Trước sự giao thoa của các nền văn hóa khác nhau, đồng bào dân tộc Thái xã Chiềng Châu (Mai Châu, Hòa Bình) đang bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc thông qua giữ gìn những nét văn hóa truyền thống.
Du khách khám phá nét văn hóa truyền thống trong các gia đình ở bản Lác, xã Chiềng Châu (Mai Châu).
Nơi đây lưu giữ những nếp nhà sàn với kiến trúc bốn mái, hai mái chính và mái đầu hồi vuông góc. Mái nhà được cải tiến nâng cao lên, nền nhà cao ráo, cột kê, gầm sàn cao, vách tường và sàn làm bằng gỗ ván, cầu thang gỗ. Nhà sàn hiện còn được thay đổi về kết cấu phù hợp, đẹp hơn về kiến trúc mà vẫn thể hiện tư duy của người xưa cũng như sự tiếp nối của các thế hệ.
Bên cạnh đó, trang phục với những bộ váy áo của phụ nữ, đặc biệt là chiếc khăn trắng, khăn đen là nét văn hóa đặc sắc. Ngoài những trang phục thường ngày, bà con thường dành 2 bộ đẹp nhất để mặc trong những ngày hội hè, lễ, tết, những buổi biểu diễn văn nghệ đón khách du lịch. Tại xã có hơn 10 đội văn nghệ chuyên phục vụ, biểu diễn. Sự khéo léo của các cô gái Thái không chỉ thể hiện trong trang phục mà còn thể hiện trong hình ảnh miệt mài bên khung cửi dệt nên những tấm thổ cẩm đẹp. Trên địa bàn có 1 hợp tác xã dệt thổ cẩm thu hút trên 30 thành viên lao động.
Việc bảo tồn văn hóa được gắn với phát triển du lịch qua các hoạt động sinh hoạt văn hóa cộng đồng, lễ hội "Cầu mưa”, "Xên bản, xên Mường”, "Chá chiêng”. Một trong những lễ hội còn phổ biến là lễ "Mừng cơm mới”. Đồng chí Hà Văn Hợi, Phó Chủ tịch HĐND xã Chiềng Châu cho biết: Lễ cơm mới tuy có tính chất gia đình nhưng lại mang tính lễ hội. Theo quan niệm từ xa xưa, người Thái tin rằng có được vụ mùa bội thu một phần là nhờ vào sự phù hộ của đất trời, tổ tiên. Sau mỗi vụ thu hoạch, các gia đình thường làm lễ cúng cơm để thể hiện lòng biết ơn sâu sắc.
Hàng năm, để bảo tồn chữ viết Thái cũng như bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng (DLCĐ), Trung tâm học tập cộng đồng xã mở các lớp học chữ Thái và lớp bồi dưỡng về DLCĐ. Từ đây, nhận thức của các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch, dịch vụ du lịch và cộng đồng dân cư về vai trò, vị trí của ngành du lịch được nâng lên, công tác bảo vệ môi trường tốt hơn. Các tổ chức, cá nhân mạnh dạn đầu tư xây dựng khách sạn, nhà nghỉ cộng đồng đáp ứng nhu cầu khách đến tham quan du lịch.
Chia sẻ về cách làm du lịch của dân tộc Thái, chị Hà Thị Tim, hộ làm DLCĐ bản Lác cho biết: Bản có 125 hộ với trên 500 nhân khẩu, dân tộc Thái chiếm 98%. Trước đây, người dân chỉ sống dựa vào trồng lúa, làm nương và dệt thổ cẩm. Sau này, với nét đẹp thiên nhiên cùng không gian văn hóa của người Thái đã thu hút nhiều khách du lịch trong nước, quốc tế đến khám phá, trải nghiệm. Hiện nay, bản có 74 hộ tham gia hoạt động du lịch, người dân đã chủ động phát triển, tự tìm kiếm thị trường và liên kết với các hãng lữ hành.
Theo đồng chí Hà Văn Hợi, Phó Chủ tịch HĐND xã, trong chiến lược phát triển DLCĐ bản Lác, các cấp chính quyền quan tâm đến công tác bảo tồn văn hóa truyền thống, như khôi phục các lễ hội, làng nghề truyền thống... Trong sinh hoạt văn hóa như ăn, ở, mặc, các nét văn hóa truyền thống cũng được chú trọng. Hoạt động canh tác nông nghiệp, làng nghề truyền thống được duy trì. Du khách đến với bản có thể tham gia vào các hoạt động thường nhật cùng gia chủ như một cách trải nghiệm cuộc sống địa phương, qua chế biến món ăn, dệt vải hay thuê xe đạp, xe điện đi tham quan các bản, dạo chơi ngoài đồng. Thuê trang phục chụp ảnh cũng là hoạt động được nhiều bạn trẻ yêu thích khi đến thăm bản Lác. Cùng với đó là các dịch vụ du lịch mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc như biểu diễn văn nghệ, các điệu xòe Thái. Bản còn có khu đất rộng để có thể tổ chức các hoạt động cắm trại, giao lưu văn hóa, văn nghệ.
Bên cạnh đẩy mạnh công tác thông tin thị trường, hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu du lịch địa phương, xã Chiềng Châu tiếp tục nâng cao nhận thức của cộng đồng trong bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; sưu tầm, biên soạn các tài liệu giới thiệu về phong tục tập quán, danh lam thắng cảnh, duy trì và phát triển các lễ hội của dân tộc Thái, các loại hình nghệ thuật như sáo, khèn, múa xòe, múa sạp..., phát triển du lịch văn hóa nhà sàn, du lịch văn hóa - sinh thái, du lịch văn hóa ẩm thực, các ngành nghề truyền thống, văn hóa dân gian nhằm quảng bá hình ảnh văn hóa, du lịch địa phương đến du khách trong nước, quốc tế.
Bùi Minh