Hiệp sĩ voọc

Cập nhật: 11/09/2009
“Cỗ xe tăng Đức”, “linh trưởng chúa”, “hiệp sĩ”, “thiên lôi”..., suốt 18 năm lăn lộn cứu hộ, bảo tồn voọc ở Vườn Quốc gia Cúc Phương, ông Tây gần 70 tuổi ấy đã mang hàng loạt biệt danh gắn với tính cách và đặc trưng công việc của mình.

Bán cả cơ nghiệp vì linh trưởng
“VQG Cúc Phương rộng 22.000 ha, nằm ở khu vực giáp ranh ba tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa và Hòa Bình. Trong rừng có các trung tâm bảo vệ rùa, cầy vằn; thuần dưỡng hươu, nai... đều do người nước ngoài làm chủ đề tài, dự án. Trong đó, có Trung tâm Cứu hộ linh trưởng do thạc sĩ Tilo làm giám đốc”- ông Hoàng Xuân Thủy, cán bộ VQG Cúc Phương, giới thiệu.

Chúng tôi có ấn tượng đặc biệt ngay lần đầu gặp gỡ thạc sĩ Tilo ở VQG Cúc Phương. Đã gần 70 tuổi song trông ông vẫn vạm vỡ, phong trần với vẻ gì đó rất “bụi bặm”, “giang hồ”. Các cán bộ VQG Cúc Phương cho chúng tôi biết để có tiền xây trung tâm cứu hộ này, Tilo đã phải bán cả cơ nghiệp của ông bên Đức mới đủ kinh phí.

Đã hơn 9 giờ mà muỗi rừng vẫn vo ve quấn lấy chân người. Tilo và vợ, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, nhỏ hơn ông... 31 tuổi, niềm nở đón tiếp chúng tôi. Vợ chồng Tilo cùng mặc trang phục kiểm lâm màu xanh lá rừng. Trông họ rất gọn gàng, nhanh nhẹn.

Tilo nói tiếng Việt đủ để giao tiếp. Đã hơn 10 năm ông lấy vợ người Việt và sinh được hai con rồi còn gì! Song Tilo thường rất ít nói. Dù vậy, khi gặp chuyện bất bình, chướng tai gai mắt nào đó, nhất là trong việc cứu hộ, nuôi dưỡng linh trưởng, ông lập tức đỏ mặt tía tai, nói năng đốp chát. Với phong thái như vậy, người dân bản Mường quanh VQG Cúc Phương thường gọi Tilo là lão “thiên lôi”.

Vậy mà 18 năm nay, lão “thiên lôi” ấy bám rừng Cúc Phương chỉ với mỗi tâm niệm “giữ gìn những gì sắp mất cho thế hệ mai sau”. 18 năm miệt mài, ngày nào cũng như ngày nào, từ sáng sớm đến chiều tối, vợ chồng Tilo - Hiền cặm cụi với công việc cứu hộ, nuôi dưỡng voọc. Hai con trai của họ, đứa 7 tuổi, đứa 4 tuổi, cũng tự chơi với những con voọc như bè bạn trong núi rừng Cúc Phương.
Xin được nằm lại với Cúc Phương
Chúng tôi đến Trung tâm Cứu hộ linh trưởng của Tilo và quan sát ông làm việc. Hai bức tường trong phòng làm việc của Tilo chất đầy sách, tài liệu và cắm hai lá cờ Việt - Đức. Bức tượng Hồ Chủ tịch đặt trang trọng trên bàn làm việc của ông. Tiếng máy tính lách cách vang lên trong không gian yên tĩnh của núi rừng buổi sớm. Trông Tilo cặm cụi, lừng lững làm việc, chúng tôi chợt nhớ tới biệt danh “cỗ xe tăng Đức” mà bà con quanh vùng từng gọi ông.

Với vợ chồng Tilo, công việc cứu hộ, nuôi dưỡng linh trưởng dường lúc nào cũng hối thúc họ. “Ngày đầu mới đến Cúc Phương, chúng tôi từng dựng lều, ăn củ chuối, uống nước suối, ngủ ngay trong rừng để rình chụp ảnh voọc mông trắng. Bà con quanh vùng ai cũng trố mắt kinh ngạc, không hiểu chúng tôi làm gì. Do phải cùng Tilo liên tục lặn lội khảo sát, tìm hiểu tập tính của linh trưởng trong các khu rừng, vách núi, tôi đã phải bỏ mất đứa con trong bụng do quá đuối sức”- bà Hiền tâm sự.

