Thấu hiểu, bảo tồn, phát triển, quảng bá di sản

Cập nhật: 27/12/2023
Việc bảo tồn và phát triển các di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh hay Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận ở cấp độ quốc gia, tùy từng di sản, có cái đang thuận lợi nhưng về cơ bản là đang gặp nhiều khó khăn.

Việc sưu tầm và bảo tồn đã giúp nghệ thuật xẩm trở lại trong đời sống đương đại. Ảnh: Quang Hưng

Theo tinh thần UNESCO về trách nhiệm đối với di sản đã được ghi danh thì có bốn điểm cần được lưu ý. Đó là cần: Thấu hiểu - Bảo tồn - Phát triển - Quảng bá, bốn công việc cần tiến hành đồng bộ đối với một di sản dù là đại diện hay cần bảo vệ khẩn cấp.

Công việc thứ nhất: Thấu hiểu

Để thấu hiểu một di sản văn hóa là cả một quá trình lâu dài của cả cộng đồng. Sự thấu hiểu này diễn ra mãi mãi cùng sự tồn tại của cộng đồng đó. Không bao giờ là xong việc cả. Trong một thiết chế văn hóa ở cấp độ quốc gia, có các cơ quan nghiên cứu, có các chuyên gia được đào tạo và có cả những người đam mê tìm hiểu tự nguyện. Trên thế giới, các lý thuyết, các trường phái nghiên cứu văn hóa hình thành và mãi mãi đi tìm con đường để thấu hiểu, tiệm cận đến thực tiễn.

Không thể nói là đã thấu hiểu xong một di sản. Và cũng như, không ai được phép nói, tôi đã thấu hiểu hết di sản đó. Chúng tôi đã chứng kiến có nhiều di sản mà về nguồn gốc, quá trình phát triển, giá trị văn hóa… chưa được hiểu sâu sắc, cặn kẽ. Thậm chí, để “vinh danh”, có khi người ta có thể đưa ra những thông tin không đúng với sử thực và hiện trạng… Có cái sai vì khó khăn về tư liệu, có cái sai về tư tưởng và mục đích của sự thấu hiểu, có cái sai về cực đoan hóa một phương pháp tiếp cận, có cái sai vì quá trình tổ chức nghiên cứu, có cái sai vì trình độ người nghiên cứu…

Vậy con đường là chung lưng đấu cật lại, luôn luôn phản biện và cộng tác để ta tiếp cận di sản tốt hơn. Vì điều này quan hệ vô cùng mật thiết với cả ba công việc sau.

Công việc thứ hai: Bảo tồn

Bảo tồn cái gì và bảo tồn như thế nào?

Khi tiếp cận văn hóa, đặc biệt là văn hóa tinh thần, chúng tôi rất e ngại dùng khái niệm “gốc” hoặc “nguyên”. Ngay cả với văn hóa vật chất, khái niệm “mẫu vật gốc” cũng được dùng trong tính tương đối khi so với các thác bản trưng bày.

Một kỷ niệm khi cùng NSƯT Vũ Tự Lẫm thăm hỏi nhạc sĩ Hồng Thao tại Suối Hoa, Bắc Ninh vào năm 1991. Ông là một người ghi quan họ đáng tin cậy nhất mà tôi biết. Khi tôi muốn xin ý kiến của nhạc sĩ về “mươi bài quan họ gốc”. Ông cười mà rằng: “Bạn hỏi đùa thử tôi đấy à? Làm gì có khái niệm “quan họ gốc”. Chỉ có khái niệm “quan họ cổ” chúng ta đặt ra để chỉ những bài hát đã lưu hành từ 1945 trở về trước và một số bài gần đây do nghệ nhân lão luyện đặt lời hoàn toàn theo truyền thống cổ xưa, được nhân dân lưu truyền rộng rãi”.

