Những tình yêu lặng thầm với di sản văn hóa quê hương Bình Định

Cập nhật: 09/01/2024
Với niềm tự hào về truyền thống lịch sử, văn hóa quê hương, nhiều nhà nghiên cứu trong tỉnh Bình Định đã miệt mài tìm hiểu để có những công trình nghiên cứu đóng góp vào sự nghiệp sáng tạo văn học, nghệ thuật của tỉnh, nhất là lĩnh vực bảo tồn và phát huy di sản văn hóa.

1. Từ lâu, nhà nghiên cứu, Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Yang Danh (77 tuổi, dân tộc Bana, ở thị trấn Vĩnh Thạnh, huyện Vĩnh Thạnh) đã trở nên quen thuộc trong giới nghiên cứu văn hóa dân gian ở tỉnh. Ông dường như dành trọn quỹ thời gian hiện có của mình để nghiên cứu, sưu tầm văn hóa dân gian dân tộc thiểu số. Ông biết mình không còn nhiều thời gian, trong khi những tác động mạnh mẽ của cuộc sống hiện đại vào văn hóa dân gian có thể khiến nhiều thứ đứng trước nguy cơ biến mất.

Nghệ nhân ưu tú Yang Danh (bìa phải) giới thiệu văn hóa cồng chiêng tại một buổi tập huấn trình diễn cồng chiêng, trống kơ toang ở huyện Vân Canh. Ảnh: N.Nhuận

Nhiều năm qua, NNƯT Yang Danh đã có nhiều tác phẩm sưu tầm, biên dịch, nghiên cứu chuyên sâu về văn hóa dân tộc mình đạt nhiều giải thưởng do Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam trao tặng, Giải thưởng Đào Tấn - Xuân Diệu tỉnh Bình Định và đã được xuất bản, như: Văn hóa rượu cần của người Bana K’riêm, Sử thi Dăm Joong của người Bana K’riêm, Cồng chiêng gắn với văn hóa và đời sống của người Bana K’riêm, Lễ hội xa mok của người Bana K’riêm, Nhà rông của người Bana K’riêm, Đám cưới người Bana K’riêm… Mỗi tập sách của ông là tâm huyết về vấn đề bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

NNƯT Yang Danh tâm tình: “Được sự giúp đỡ của Hội VHNT tỉnh, tới đây tác phẩm Văn hóa dân gian người Bana K’riêm của tôi sẽ được xuất bản. Văn hóa dân gian người Bana Kriêm rất phong phú, tôi vẫn đang tiếp tục nghiên cứu viết về đồng bào mình, về con người, văn hóa dân gian, truyện cổ người Bana K’riêm Bình Định…”.

2. Công tác trong ngành văn hóa gần 40 năm, nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Quang (64 tuổi, quê Phù Cát, hiện ở TP Quy Nhơn) đã nghiên cứu, ra mắt bạn đọc nhiều tập sách viết về đất và người Bình Định, như: Hoài Nhơn, Qui Nhơn, Qui Ninh, Bình Định - Đất và Người; Chữ Quốc ngữ, từ Nước Mặn đến Làng Sông; Một số vấn đề chữ Quốc ngữ; Bà đỡ khai sinh chữ Quốc ngữ…

Nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Quang (bìa trái) trò chuyện với các chuyên gia đầu ngành tại một hội thảo về di sản văn hóa tổ chức ở Bình Định. Ảnh: N.Nhuận

Nghỉ hưu gần 5 năm nay, nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Quang vẫn miệt mài viết tiếp những công trình mà ông đã “thai nghén” nhiều năm; trong đó, có cuốn sách về nhà lá mái Bình Định sẽ xuất bản trong năm 2024.

Theo ông, nhà lá mái Bình Định có mẫu số chung là kiến trúc truyền thống cổ truyền Việt Nam, nhưng khi đến với vùng đất và người Bình Định có thể đã giao thoa với văn hóa Champa và tạo ra một kiểu nhà có kiến trúc độc đáo riêng, khác với kiểu nhà rường của Huế hay nhà truyền thống ở Bắc bộ. Động lực để ông đẩy nhanh thực hiện tập sách là bởi, các kiểu nhà cổ ở nhiều địa phương trong nước đã được nghiên cứu viết sách rất nhiều, riêng nhà lá mái Bình Định vẫn chưa có sách.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Quang chia sẻ: “Năm 2004, khi còn công tác ở ngành văn hóa, tôi có điều kiện đi với đoàn nghiên cứu của Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) và Đại học Nữ Chiêu Hòa (Nhật Bản) khảo sát, nghiên cứu thống kê, lập biểu mẫu được 350 căn nhà cổ ở Bình Đình; trong đó, có 35 nhà lá mái. Từ đó, tôi đã say mê nghiên cứu về nhà lá mái Bình Định, nhưng do bận bịu công việc, đến bây giờ tôi mới có điều kiện hoàn thành cuốn sách về nhà lá mái Bình Định của mình ấp ủ sau 20 năm”.

3. Tâm huyết với di sản Hán- Nôm, TS Võ Minh Hải (42 tuổi, quê ở Phù Mỹ, hiện ở TP Quy Nhơn) hiện là Phó Trưởng khoa Khoa học - Xã hội và Nhân văn, kiêm Giám đốc Trung tâm ngôn ngữ và văn hóa Nhật Bản (Trường ĐH Quy Nhơn) thầm lặng điền dã, sưu tầm, khảo cứu, biên dịch, nghiên cứu về văn hóa, văn học Hán - Nôm có giá trị, đóng góp vào công tác bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa. Gần 25 năm nghiên cứu, anh đã xuất bản nhiều đầu sách, như: Văn tế Hán - Nôm Bình Định, Ngôn ngữ Truyện Kiều từ góc nhìn văn hóa, Văn học Hán - Nôm Nam Trung bộ: Đặc điểm và diện mạo (chủ biên)…

TS Võ Minh Hải (bìa phải) dịch sắc phong trong chuyến điền dã tại An Nhơn. Ảnh: N.Nhuận

TS Võ Minh Hải bộc bạch: “Di sản Hán - Nôm Bình Định rất phong phú, cần nghiên cứu, chỉnh lý. Công việc mà tôi đang làm với mong muốn phần nào đó giúp mọi người nhìn nhận lại tầm quan trọng của việc nghiên cứu văn hóa, văn học Hán - Nôm để làm rõ hơn địa văn hóa quê hương mình. Tuy vậy, đội ngũ nghiên cứu Hán - Nôm ở Bình Định hiện nay thiếu hụt, nhất là lực lượng trẻ nên việc sưu tầm, biên khảo, phiên dịch nội dung phục vụ cho quá trình nghiên cứu lịch sử, văn hóa, văn học Bình Định gặp khó khăn”.

Với mong muốn lan tỏa những giá trị di sản Hán - Nôm trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Bình Định, TS Võ Minh Hải đang tiếp tục khảo cứu viết các đề tài: Hồ sơ tác gia Hán Nôm Bình Định (những nghiên cứu mới về Đào Duy Từ, Trần Đức Hòa, Đặng Đức Siêu, Đặng Đức Tuấn, Nguyễn Diêu, Đào Tấn, Đào Phan Duân, Trần Đình Tân…), Nghệ thuật hát bội, Luận ngữ tinh hoa…

Đoàn Ngọc Nhuận

Nguồn: Báo Bình Định - baobinhdinh.vn - Đăng ngày 05/01/2024