18 năm lăn lộn cứu hộ, bảo tồn voọc ở Cúc Phương, giờ đây gia sản của vợ chồng Tilo chỉ là đàn linh trưởng, trong đó có nhiều con đang bị thương. Vậy mà ông vẫn yêu quý vô cùng loài thú này, yêu quý cả nơi mà ông đã gắn bó lâu nay. Bà Hiền bộc bạch: “Đã có lúc, Tilo nêu nguyện vọng cuối đời của mình với giám đốc VQG Cúc Phương rằng, khi ông qua đời hãy cho ông yên nghỉ ở động Người xưa trong rừng”.

Bà Hiền cho biết từ ngày gắn bó với Tilo, gắn bó với voọc và núi rừng Cúc Phương, vợ chồng bà không bao giờ được phép đau ốm. Công việc cứ bày ra, chẳng còn thời gian đâu để nghỉ dưỡng. Lịch làm việc của vợ chồng họ dày kín: Sáng, chiều làm việc tại trung tâm; tối về cặm cụi dịch tài liệu... “Kết hôn với Tilo đã chục năm nay nhưng chúng tôi chưa một ngày nào được lên xe hoa. Vợ chồng tôi cứ dự định tổ chức đám cưới nhưng công việc cứ cuốn phăng, không có thời gian”- bà Hiền kể.
Chuyện tình xuyên quốc gia
Tilo vốn là thạc sĩ điện lạnh nhưng từ lâu đã đam mê các loài thú, nhất là voọc. Nỗi đam mê ấy giúp ông dành nhiều thời gian tìm hiểu động vật hoang dã và trở thành chuyên gia nghiên cứu linh trưởng.
Trước khi gắn bó với núi rừng VN, Tilo đã từng đến châu Phi và nhiều nước khác ở châu Á để nghiên cứu loài linh trưởng. Năm 1991, theo sự phân công của Trung tâm Zoologische Gesellschaft Franrfurt – Đức, Tilo tới VN tiến hành dự án nghiên cứu bảo tồn linh trưởng. Trong những ngày lặn lội ở núi rừng VN, Tilo đã gặp Thu Hiền, cô sinh viên Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội khi ấy là hướng dẫn viên du lịch cho một số công ty lữ hành. Có cá tính lại thích ngao du, Hiền đã cùng Tilo vào rừng, lên núi hàng tuần để tìm hiểu tập quán của loài linh trưởng tại VN. Tình yêu của họ nảy nở từ những chuyến đi như vậy.

Biết con gái yêu một người đàn ông Đức gần bằng tuổi cha, hơn cả tuổi mẹ, cha mẹ Hiền và họ hàng cực lực phản đối. Mười năm trôi qua, họ vẫn yêu nhau. Năm 1996, dự án nghiên cứu bảo tồn linh trưởng của Tilo thành công, song tiếng gọi của đàn voọc, sự hấp dẫn của núi rừng VN và đặc biệt là tình yêu với cô gái người Việt, đã níu bước chân ông.
Ông không thể rời núi rừng Cúc Phương, bỏ mặc những con thú quý đang có nguy cơ tuyệt chủng. Tilo càng không thể lìa xa đất nước này, khi ở đây có một người con gái vẫn chờ đợi ông... Rốt cuộc, cha mẹ Hiền đã mềm lòng, đồng ý để hai người đi tới hôn nhân. “Trước hôm cưới 2 ngày, tôi mới biết Tilo hơn mình tới... 31 tuổi, còn con gái riêng của anh ấy cũng hơn tôi 5 tuổi”- bà Hiền nhớ lại.
Dù chênh lệch tuổi tác, khác biệt chủng tộc, ngôn ngữ, song họ vẫn gắn bó nhau với đầy tình cảm yêu thương đến ngày nay. Khi Tilo quyết định rời Hà Nội vào bám VQG Cúc Phương để có điều kiện cứu hộ, nuôi dưỡng, bảo tồn đàn voọc tốt hơn, Hiền cũng kiên quyết theo chồng, từ bỏ những tiện nghi nơi phố phường đô hội.
Nhiều cán bộ VQG Cúc Phương và người dân quanh vùng đã trìu mến gọi Tilo là “linh trưởng chúa”, “hiệp sĩ voọc”. 18 năm lăn lộn cứu hộ, bảo tồn voọc ở VQG Cúc Phương, người đàn ông Đức này đã vinh dự được Chủ tịch nước VN gởi thư khen, được Nhà nước ta tặng Huân chương Lao động hạng ba, đoạt giải thưởng danh dự hạng nhất dành cho chuyên gia về lĩnh vực bảo tồn của thế giới...

Nguồn: nld.com.vn