Mô hình du lịch sinh thái của Trung tâm bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển Cộng đồng (MCD) đã thực sự tạo được sự liên kết, gắn bó quyền lợi của người dân với môi trường thiên nhiên, giống như xây dựng được thêm một hàng rào vô hình bảo vệ môi trường cho khu vực đất ngập nước này.
Một trong những sinh kế mới hiện đã và đang được MCD áp dụng thành công tại một số vùng ven biển đồng bằng sông Hồng và miền Trung là du lịch sinh thái.
Giải pháp sức ép khai thác
Bà Nguyễn Thị Thu Huệ - Giám đốc Trung tâm bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển Cộng đồng (MCD) cho biết: Một thời, xã Giao Xuân - huyện Xuân Thủy, Nam Định phải đối mặt với đói nghèo dai dẳng khiến dân phải khai thác tài nguyên thiên nhiên, phá rừng, tận thu tôm cá. Song khai thác bừa bãi không giúp họ hết nghèo mà còn dẫn tới cái nghèo khác nguy hiểm hơn - nguồn tài nguyên sinh thái cạn kiệt, môi trường ô nhiễm, lũ lụt triền miên và người đầu tiên phải gánh chịu hậu quả chính là người dân. Rốt cuộc, cái vòng luẩn quẩn đói nghèo - phá rừng - đói nghèo - tái phá rừng như sợi dây nhiều nút thắt ngày càng siết chặt cuộc sống họ.
Từ năm 2006 MCD đã chọn Giao Xuân để xây dựng chương trình thí điểm kết hợp du lịch cộng đồng với bảo tồn sinh thái và cải thiện đời sống người dân. Các chuyên gia MCD dạy cho các hộ dân kỹ năng phục vụ cơ bản, đầu bếp của Trường dạy nghề nấu ăn Hoa Sữa được mời về để dạy cách chế biến thực phẩm, nấu ăn. Đặc biệt, là tập huấn để biết vệ sinh môi trường xung quanh sạch sẽ, gọn gàng. Nhận thức của người dân về vệ sinh môi trường, bảo vệ rừng ngập mặn ven biển giờ đã thay đổi rất nhiều.
Theo ông Nguyễn Viết Cách, Giám đốc Vườn Quốc gia Xuân Thủy, hiện nay cuộc mưu sinh của hàng trăm người dân nghèo đang diễn ra hàng ngày ngay trên vùng lõi vườn quốc gia, gây sức ép rất lớn lên nguồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là rừng ngập mặn ven biển và đa dạng sinh học vô giá ở đây. Họ coi vùng lõi là nồi cơm chung, tha hồ khai thác. Giải pháp căn cơ là phải thay đổi cách nghĩ về người dân. Phải đặt họ vào vị trí trung tâm của sự hợp tác với chính quyền, vườn quốc gia và các hãng lữ hành, gắn quyền lợi của họ với lợi ích của vườn. Hợp tác tốt với dân là chìa khóa cho việc bảo vệ nguồn tài nguyên, môi trường ven biển.
Lấy cộng đồng: làm tâm điểm để phát triển
Thực tế đã cho thấy, đối với công tác bảo tồn môi trường biển, việc tìm ra những sinh kế mới cho cư dân bản địa vô cùng quan trọng. Bởi vì chỉ khi có thu nhập ổn định, tài nguyên biển mới không bị khai thác theo kiểu tận diệt, ý thức bảo vệ của người dân mới được cải thiện.
Một trong những sinh kế mới hiện đã và đang được MCD áp dụng thành công tại một số vùng ven biển đồng bằng sông Hồng và miền trung là du lịch sinh thái. Ở Giao Xuân (huyện Xuân Thuỷ, Nam Định), các tour du lịch sinh thái đi thăm vườn quốc gia Xuân Thuỷ, làng chài, làng nghề và tuyến đê biển… hiện đã đi vào ổn định, bắt đầu thu hút hàng trăm khách du lịch trong và ngoài nước.
Mô hình du lịch sinh thái ở đây đã thực sự tạo được sự liên kết, gắn bó quyền lợi của người dân với môi trường thiên nhiên, giống như xây dựng được thêm một hàng rào vô hình bảo vệ môi trường cho khu vực đất ngập nước này. Nhiều người trước đây sinh sống bằng nghề săn chim, khai thác thuỷ sản trái phép đều chuyển sang làm du lịch, hoặc tham gia vào đội bảo vệ chim rừng cho vườn quốc gia… Những kinh nghiệm từ mô hình này đã được đúc kết lại và chia sẻ với các khu dự trữ sinh quyển khác thông qua một số cuộc họp tại Hàn Quốc, Hà Lan…
Tiếp nối thành công ở Giao Xuân, mô hình du lịch sinh thái tiếp tục được đưa vào áp dụng tại Khu bảo vệ sinh thái biển Rạn Trào (xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh, Khánh Hoà). Rạn Trào là rạn san hô có diện tích khoảng 25ha, cách thành phố Nha Trang chừng 60km. Đây là khu sinh thái biển đầu tiên do chính người dân quản lý, với một nhóm hạt nhân gồm khoảng 9 người, vừa có nhiệm vụ tuyên truyền, vận động bà con bảo vệ Rạn Trào, vừa hướng dẫn người dân các kỹ thuật nuôi vẹm xanh và hải sâm xen lẫn tôm hùm theo hướng không gây ô nhiễm môi trường.
