Với nhiều tiểu vùng khí hậu khác nhau, phù hợp phát triển nhiều loại nông sản đặc trưng, tỉnh Hà Giang vừa đồng thời hình thành nhiều vùng sản xuất chuyên canh cũng như khai thác lợi thế này trong phát triển du lịch gắn với sản phẩm nông nghiệp đặc trưng.
Đột phá “Phát triển du lịch nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị” là 1 trong 3 khâu đột phá chiến lược được Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ 17 xác định và thông qua để tập trung phát triển trong nhiệm kỳ 2020 - 2025. Tỉnh Hà Giang đã thực hiện đột phá trên thông qua việc ban hành nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ phát triển du lịch, nông nghiệp đi vào cuộc sống, như: Nghị quyết số 05 của BCH Đảng bộ tỉnh về “Phát triến kinh tế vườn hộ để tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 - 2025”; Nghị quyết số 58 của HĐND tỉnh về “Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế vườn hộ và phát triển bền vững cây cam sành trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025”; Nghị quyết 17 của BCH Đảng bộ tỉnh về “Phát triển nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025”; Nghị quyết số 10 của HĐND tỉnh quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch đến năm 2028 trên địa bàn tỉnh…
Du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp cũng là một trong những sản phẩm du lịch đặc trưng tỉnh Hà Giang đang thực hiện trong “Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch tỉnh Hà Giang giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030” nhằm đưa đến cho du khách những trải nghiệm, khám phá thú vị về hoạt động sản xuất nông nghiệp và thưởng thức đặc sản địa phương do chính tay mình thu hoạch; qua đó làm đa dạng sản phẩm du lịch và tăng thêm thu nhập cho người dân.
Với nhiều tiểu vùng khí hậu khác nhau, phù hợp phát triển nhiều loại nông sản đặc trưng, có thể phục vụ phát triển du lịch, tiêu biểu như cam sành, chè Shan tuyết, mật ong bạc hà, hồng không hạt, hoa tam giác mạch, đào, lê, mận… Hiện nay, tỉnh đang thực hiện khâu đột phá về phát triển nông nghiệp đặc trưng hàng hóa theo chuỗi giá trị và Chương trình OCOP, tạo ra nhiều vùng sản xuất chuyên canh, nhiều sản phẩm nông nghiệp chất lượng.
Một số địa phương có thể đề xuất xây dựng sản phẩm du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp như huyện Bắc Quang xây dựng vườn cam Sành VietGAP thành điểm du lịch sinh thái.
Ngành nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò là trụ đỡ cho nền kinh tế, đóng góp 32% cơ cấu kinh tế của tỉnh. Đặc biệt, đến nay toàn tỉnh đã có 270 sản phẩm được cấp Giấy chứng nhận, trong đó có 229 sản phẩm 3 sao, 39 sản phẩm 4 sao và 02 sản phẩm 5 sao cấp quốc gia; nhiều sản phẩm đặc trưng có giá trị như: Cam sành Hà Giang, Mật ong Bạc Hà và Trà Shan tuyết cổ thụ,...Chương trình OCOP đã tạo tín hiệu tích cực, trở thành động lực để phát triển kinh tế vùng nông thôn, tạo ra những sản phẩm theo chuỗi giá trị, góp nâng cao thu nhập, phục vụ hiệu quả cho Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Với những lợi thế trên, một số địa phương có thể đề xuất xây dựng sản phẩm du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp như huyện Bắc Quang xây dựng vườn cam Sành VietGAP thành điểm du lịch sinh thái; Vị Xuyên có chương trình tham quan đồi chè Shan tuyết cổ thụ; Hoàng Su Phì với sản phẩm bắt cá Chép, cấy, gặt lúa trên ruộng bậc thang vàng óng, thu hái mận Máu; Xín Mần xây dựng thảo nguyên Suôi Thầu thành điểm du lịch nông nghiệp; Quản Bạ phát triển dược liệu gắn với tham quan, trải nghiệm mô hình trồng, chăm sóc, thu hái, chế biến, nghỉ dưỡng; các huyện trên Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn trồng hoa Tam giác mạch, cây ăn quả, trải nghiệm quy trình sản xuất mật ong Bạc hà…
Trong đó, với 2.196,4 ha ruộng bậc thang đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cấp chứng nhận Di tích Quốc gia, những năm qua, huyện Hoàng Su Phì đã tập trung phát triển du lịch theo hướng tạo dựng thương hiệu gắn với di sản ruộng bậc thang. Xây dựng cụm du lịch sinh thái nông nghiệp tại các xã có diện tích ruộng bậc thang nằm trong vùng di tích như: Bản Luốc, Bản Phùng, Hồ Thầu, Nậm Ty, Sán Sả Hồ, Thông Nguyên... Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân cấy lúa và nuôi cá Chép ruộng, vừa góp phần nâng cao thu nhập, vừa tạo thêm dịch vụ trải nghiệm cho du khách. Thực hiện sản xuất theo phương thức “5 cùng” (cùng làm đất, cùng giống, cùng gieo trồng, cùng chăm sóc, cùng thu hoạch), nhằm tạo cảnh quan đẹp, đặc biệt vào mùa lúa chín để thu hút khách du lịch.
