Cát Bà đang ngày càng được biết đến như một thiên đường của du lịch. Lượng du khách lưu trú tại đây luôn tăng mạnh, nhờ vậy, các loại hình dịch vụ cũng ồ ạt phát triển, nhưng kéo theo đó là không ít những hệ lụy khiến du khách “thất kinh”.
Môi trường du lịch bị đe dọa
Thị trấn Cát Bà có một trục đường chính, chia cắt khu thương mại sầm uất với vịnh đảo Cát Bà. Đây cũng là con phố dạo đêm, mua sắm các mặt hàng lưu niệm và ngắm cảnh của du khách nên lưu lượng người qua lại rất đông. Tuy nhiên, hàng ngày rác thải bẩn của tàu thuyền neo đậu, cộng với hàng trăm hộ ngư dân cắm dậu nuôi cá lồng, tùy tiện xả thẳng nước thải, rác thải “nguyên chất” xuống vịnh khiến cho cảnh quan, môi trường và nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Từ đỉnh núi Cát Cò 3 có thể dễ dàng quan sát thấy những “sản phẩm” của làng chài với hàng loạt những chai lọ, rác bẩn nổi lềnh phềnh trên mặt nước mặc sóng gió dạt trôi.
Ông Giao, người dân sống lâu năm bằng nghề lái xe ôm tại thị trấn cho hay: “Ngày trước nước biển ở đây trong veo, sạch sẽ, đứng trên bãi còn nhìn thấy từng đàn cá tung tăng bơi lội. Bây giờ đổi lại là một màu nước mờ đục, đầy rác thải ô nhiễm, mỗi lúc gió lớn cuốn theo không ít mùi hôi tanh vào tận thị trấn”.
Không khí ô nhiễm ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống sinh hoạt của người dân và nhu cầu thưởng ngoạn của khách du lịch. Chị Hà, khách du lịch từ Hà Nội cho biết, đoàn khách của chị đã phải hủy suất ăn đã đặt trước trên bè nổi giữa vịnh vì thấy xung quanh quá nhiều rác thải và mùi hôi thối. “Ngay cả ở giữa vịnh, nơi có mực nước sâu mà vẫn không thoát khỏi màu nước mờ đục, mùi nước tanh tưởi nhất là lúc có tàu chạy qua. Môi trường ô nhiễm như vậy thì du khách làm sao có thể thưởng thức món ăn hay ngắm cảnh trên vịnh được?”, chị Hà bày tỏ.
Không những môi trường, môi sinh bị đe dọa mà vấn đề cảnh quan, trật tự công cộng cũng là điều đáng lo ngại vì những tác động của con người ngay tại các bãi tắm trung tâm của khu du lịch nổi tiếng Cát Bà. Bãi Cát Cò 1 đang dần mất đi vẻ đẹp nguyên sơ vốn có, thay vào đó là hệ thống hàng quán thiếu quy cách, lộn xộn, tồi tàn, từ lâu không được trùng tu, bảo dưỡng nên mất mỹ quan nghiêm trọng. Rác thải như vỏ chai lọ, bánh kẹo, vỏ dừa, cam, quýt… từ các hàng quán này cũng được “xả” tràn lan trên khắp lối đi.
Đáng nói hơn nữa là hiện tượng “lấn biển” của các quán nhậu. Khu vực bãi tắm Cát Cò 1 chỉ rộng chừng vài trăm mét vuông luôn chật ních du khách tắm biển, vui chơi trên bãi cát nhưng những “thượng đế” có thể được xếp ngay một chỗ ngồi giữa bãi cát chật chội, ngay cạnh mép nước biển thỏa sức “nhậu”. Những dãy bàn ghế được xếp lộn xộn trên bãi cát, rác thải đùn đống, khách nhậu “túy lúy”, chuyện trò om xòm tạo nên một khung cảnh lộn xộn, bẩn thỉu và vô cùng mất mỹ quan trên bãi tắm Cát Cò 1.
“Đua tốc độ” để chèo kéo du khách!
Khách du lịch đến Cát Bà còn không ít lần “tá hỏa” bởi những màn đua xe, bứt phá tốc độ đến lạnh người tưởng chỉ có trong “xi-nê” của những tay xe ôm.
