COP28: Việt Nam sẵn sàng tham gia hợp tác cùng các thành viên Liên hợp quốc trong ứng phó với các thách thức toàn cầu

Cập nhật: 28/11/2023
Việt Nam là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Việt Nam sẵn sàng tham gia hợp tác cùng các thành viên Liên hợp quốc (LHQ) trong ứng phó với các thách thức toàn cầu, trong đó có chống biến đổi khí hậu; Khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của Việt Nam với UAE, nước chủ nhà của COP28, một đối tác mới đầy tiềm năng trong lĩnh vực này.

COP28 sẽ diễn ra từ ngày 30/11 - 12/12/2023 tại Expo City, Dubai của Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất với chủ đề “Gắn kết - hành động - hiệu quả” 

Biến đổi khí hậu (BĐKH) với biểu hiện chính là sự nóng lên trên toàn cầu và mực nước biển dâng, đã và đang tác động mạnh mẽ đến mọi mặt kinh tế, chính trị, ngoại giao, an ninh toàn cầu; là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại.

Để ứng phó với BĐKH, Hội nghị của Liên hợp quốc về Môi trường và Phát triển bền vững tại Rio de Janeiro (Brazil), tháng 6 năm 1992 đã thông qua Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH (UNFCCC) làm cơ sở cho các hoạt động hợp tác quốc tế ứng phó với BĐKH. Hiện UNFCCC có 198 Bên tham gia gồm 197 quốc gia và Liên minh châu Âu.

Nghị định thư Kyoto là văn bản thực thi của UNFCCC được thông qua năm1997 và có hiệu lực từ năm 2005, quy định trách nhiệm giảm phát thải khí nhà kính của các nước công nghiệp phát triển.

Giai đoạn cam kết đầu tiên của Nghị định thư Kyoto từ năm 2007 đến năm 2012, giai đoạn 2 từ năm 2013 đến năm 2020, giai đoạn sau năm 2020 hiện chưa được thông qua.

Thoả thuận Paris về BĐKH được thông qua tại Hội nghị các Bên tham gia UNFCCC (COP) lần thứ 21 năm 2015. Đây là văn bản pháp lý toàn cầu đầu tiên quy định trách nhiệm của tất cả các bên trong ứng phó với BĐKH thông qua thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) nhằm hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp vào năm 2100 và hành động để thích ứng với những tác động hiện có của BĐKH.

COP là cơ quan ra quyết định cao nhất của UNFCCC với sự tham gia của tất cả các Bên tham gia UNFCCC. Mục đích là nhằm xem xét việc thực hiện UNFCCC và các văn bản pháp lý khác mà COP thông qua, bao gồm Thỏa thuận Paris về BĐKH (xem xét các cam kết, kiểm kê phát thải khí nhà kính của các Bên tham gia…), đánh giá tác động và kết quả đạt được của các biện pháp đã triển khai, từ đó đưa ra các quyết định, giải pháp để thúc đẩy việc thực hiện UNFCCC và giải quyết các thách thức về BĐKH một cách hiệu quả hơn.

COP được tổ chức hàng năm (trừ khi các Bên tham gia có quyết định khác) tại một Bên tham gia (thường tại Bên giữ vị trí Chủ tịch COP) theo cơ chế luân phiên giữa 5 khu vực được Liên hợp quốc công nhận (châu Phi, châu Á, châu Mỹ - La Tinh và Caribe, Trung và Đông Âu, và Tây Âu và khu vực khác). Trong trường hợp không có Bên tham gia đăng cai, Phiên họp sẽ được tổ chức tại Bonn, địa điểm của Ban Thư ký UNFCCC. Cuộc họp COP đầu tiên được tổ chức tại Berlin, Đức vào tháng 3/1995.

Hội nghị lần thứ 28 của các Bên tham gia UNFCCC (COP28), sẽ diễn ra từ ngày 30/11 - 12/12/2023 tại Expo City, Dubai của Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) với chủ đề “Gắn kết - hành động - hiệu quả”.