Ruộng bậc thang là một trong những tư liệu sản xuất quan trọng nhất của cư dân nông nghiệp huyện Hoàng Su Phì. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, bà con các dân tộc thiểu số nơi đây nương theo tự nhiên, cải tạo và ứng phó với điều kiện khắc nghiệt như địa hình không bằng phẳng, độ dốc cao, thường xuyên thiếu nước gây khó khăn cho việc canh tác để tạo nên những thửa ruộng bậc thang như một bức tranh kỳ vĩ, vẻ đẹp hoang sơ của núi đồi vùng cao.
Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì là một trong những điểm đến thu hút đông đảo du khách tại tỉnh Hà Giang. Ảnh: NDO.
Tại xã Cao Bồ, huyện Vị Xuyên có gần 1.000 ha chè Shan tuyết cổ thụ hàng trăm tuổi, sinh sống trên các đỉnh núi cao. Năm 2015, quần thể chè Shan tuyết cổ thụ có tuổi đời từ 100 – 300 năm ở xã Cao Bồ được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam. Rất nhiều du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài đã đến Cao Bồ khám phá, tìm hiểu về Cây Di sản Việt Nam. Từ đây, cây chè Shan tuyết cổ thụ mở ra hướng đi mới trong phát triển sản phẩm du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp.
Thời gian qua, ngành nông nghiệp của tỉnh đã chủ động, tích cực phối hợp với các Vụ, Viện, các trường đại học của Trung ương, các địa phương nhằm bảo tồn, phục tráng nguồn gen quý, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào các khâu sản xuất giống để cung ứng giống tốt, chất lượng cao cho các tổ chức và cá nhân trên địa bàn tỉnh. Qua đó, phát triển và tạo ra các sản phẩm có chất lượng, mẫu mã đẹp, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Áp dụng tiêu chuẩn an toàn (VietGAP, hữu cơ và các tiêu chuẩn xuất khẩu khác); gắn tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp và tiêu thụ sản phẩm trên nền tảng công nghệ số, sàn giao dịch điện tử để du khách và người tiêu dùng dễ dàng tìm hiểu, lựa chọn.
Bên cạnh đó, tăng cường kết nối với các doanh nghiệp du lịch, lữ hành hình thành các tour, tuyến du lịch chất lượng, đa dạng và hấp dẫn. Thu hút, mời gọi các doanh nghiệp đầu tư vào du lịch nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh. Nâng cao chất lượng các sản phẩm đặc trưng gắn với xây dựng và phát triển thương hiệu, để nâng cao giá trị sản phẩm, phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng và du khách. Chú trọng hoạt động bảo vệ môi trường và xúc tiến, quảng bá điểm đến, góp phần thúc đẩy du lịch nông nghiệp, nông thôn phát triển mạnh mẽ, mang lại sức sống mới ở khu vực nông thôn.
Theo thông tin của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, 9 tháng năm 2023, tỉnh Hà Giang đã đón 2.158.400 lượt du khách, trong đó 218.080 lượt khách quốc tế, khách nội địa là 1.940.320 lượt người (tăng 35% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 86% kế hoạch năm) doanh thu du lịch đạt 5.072 tỷ đồng, tăng 58,6% so với cùng kỳ 2022. Sản phẩm du lịch ngày càng phát triển đa dạng, các loại hình du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch thể thao mạo hiểm, du lịch thương mại, biên giới được triển khai mạnh mẽ.
Đối với nhóm sản phẩm du lịch cộng đồng, tỉnh đã đầu tư với 40 làng văn hóa tiêu biểu theo Chương trình nông thôn mới; 16 làng văn hóa được công nhận là “Làng văn hóa du lịch tiêu biểu gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); hoạt động của các làng được khai thác hiệu quả, thu hút lượng khách du lịch đáng kể, huy động được sự tham gia cộng đồng trong cung ứng dịch vụ, đảm bảo các lợi ích từ du lịch đóng góp và phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Thu nhập bình quân các hộ làm dịch vụ du lịch (Homestay) trung bình đạt 70 đến 90 triệu đồng/năm, có những hộ đạt doanh thu trên 100 triệu đồng/năm. Năm 2023 thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ được nhận giải thưởng ASEAN về lĩnh vực du lịch cộng đồng.
Với nhóm sản phẩm Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, địa phương này đã khai thác tốt sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp gắn với trải nghiệm các làng du lịch cộng đồng với các hoạt động tham quan trải nghiệm mô hình trồng, chăm sóc, thu hái, chế biến sản phẩm dược liệu, đặc sản địa phương. Xây dựng mô hình nông nghiệp hữu cơ, sản phẩm đặc trưng theo chuỗi giá trị. Tận dụng lợi thế, khai thác danh thắng, cảnh quan tự nhiên, hệ thống hang động, sông, suối, thác, hồ hình thành nên các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, bước đầu đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch và người dân. Xây dựng các tuyến đi bộ phục vụ phát triển du lịch sinh thái kết hợp tuần tra bảo vệ rừng trong các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia. Đẩy mạnh gắn kết khai thác trong các chương trình du lịch một số sản phẩm Du lịch địa chất tiêu biểu trên vùng Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn...
Thu Hiền