Nối từ trung tâm Thị trấn Cát Bà đến khu bãi tắm Cát Tiên (Cát cò 1,2,3) là một quãng đường khoảng 800m, chạy dọc theo sườn núi khá dốc và hẹp. Đây là đoạn đường chính dẫn ra bãi tắm nên luôn đông nghịt du khách trải bộ qua lại, thế nhưng, những xe ôm tay lái “lụa” gần như chẳng quan tâm đến sự an toàn của du khách, luôn rú ga phóng hết tốc lực để tranh giành, chèo kéo du khách khiến cung đường luôn inh ỏi tiếng còi xe, tiếng động cơ gầm rú.
Chị Nguyên, chủ quán giải khát duy nhất trên tuyến đường này cho biết, lượng lưu thông các loại xe trên đoạn đường này khá lớn. Đây lại là đoạn đường dốc đứng, tầm nhìn bị hạn chế nên rất nguy hiểm cho khách du lịch qua lại. Do vậy, đoạn đường này thường xuyên xảy ra các vụ va chạm, tai nạn đáng tiếc. “Ngay đầu tháng 6 vừa qua, đã xảy ra một vụ tai nạn nghiêm trọng giữa xe ôm và xe ô tô buýt của doanh nghiệp Quốc Hưng tại cung đường này khiến cả hai lái xe bị thương nặng, xe bus và xe máy đều bị hư hỏng”, chị Nguyên ái ngại cho biết.
Theo đánh giá chung của phòng du lịch Cát Hải trong 6 tháng đầu năm về tình hình du lịch, vấn đề về bảo đảm trật tự giao thông trong du lịch được đặt ra khá bức thiết, nhất là nạn xe ôm chèo kéo gây phiền hà cho du khách, làm xấu hình ảnh đẹp của khu du lịch. Tuy nhiên, vấn đề này dường như vẫn chưa có biện pháp nào để giải quyết triệt để.
Tư duy “tiểu nông” làm du lịch
Thống kê của phòng VH-TT-DL huyện Cát Hải cho hay, tổng số lượng khách 6 tháng đầu năm 2009 đạt 437.000 lượt người, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm 2008 và đạt 51,5% so với kế hoạch năm 2009. Tổng doanh thu từ du lịch đạt 136,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, khảo sát thực tế tại Cát Bà cho thấy hình ảnh một khu du lịch chuyên nghiệp, năng động xứng tầm ở Cát Bà còn quá non yếu. Hệ thống nhà hàng, khách sạn ít, quy mô thấp.
Ở Cát Bà, ngoài 3 khu Resort sang trọng bên các bãi biển tại Cát Tiên, toàn bộ quần đảo Cát bà chỉ có 110 khách sạn, nhà nghỉ, trong đó có 9 khách sạn tiêu chuẩn 2 sao, 13 khách sạn 1 sao, số còn lại là các khách sạn nhỏ và nhà nghỉ thuộc thành phần tư nhân.
Hệ thống khách sạn, nhà nghỉ chủ yếu có quy mô nhỏ, không đáp ứng đủ nhu cầu lưu trú của du khách. Hiện tượng “cháy” phòng thường xuyên xảy ra. Chênh lệch cung cầu cũng là nguyên nhân khiến chất lượng dịch vụ hạn chế, thiếu quy mô, thiếu chuyên nghiệp và hiệu quả thấp. Từ đó dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh: tranh giành, cò mồi, lôi kéo, bắt chặt khách về giá cả ăn nghỉ, dịch vụ.
Ông Vũ Tiến Bảy, trưởng phòng VH, TT&DL huyện Cát Hải cho biết: Vào mùa cao điểm các cơ sở du lịch thường xuyên để xảy ra tình trạng mất điện lưới, mất điện điều hòa, thiếu nước ngọt sinh hoạt gây ảnh hưởng không ít đến các hoạt động du lịch chung của khu du lịch và du khách.
Có lẽ, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần xây dựng một chiến lược quy hoạch cụ thể, quản lý sát sao nhằm khắc phục những điểm yếu của du lịch Cát Bà để khu du lịch này hoạt động chuyên nghiệp hơn, xứng tầm là một trọng điểm phát triển du lịch của quốc gia.