Đây là một trong những hội nghị quốc tế lớn nhất và quan trọng nhất trong năm 2023. Dự kiến sẽ có hơn 70.000 đại biểu, bao gồm cả Nguyên thủ quốc gia, Người đứng đầu Chính phủ và các nhà lãnh đạo thế giới, từ 197 quốc gia, EU và hàng nghìn tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp, nhóm thanh niên và các bên liên quan khác. Đặc biệt, tại COP28 năm nay, toàn thế giới sẽ cùng nhau đánh giá các thành quả đạt được dựa trên bản Đánh giá toàn cầu (Global Stocktake) lần đầu tiên được công bố tại hội nghị ở UAE. Theo nước chủ nhà UAE cho biết, COP28 năm nay sẽ bổ sung thêm chương trình đại biểu khí hậu dành cho giới trẻ lớn nhất từ trước đến nay và các gian trưng bày dành cho người bản địa, với nhiều hoạt động thực chất nhằm tìm kiếm giải pháp bảo vệ 80% đa dạng sinh học của thế giới.

Một số ưu tiên tại COP28 năm nay bao gồm:

Về giảm phát thải khí nhà kính: COP28 sẽ tiếp tục thúc đẩy các Bên giảm mạnh phát thải khí nhà kính và đưa phát thải ròng về “0” vào giữa thế kỷ thông qua xây dựng các tiêu chuẩn, biện pháp giảm phát thải và đảm bảo việc thực hiện. COP28 sẽ tiếp tục thảo luận xây dựng tuyên bố loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch, thúc đẩy chuyển đổi là biện pháp trọng tâm thực hiện giảm phát thải để đạt mục tiêu ở ngưỡng 1,5 độ C vào cuối thế kỷ.

Về thích ứng với BĐKH: COP28 sẽ tiếp tục hoàn thiện khung mục tiêu thích ứng toàn cầu; giải quyết các thiếu hụt và thách thức trong quá trình xây dựng và triển khai Kế hoạch quốc gia thích ứng với BĐKH; lồng ghép thích ứng trong các lĩnh vực ưu tiên quốc gia hướng tới cách tiếp cận mang tính chuyển đổi, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giám sát và đánh giá hoạt động thích ứng BĐKH; tăng cường thực hiện các hành động thích ứng với BĐKH ở các nước đang phát triển dễ bị tổn thương, đặc biệt chú trọng vào các giải pháp dựa vào tự nhiên (NbS), dựa vào hệ sinh thái (EbA); tiếp tục thảo luận về các giải pháp để giải quyết vấn đề tổn thất và thiệt hại, cơ chế vận hành và đóng góp nguồn lực cho Quỹ Tổn thất và thiệt hại đã được thành lập tại COP27.

Về tài chính khí hậu: COP28 sẽ tiếp tục xem xét tiến độ thực hiện mục tiêu huy động 100 tỷ đô-la mỗi năm lẽ ra phải đạt được vào năm 2020; thảo luận mục tiêu huy động nguồn lực đến năm 2025 và dài hạn; thảo luận để đưa ra định nghĩa về tài chính khí hậu; hoàn thiện quy trình nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận các nguồn tài chính khí hậu, các biện pháp đa dạng hoá các nguồn tài chính khí hậu, đặc biệt là tài chính tư nhân, đảm bảo cân bằng giữa tài chính cho thích ứng, giảm nhẹ; vai trò của các 5 ngân hàng trung ương, ngân hàng thương mại, ngân hàng phát triển, các quỹ đầu tư trong thu hút các nguồn lực đa dạng cho ứng phó BĐKH. Bên cạnh đó, các cuộc họp định kỳ của Ban thư ký Quỹ Thích ứng (AF), Quỹ Khí hậu xanh (GCF) sẽ diễn ra nhằm triển khai các kế hoạch huy động vốn hướng tới 2025 và sau 2025.