Bà Hồ Thị Yến Thu - Phó Giám đốc MCD cho biết, trước đây, các phương pháp khai thác thuỷ sản quá mức đã làm suy giảm một số nguồn lợi, nhiều rạn san hô đã bị phá huỷ. Sau một thời gian dự án của MCD đến với bà con, bên cạnh tuyên truyền, giáo dục, việc đưa du lịch trở thành ngành nghề mới cho thu nhập ổn định đã khiến người dân hiểu ra và có ý thức bảo vệ Rạn Trào.
Hiện nay, cư dân Rạn Trào đã tự xây dựng những chòi bảo vệ ngoài biển, hàng ngày có thuyền đi tuần tra, canh gác trong khu vực. Điều đáng nói là người dân hoàn toàn tự giác, mặc dù dự án khai thác du lịch sinh thái vẫn còn đang ở giai đoạn thử nghiệm, sơ khai, và những công việc canh gác, tuần tra đều không có thù lao.
Được biết, Rạn Trào là khu vực có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, cả về văn hoá và thiên nhiên, vì vậy việc phát triển mô hình du lịch sinh thái ở đây thuận lợi hơn nhiều so với khu vực đồng bằng sông Hồng. Hiện nay, MCD đang bắt đầu đưa vào các tour thử nghiệm tại Rạn Trào, trước hết là tour ngắm san hô... Những nỗ lực bảo vệ đa dạng sinh học ở khu vực này đang đem lại các kết quả đầu tiên: số loài tôm cá đến nay đã tăng lên gấp đôi so với 300 loài từ thống kê năm 2001, hơn 200 cụm san hô được chiết ghép đã phát triển rất tốt trong môi trường tự nhiên.
Ngoài du lịch sinh thái, một số nghề nuôi trồng thuỷ sản cũng đã được MCD đưa vào ứng dụng cho người dân vùng biển, như nuôi ngao, vạng… ở Giao Xuân, nuôi tôm hùm, vẹm xanh… ở Rạn Trào. Nghề nuôi thuỷ sản tại những nơi này đang đi vào ổn định và cho thu nhập khá đều, tạo kế sinh nhai cho dân. Ngoài ra, một số nghề khác như nuôi dế cơm, nuôi dông, dệt chiếu… cũng đang được khôi phục và phổ biến tại Giao Xuân, Nam Phú (Thái Bình) và Vạn Hưng.
Tuy đã gặt hái được những thành công nhưng trong quá trình thực hiện vẫn còn tồn tại một số vướng mắc như cần khắc phục là chưa có nhiều cơ hội cho người dân chia sẻ trực tiếp ý kiến về những việc họ đang làm, cũng như chưa nâng cao vai trò chủ động.
Việc quảng bá chưa sâu rộng cũng là lý do khiến các điểm du lịch sinh thái mới này chưa lọt vào tầm ngắm của số đông du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài, đối tượng rất ưa chuộng loại hình du lịch sinh thái.
Việc phát triển du lịch sinh thái để bảo vệ môi trường dựa vào cộng đồng ở xã Giao Xuân bước đầu đã có nền tảng. Tuy nhiên, để phát triển hiệu quả hơn và thực sự đem lại nguồn thu cho người dân xã Giao Xuân thì đây là việc không chỉ có tổ chức MCD, của người dân mà cần có sự hỗ trợ của nhiều cấp, ban ngành trong tỉnh.
Theo ông Đỗ Thanh Xuân, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, để mô hình thí điểm du lịch sinh thái cộng đồng Giao Xuân đạt kết quả như mong muốn và cho kết quả nhân rộng ra các xã vùng đệm tạo điều kiện cho phát triển hoạt động du lịch sinh thái Vườn quốc gia Xuân Thủy nên tập trung:
- Xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển du lịch sinh thái Vườn quốc gia Xuân Thủy và các khu vực vùng đệm xác định rõ các phân khu chức năng kèm theo quy hoạch sử dụng đất làm cơ sở xây dựng các dự án và kêu gọi đầu tư hạ tầng (đường, điện, nước sạch, bến bãi, luồng lạch...) đầu tư công trình dịch vụ du lịch như nhà nghỉ, khách sạn, nhà hàng, tàu thuyền, phương tiện chuyên chở khách du lịch đi tham quan. Đề nghị UBND tỉnh giao cho các Sở Kế hoạch Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch phối hợp với huyện Giao Thủy là chủ đầu tư xây dựng dự án quy hoạch chi tiết Khu du lịch Sinh thái Vườn quốc gia Xuân Thủy và các dự án đầu tư hạ tầng tại khu du lịch. Các dự án ưu tiên đầu tư trước mắt là cung cấp nước sạch, xây dựng bến tàu thuyền chở khách tham quan Vườn quốc gia và đặc biệt là nâng cấp hệ thống giao thông đến khu vực Vườn quốc gia.
- MCD cần hỗ trợ và kêu gọi các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ vốn chuyển đổi ngành nghề, đào tạo nghề mới cho nông dân và phụ nữ các xã vùng đệm tham gia làm du lịch sinh thái.
- Trên cơ sở những hoạt động của dự án thí điểm đã thực hiện trong những năm qua, UBND xã Giao Xuân cùng MCD cần tiếp tục duy trì những mặt đã làm được, khắc phục những tồn tại, vướng mắc để từng bước phát triển mô hình này.