Nuối tiếc một Sa Pa

Cập nhật: 17/09/2009
Trên độ cao khoảng 1.500m (so với mặt nước biển), Sa Pa nằm lọt trong dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ của núi rừng Tây Bắc, thị trấn là một thiên đường du lịch khi nó hội tụ rất nhiều yếu tố tự nhiên có giá trị.

Du lịch đã làm cho Sa Pa trở nên giàu có, cuộc sống đổi thay. Cô gái Mông, Dao đang làm quen dần với kỹ năng sống của người Kinh hiện đại, những chàng thanh niên phì phèo điếu thuốc đi chơi chợ thay vì rít khói điếu cày. Đôi khi, hiếm gặp nét thật thà trên khuôn mặt thiếu nữ, đức tính nhường nhịn vốn có của người dân tộc vùng cao.

Các bản Cát Cát, Sín Chải, Tả Phìn, Bản Hồ, Tả Van là những điểm du lịch vệ tinh của thị trấn. Ở đây, trai làng, gái bản, người già, trẻ thơ các dân tộc người Dao đỏ, Mông, Tày... dù chất phác đến mấy cũng không thoát khỏi những cám dỗ vật chất mà du lịch đem lại cho mảnh đất này.

Người ta hướng về Sapa, để gia nhập nó, trong không khí nơi kẻ chợ ồn ào, mánh lới.

Sa Pa thành “phố”, con người đã thay đổi, không còn giữ nguyên giá trị vốn có, sự “Kinh hóa” đang xâm lấn thị trấn hiền lành này.

Nếu để tìm về với thiên nhiên hoang dã, vui trong cảm giác được đối diện với con người mộc mạc vùng núi cao, hoặc muốn thoát khỏi những lời mời mọc đeo bám nhan nhản chốn thành thị thì Sa Pa bây giờ không phải là nơi như thế.

Đến Sa Pa, du khách dễ dàng nhận thấy một số thay đổi ngay chính từ những người dân bản địa: các cô gái ở đây nói tiếng Anh khá tốt nhưng tiếng Kinh thì lơ lớ khó nghe; cảnh trẻ nhỏ rong chơi cả ngày, với trên tay vài thứ đồ lưu niệm làm vội, một ngày cũng kiếm được đôi ba chục nghìn, cách bán hàng của chúng còn tinh quái hơn trẻ miền xuôi. Đêm muộn chúng mới đi bộ về nhà cách đó từ 3 đến 7km. Dân bản cũng đeo bám khách để bán hàng tại một số bản du lịch. Những cô gái Mông sắc sảo thường được chọn làm hướng dẫn viên du lịch...

 

Nguồn: Theo Dân trí