Về các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon: Các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon theo Thỏa thuận Paris, còn được biết đến là các cơ chế theo Điều 6 gồm các nội dung cơ chế thị trường trao đổi tín chỉ các-bon (Điều 6.2); cơ chế phát triển bền vững (theo Điều 6.4) và cơ chế phi thị trường (Điều 6.8). Hội nghị COP28 sẽ tiếp tục hoàn thiện các quy định và hướng dẫn chi tiết để các quốc gia thực hiện, trong đó có tiêu chuẩn và thủ tục chuyển đổi các tín chỉ các-bon hình thành theo cơ chế phát triển sạch (CDM) của Nghị định thư Kyoto, sang cơ chế phát triển bền vững theo quy định của Thỏa thuận Paris.

Về đánh giá nỗ lực toàn cầu: Hội nghị COP28 sẽ thảo luận kết quả tổng hợp nỗ lực thích ứng với BĐKH, giảm phát thải khí nhà kính, đóng góp về tài chính, công nghệ và tăng cường năng lực thực hiện ứng phó với BĐKH đã được các quốc gia đệ trình thông qua các báo cáo quốc gia, NDC để thấy được tiến triển và những khoảng trống trong thực hiện các mục tiêu toàn cầu về ứng phó với BĐKH.

Hội nghị thượng đỉnh Hành động vì khí hậu được tổ chức trong khuôn khổ COP 28 vào hai ngày 01 - 02/12/2023. Tham dự Hội nghị dự kiến sẽ có các Nguyên thủ, Người đứng đầu Chính phủ của các quốc gia tham dự. Mục đích nhằm tạo diễn đàn để các quốc gia đưa ra những cam kết, hành động mới mạnh mẽ hơn trong đóng góp về tài chính, công nghệ, giảm phát thải khí nhà kính hướng tới thực hiện mục tiêu Thỏa thuận Paris.

Với tư cách chủ nhà, UAE rất kỳ vọng COP28 thành công, không chỉ về công tác tổ chức mà đặc biệt là các kết quả, cụ thể là: đạt thống nhất về “Đánh giá toàn cầu” lần đầu tiên được công bố tại COP28; Tìm kiếm một thỏa thuận cho Quỹ tổn thất và thiệt hại (Loss and Damage); Đạt thỏa thuận tích cực về lộ trình cắt giảm nhiên liệu hoá thạch để đảm bảo mục tiêu Net Zero; Đạt thoả thuận về biện pháp tài chính giúp các nước Nam bán cầu ứng phó với biến đổi khí hậu và đảm bảo mục tiêu giữ nhiệt độ toàn cầu ko vượt quá 1,5 độ C; Cuối cùng, chứng minh xung đột Hamas - Israel không ảnh hưởng đến việc tổ chức và kết quả của COP28, từ đó khẳng định năng lực, vị thế và vai trò của UAE. Mới đây, UAE công bố đã hoàn thành việc vận động để các nước phát triển ủng hộ đủ 100 tỷ USD cho mục tiêu tài chính khí hậu.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị COP 26 tại Glasgow, Scotland, Vương quốc Anh

Nhận lời mời của Chính phủ Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE) Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Phạm Minh Chính và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Hành động khí hậu thế giới trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 28 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP28) và tiến hành một số hoạt động song phương tại UAE.

Trong những năm qua, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước rất quan tâm đến chống biến đổi khí hậu, phát triển xanh, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam là một trong năm nước chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu.

