội để bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống. Đây cũng là tiềm năng để Mộc Châu phát triển du lịch bền vững trong thời gian qua.
Với lợi thế về bản sắc văn hóa độc đáo, đồng bào dân tộc thiểu số ở Mộc Châu đã và đang phát triển nhiều loại hình du lịch.
Bà Đinh Thị Hường - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La cho biết: "Phát triển du lịch trên địa bàn huyện Mộc Châu có nhiều lợi thế, trong đó việc phát triển du lịch cộng đồng có thế mạnh lớn hơn. Để phát triển du lịch cộng đồng, việc giữ gìn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn là yếu tố quyết định thu hút khách du lịch đến với Mộc Châu, đặc biệt là đến với du lịch cộng đồng".
Giải thưởng “Điểm đến thiên nhiên hàng đầu thế giới” sẽ là động lực, tạo đà cho Mộc Châu tiến xa hơn trong lĩnh vực du lịch, tiếp tục khai thác phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng gắn với bảo tồn những nét văn hoá truyền thống, từ đó phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế cảnh quan môi trường, giữ gìn các giá trị, bản sắc văn hóa, góp phần vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trên vùng đất Tây Bắc xinh đẹp này.
Thanh Thủy