Không có khái niệm “bảo tồn nguyên trạng” hoặc “bảo tồn bản gốc”. Tính quá trình của văn hóa khiến chúng ta không thể ngược nguồn về thời gian, không thể tái hiện y xì không gian và điều kiện cho di sản. Vậy, trong chọn lọc đời thường, những gì mang giá trị thường được nhiều nơi thừa nhận và sót lại qua thời gian. Và chính những giá trị đó mới là điều cốt lõi làm nên bản sắc của di sản.

Có nhiều phương pháp để bảo tồn ứng với nhiều mục đích. Ghi chép, mô tả, chụp ảnh, quay phim, đào tạo, phục dựng, tái trình diễn… Tất cả đều trải qua quá trình thấu hiểu chín chắn, quá trình thẩm định giá trị và khẳng định bản sắc. Và một điều không thể thiếu là tinh thần thượng tôn pháp luật.

Đi điền dã bất cứ nơi đâu, gặp các câu lạc bộ hoặc các nghệ nhân, câu chuyện đầu tiên là “tiền đâu”. Thật buồn. Chúng tôi thấy, các nghiên cứu xưa nay của ta, rất giỏi về ngữ văn, âm nhạc, trình diễn… nhưng ít đề cập đến nguồn lực kinh tế nào để một di sản vượt qua thử thách mà tồn tại lâu dài tạo nên truyền thống.

Tùy từng di sản, nhưng một kinh nghiệm Bắc Bộ là ruộng đất. Đó là một ứng xử phù hợp với điều kiện ngày xưa và không phải là không trao truyền kinh nghiệm đến hôm nay với phương thức khác đi. Mỗi giáo phường được sở hữu một số ruộng đất nào đó (từ nhiều nguồn khác nhau), họ canh tác, thu hoa lợi và có nghĩa vụ tập luyện, duy trì, trình diễn theo thỏa thuận. Khi không duy trì được, họ bán quyền hát, cũng có nghĩa bán quyền sở hữu phần ruộng đất đó cho nhóm khác.

Chúng ta bây giờ có kinh phí rót từ công quỹ cho các di sản. Nhưng thường là qua rất nhiều cấp. Tại sao lại không là một gói tín dụng ứng với giá vài mẫu đất hiện nay? Họ sẽ duy trì được nhờ tiền lãi trên đó gửi ở ngân hàng. Tiền ở ngân hàng vẫn là tài sản quốc gia. Đây chỉ là một thí dụ nhỏ.

Công việc thứ ba là phát triển

Sự bảo tồn gắn chặt với sự phát triển. Không thể tách rời. Sự phát triển vừa tự phát vừa có sự điều khiển của thiết chế văn hóa quốc gia. Sự phát triển là hết sức đa dạng, đặc biệt trong thời kỳ hiện đại. Mọi loại hình nghệ thuật đều tham gia vào sự phát triển trên cốt lõi bài bản cổ, giá trị và bản sắc. Ngữ văn, âm nhạc, vũ đạo, hội họa, kiến trúc, điêu khắc, sân khấu, điện ảnh, truyền thông mạng…đều tham gia vào sự phát triển này.

Có mấy động thái phát triển qua sự quan sát thực tế: 1- Phát triển về môi trường diễn xướng: từ đồng ruộng vào ngõ làng, sân đình, gia đình, hội trường, sân khấu, trận địa, đài phát thanh, truyền hình… 2- Phát triển công năng: từ lao động sang nghi lễ, từ nghi lễ sang trò chơi, từ trò chơi sang vũ đạo, từ vũ đạo sang sân khấu, từ sân khấu sang truyền hình... - Cái này là quy luật. 3- Phát triển phương thức trình diễn: từ hát đơn sang hát tốp, từ hát chay sang hát có trang âm, từ không nhạc đến có nhạc. 4- Phát triển từ tiếp biến văn hóa: chuyển làn, chuyển điệu, bổ sung làn điệu, lời ca vào hệ thống của di sản. 5- Phát triển sáng tác: đặt lời cổ, đặt lời mới, sáng tác ca khúc mang phong cách truyền thống, sáng tác sân khấu mới trên tích cổ, vận dụng mọi yếu tố di sản vào các loại hình nghệ thuật khác…