Theo Đại sứ Việt Nam tại UAE Nguyễn Mạnh Tuấn, ngay sau Hội nghị COP26, COP27, Việt Nam đã triển khai các công việc liên quan để thực hiện các cam kết, trong đó Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26, ban hành Quyết định số 888/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050, Đóng góp do quốc gia tự quyết định cập nhật năm 2022 và các cam kết tại COP26, Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2030; thực hiện Quy hoạch điện VIII…

Việt Nam đã tham gia Sáng kiến Cộng đồng châu Á phát thải ròng bằng “0” do Nhật Bản khởi xướng và hợp tác với nhiều đối tác quốc tế để triển khai các cam kết của Việt Nam như Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA), Bộ Môi trường Hàn Quốc, Bộ Môi trường Nhật Bản, Bộ Khoa học Trái đất Ấn Độ, Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), Liên minh Năng lượng vì hành tinh và con người (GEAPP), Cơ quan dịch vụ dự án Liên hợp quốc (UNOPS) cùng Quỹ Đối tác chuyển đổi năng lượng Đông Nam Á (ETP), các ngân hàng: Citi Bank, HSBC, Standard Chartered…

Việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Hành động khí hậu thế giới trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 28 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu có ý nghĩa lớn, chuyển tải nhiều thông điệp quan trọng của Đảng và Nhà nước ta đến bạn bè quốc tế. Tái khẳng định chủ trương của Đảng, Nhà nước ta về đối ngoại, đặc biệt là về biến đổi khí hậu. Việt Nam là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Việt Nam sẵn sàng tham gia hợp tác cùng các thành viên LHQ trong ứng phó với các thách thức toàn cầu, trong đó có chống biến đổi khí hậu; Khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của Việt Nam với UAE, nước chủ nhà của COP28, một đối tác mới đầy tiềm năng trong lĩnh vực này.

Tại COP28 năm nay, Việt Nam sẽ có gian triển lãm để giới thiệu về công cuộc ứng phó biến đổi khí hậu tại Việt Nam. Trong khuôn khổ Hội nghị cũng sẽ diễn ra: Lễ ra mắt Kế hoạch huy động nguồn lực chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) của Việt Nam, các hoạt động giới thiệu về nỗ lực giảm nhẹ, thích ứng, tăng trưởng xanh của Việt Nam trong thời gian qua.

Việt Nam mong muốn tại COP28, các quốc gia sẽ công bố kế hoạch thực hiện NDC ở mức cao hơn, qua đó đóng góp vào nỗ lực chung toàn cầu về giảm phát thải khí nhà kính, tăng cường khả năng thích ứng, sức chống chịu với biến đổi khí hậu.

UAE là một trong những đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam tại khu vực Trung Đông. Quan hệ Việt Nam - UAE đã được vun đắp trong 30 năm qua cả về lượng lẫn về chất. Lãnh đạo hai nước đồng quan điểm hợp tác, phát triển quan hệ toàn diện, nhất là về kinh tế. Trong thời gian qua, quan hệ hợp tác hữu nghị đã có bước phát triển nhanh hướng tới thực chất, hiệu quả. Triển vọng hợp tác hai nước là rất lớn.

Hợp tác kinh tế luôn là trụ cột quan trọng và là điểm sáng trong bức tranh tổng thể quan hệ hợp tác song phương. Hai nước đang đẩy nhanh đàm phán, hoàn tất Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (CEPA). Việc ký hiệp định CEPA có ý nghĩa to lớn, là cột mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam - UAE nói chung và hợp tác kinh tế thương mại đầu tư nói riêng.

UAE là trung tâm thương mại, đầu tư, tài chính, năng lượng quốc tế. Việt Nam là nước sản xuất hàng hóa lớn, nông hải sản phong phú, đáp ứng yêu cầu của bạn. Hai nền kinh tế có tiềm năng, năng lực bổ sung và hỗ trợ cho nhau, vì lợi ích chung của hai nước. Trong đó, chống biến đổi khí hậu là lĩnh vực hợp tác mới đầy triển vọng./.

Minh Anh

Nguồn: Báo Đảng Cộng sản - dangcongsan.vn - Đăng ngày 27/11/2023