Bảo vệ cây xanh của Thủ đô

Cập nhật: 17/09/2009
Ngày 16/9, báo Hànộimới đăng bài Hàng loạt cây sưa bị cưa trộm, "Lâm tặc" giữa lòng Hà Nội, chiều cùng ngày, báo Hànộimới đã nhận được bài viết Bảo vệ cây xanh của Thủ đô của đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Một trong những nét đẹp của Thủ đô Hà Nội được mọi người yêu mến là những đường phố rợp bóng cây xanh.

Một trong những yêu cầu mà Thủ đô Hà Nội phấn đấu để đạt danh hiệu Thủ đô văn minh, hiện đại là xanh - sạch - đẹp.

Mọi người đều yêu quý cây xanh, đều mong muốn Thủ đô của chúng ta là một Thủ đô xanh - không chỉ trong ánh mắt nhìn, xanh trong tình yêu, trong ước mong về một môi trường sống trong lành cho hôm nay và mai sau, mà còn phải xanh theo yêu cầu về văn minh, văn hóa, trong sự ứng xử của con người với thiên nhiên, cây cỏ.

Nhưng, mọi người đang phẫn nộ vì một hiện tượng, giữa lòng Thủ đô mà chỉ trong một thời gian ngắn, liên tiếp xảy ra 11 vụ triệt hạ cây sưa. Ai cũng thốt lên: sao lại có kẻ nỡ làm chuyện phá hoại ngang nhiên như vậy? Và rồi, một câu hỏi khác: thế chính quyền, các cơ quan chức năng, thanh tra giao thông, thanh tra xây dựng, công an thành phố, công an khu vực… và những người dân Thủ đô yêu quý cây xanh không lẽ chịu thua, chẳng lẽ để lâm tặc mặc sức hoành hành giữa lòng Thủ đô Hà Nội?

Khi báo chí đưa tin cây sưa thứ 3 bị chặt trộm, lãnh đạo thành phố đã yêu cầu đồng chí phó chủ tịch phụ trách lĩnh vực công viên cây xanh, đồng chí Giám đốc Công an thành phố phải tăng cường chỉ đạo, tổ chức lực lượng thanh tra, điều tra, đưa những kẻ đã triệt hạ những cây xanh trên đường phố ra xử lý trước pháp luật, như cách đây hai năm đã xử lý vụ chặt hạ cây sưa ở Gò Đống Đa.

Đến hôm qua, 16/9, báo Hànộimới lại đăng bài, với dòng "tít" thật nóng bỏng, bức xúc: "Lâm tặc giữa lòng Hà Nội"…" Liên tiếp xảy ra 11 vụ cưa trộm cây sưa với thủ đoạn ngày càng tinh vi, liều lĩnh"… kèm theo là bức ảnh một phần "thân thể" cây sưa bị triệt hạ còn bỏ lại nằm kêu cứu trên hè phố Phan Kế Bính.

Chặt hạ một cây sưa, dù là khôn ngoan và liều lĩnh đến mấy, cũng không phải quá dễ dàng như chuyện ăn cắp vặt. Kẻ ác nhất định phải có từ vài người trở lên, phải chuẩn bị phương tiện, dụng cụ chặt hạ, chuyên chở; phải có kẻ bán, người mua, người tiêu thụ… Nói tóm lại, tuy không phải là việc làm giữa thanh thiên bạch nhật, mà dù là giữa đêm tối hay khi trời mưa, thì cũng không dễ che giấu, phi tang. Thế nào cũng có tiếng cưa, tiếng máy; thế nào cũng để lại dấu vết; thế nào cũng có đường dây…

Vì trách nhiệm quản lý đô thị, vì tình yêu đối với những hàng cây xanh đang làm đẹp, làm trong lành cho đường phố Thủ đô, các cấp, nhất là cấp cơ sở, các lực lượng chức năng như công an, thanh tra giao thông, thanh tra xây dựng… cùng tất cả mọi người dân phải cùng vào cuộc. Ví dụ, công an (hay thanh tra) hãy công bố 1, 2 số máy điện thoại - đường dây nóng - để bất kỳ ai, lúc nào, ở đâu phát hiện được những kẻ đang chặt hạ, vận chuyển, buôn bán, chứa chấp, tiêu thụ… cây sưa đều có thể báo ngay và lập tức phải có lực lượng tới ngay để xử lý. Người có công phát hiện sẽ được thưởng, như chúng ta đã thưởng những người cung cấp thông tin để bắt giữ những xe đổ phế thải bừa bãi ra đường phố.

Và cũng không thể không đề cập đến trách nhiệm các lực lượng, các tổ chức có trách nhiệm và chính quyền phường, tổ dân phố… nơi để xảy ra vụ việc. Cùng với việc xử lý nghiêm minh người chặt hạ trái phép cây xanh đường phố, dư luận cũng cần lên án, phát hiện và xử lý nghiêm minh những người cố tình làm chết cây xanh bằng các thủ đoạn khác nhau.

Tôi nghĩ, có vô số các biện pháp nghiệp vụ, chuyên môn mà các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng có thể lần ra manh mối. Điều quan trọng là, nếu mỗi người đều coi nghĩa vụ và trách nhiệm bảo vệ cây xanh của Thủ đô là thiết thân, đều có những việc làm cụ thể để góp phần, thì không thể tái diễn việc "lâm tặc" hoành hành giữa lòng Thủ đô Hà Nội.

 

Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị

Nguồn: Báo Hà Nội Mới