Bắc Kạn đầu tư phát triển du lịch ở Khu bảo tồn Nam Xuân Lạc

Cập nhật: 01/02/2024
Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn vừa phê duyệt Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc. Đây là khu bảo tồn đầu tiên của Bắc Kạn được kêu gọi đầu tư phát triển du lịch, tiến tới thực hiện ở toàn bộ các khu còn lại.

Lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn khảo sát tiềm năng du lịch tại hệ thống cáp tời quặng có từ thời Pháp thuộc trong Khu bảo tồn. Ảnh: Đăng Bách

Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc nằm trên địa bàn các xã Xuân Lạc, Đồng Lạc, Bản Thi thuộc huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn. Khu có diện tích rừng hơn 3.954ha với rừng tự nhiên chiếm hơn 99%.

Hệ thực vật rừng phong phú với tổng 670 loài, 440 chi, 145 họ trong 5 ngành, trong đó có tới 63 loài có giá trị bảo tồn.

Hệ động vật rừng đa dạng với tổng 192 loài động vật và 76 họ, trong đó có mặt của 46 loài thú thuộc 7 bộ, 21 họ; 108 loài chim thuộc 14 bộ, 41 họ và 18 loài bò sát thuộc 8 họ, trong đó có tới 59 loài có giá trị bảo tồn.

Khu vực này còn có mỏ chì kẽm lớn nhất Việt Nam ở xã Bản Thi, được khai thác từ thời Pháp thuộc. Nhiều di tích từ thời Pháp thuộc hiện vẫn còn, như: hệ thống đường lò, cáp tời quặng, đường xếp đá xuyên rừng…

Hệ sinh thái rừng tự nhiên với nhiều loại thực vật quý trong khu bảo tồn. Ảnh: Đăng Bách

Mặc dù giá trị rừng và du lịch rất lớn nhưng đời sống của người dân tham gia giữ rừng tại đây thì rất khó khăn. Nguyên nhân do mức khoán bảo vệ rừng thấp trong khi tiềm năng về du lịch thì chưa được khai thác.

Theo đề án được phê duyệt, tại Khu bảo tồn sẽ phát triển 5 điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí, gồm: Cầu Mục-Lũng Trang, Lũng Lỳ, Bản Thi 1, Bản Thi 2.

Đồng thời, dự án sẽ tập trung phát triển 9 tuyến du lịch, gồm: Ngã 3 Cầu Mục-Đầu Cáp Bình Trai-Phja Khao; Ngã 3 Cầu Mục-Lũng Trang-Lũng Lỳ-Lũng Nặm Thúm -thôn Nà Dạ; Ngã 3 Cầu Mục-Lũng Cháy; Ngã 3 Cầu Mục-Cốc Tộc; Bản Thi-Đồng Lạc-Cốc Tộc; Ngã 3 Cầu Mục-Cao Bình; Lòng Bốc-Suối Nậm Phiêng-Khuổi Lịa; Phja Khao-Bản Thi; Ngã 3 Cầu Mục-Lũng Trang-Núi Tam Sao.

Tổng mức đầu tư khái toán của đề án hơn 330 tỷ đồng, bao gồm nguồn vốn kêu gọi đầu tư xã hội hóa và nguồn hợp pháp khác trong giai đoạn từ 2024-2030.

Bắc Kạn đặt mục tiêu đến năm 2025, khu bảo tồn đón được ít nhất 30% lượng khách du lịch đến huyện Chợ Đồn; thu hút được ít nhất một nhà đầu tư thuê môi trường rừng có trách nhiệm tham gia đầu tư phát triển các mô hình du lịch sinh thái; tạo việc làm tăng thu nhập bình quân đầu người của các xã vùng lõi và vùng đệm; xây dựng được 10-20% các tuyến và công trình trên tuyến để phục vụ du lịch sinh thái…

Một thung lũng nằm giữa rừng già trong khu bảo tồn rất phù hợp cho phát triển du lịch cắm trại. Ảnh: Đăng Bách.

Từ năm 2025 đến năm 2030, tăng trưởng 10%, mỗi năm đón được 50-75% lượng khách du lịch đến Chợ Đồn; 100% các tuyến, điểm phục vụ du lịch sinh thái trên tuyến được hoàn thành vận hành; 30%-50% các công trình phục vụ đón tiếp, điều hành, nhà hàng dịch vụ, trò chơi…, và 20% các công trình lưu trú nghỉ dưỡng tại các điểm du lịch nghỉ dưỡng được hoàn thiện, đưa vào sử dụng; du lịch dần trở thành một trong các nguồn thu cho Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Nam Xuân Lạc và là nguồn tái đầu tư quan trọng cho quản lý, bảo tồn thiên nhiên và phục hồi các loài, hệ sinh thái bị suy thoái…

Bắc Kạn là tỉnh có độ che phủ rừng cao nhất nước, có Vườn quốc gia Ba Bể, Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc, Khu dự trữ thiên nhiên Kim Hỷ.

Tuy nhiên, nhiều năm qua, hầu hết các khu vực này chưa khai thác, phát huy được tiềm năng về du lịch. Tỉnh ủy Bắc Kạn đã đưa nhiệm vụ khai thác tiềm năng du lịch tại các khu vực này vào Nghị quyết chuyên đề.

Sau khi Vườn quốc gia Ba Bể đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch du lịch và tỉnh phê duyệt đề án du lịch tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Nam Xuân Lạc, tỉnh sẽ tiếp tục phê duyệt đề án du lịch tại Khu dự trữ thiên nhiên Kim Hỷ.

Với việc hạ tầng giao thông đến Vườn quốc gia và các khu bảo tồn này đang tập trung thi công và cơ bản hoàn thiện trong hai năm tới thì nhiệm kỳ tới du lịch sinh thái được dự báo sẽ tạo đột phá cho địa phương nhiều rừng nhưng còn khó khăn này.

Tuấn Sơn

Nguồn: Báo Nhân dân - nhandan.vn - Đăng ngày 01/02/2024