Quá trình này là bất tận, đặc biệt trong sự phát triển tự phát của nhân dân. Với thiết chế văn hóa, họ có trách nhiệm hướng đạo về chuyên môn để sớm đi đến những thành quả có giá trị và mang bản sắc. Trong quá trình phát triển đó, những gì tốt đẹp sẽ tồn tại lâu dài và lại trở thành truyền thống cho mai sau.

Với một di sản, không e ngại sự phát triển vì đã là di sản thì nó vốn đã có “cơ địa” vững bền trải qua thử thách thời gian rồi. Tính bao dung của một di sản là rất mạnh mẽ, nó có thể “tiêu hóa” nhiều tài nguyên tinh thần khác nhau để làm phong phú cho mình.

Công việc thứ tư là quảng bá

Quảng bá là để mọi người trên thế giới được hưởng thụ những giá trị văn hóa, đặc sắc văn hóa của nhau. Số người hưởng thụ văn hóa nghệ thuật từ các di sản lớn gấp nhiều lần số người hưởng thụ qua nhà hát chuyên nghiệp.

Nhưng với tư cách một cộng đồng chủ thể di sản, sự quảng bá nhằm tôn vinh nhân phẩm, tài năng, giá trị liên quan đến di sản đó, nhằm đạt đến những biểu tượng cho văn hóa một quốc gia, một địa phương. Trong việc này, nên chọn phương án “tốt đẹp khoe ra, xấu xa đậy lại”. Trình diễn mà.

Di sản phải được trình diễn, quảng bá trong xã hội. Trong các di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO ghi danh, hiện nay, chúng tôi thấy quan họ đang là di sản tồn tại một cách thuyết phục nhất. Về sự thấu hiểu, đó là hệ thống dân ca được nghiên cứu lâu dài và có kế hoạch nhất. Về sự bảo tồn, với việc thành lập sớm Đoàn Quan họ (cuối năm 1968 đầu năm 1969, trước đây gọi là Tổ Quan họ) với cách học truyền miệng trực tiếp từ các nghệ nhân đầu thế kỷ XX ở tất cả các làng trong vùng nên bài bản được lưu giữ phong phú. Về sự phát triển, quan họ được trải qua nhiều thể nghiệm các loại hình khác nhau nhất. Về quảng bá, từ sớm đã tham gia vào tiến trình văn hóa kháng chiến chống Pháp đến ngày nay trên mọi phương tiện truyền thông và vươn ra nhiều nước trên thế giới.

Từ tương truyền 49 làng Quan họ cổ xưa, hiện nay, trên đất Bắc Ninh có đến hơn 300 nhóm, câu lạc bộ đang hoạt động (chưa kể các câu lạc bộ trên cả nước và nước ngoài). UBND tỉnh đầu tư trên mọi mặt, mỗi làng hát quan họ loại 1 có thể được số kinh phí hơn 6 tỷ đồng để xây nhà tập hát quan họ (ngày xưa gọi là “nhà chứa”, chúng tôi đề xuất tên gọi là “ca đình”). Hiện nay, 15 làng đã xây xong ca đình của mình.

Từ một miền quê mà những năm 1960 đến 1970, hầu như sinh hoạt hát quan họ dân gian chỉ còn âm ỉ thì nay đã bùng phát mạnh mẽ.

Đây là một hiện tượng cần chúng ta thấu hiểu hơn nữa. Mỗi thời, di sản có tiếng nói riêng của mình.

Nguyễn Hùng Vĩ

Nguồn: Báo Nhân dân - nhandan.vn - Đăng ngày 26/12/2023