Khu dự trữ sinh quyển thế giới quần đảo Cát Bà (thành phố Hải Phòng) được đánh giá là khu vực có đa dạng sinh học phong phú bậc nhất Việt Nam. Ngoài vai trò bảo tồn đa dạng tài nguyên thiên nhiên, khu dự trữ sinh quyển này còn có ý nghĩa lớn với an ninh quốc phòng và phát triển du lịch sinh thái...
Khu dự trữ sinh quyền quần đảo Cát Bà được phân định có tổng diện tích 26.418,9 ha nằm trên địa bàn thị trấn Cát Bà và 6 xã Gia Luận, Hiền Hào, Phù Long, Việt Hải, Trân Châu, Xuân Đám (thuộc quần đảo Cát Bà, huyện Cát Hải) và vùng biển giáp ranh. Khu dự trữ sinh quyển được phân chia làm 3 vùng chính gồm vùng lõi, vùng đệm và vùng chuyển tiếp.
Cụ thể, vùng lõi có tổng diện tích 6.278,8 ha, gồm 3 khu vực là vùng lõi Tây Bắc (trên địa bàn xã Phù Long) rộng 488,5 ha, vùng lõi Đông Nam thuộc địa bàn 3 xã Gia Luận, Trân Châu và Việt Hải rộng 5.629,7 ha, vùng lõi Đông Nam thuộc thị trấn Cát Bà rộng 160,4 ha.
Vùng đệm được quy hoạch rộng 8.797,1 ha gồm 3 khu vực là vùng đệm bao quanh trên địa bàn 2 xã Phù Long, Gia Luận rộng 1.902,4 ha, vùng đệm bao quanh trên địa bàn thị trấn Cát Bà và 4 xã Phù Long, Gia Luận, Trân Châu, Hiền Hào rộng 6.656,4 ha và vùng đệm trung tâm trên địa bàn xã Việt Hải rộng 238,3 ha. Vùng chuyển tiếp có tổng diện tích 11.343,2 ha được quy hoạch tại 2 khu vực. Khu vực chuyển tiếp trên địa bàn 2 xã Phù Long, Gia Luận rộng 2.249 ha. Khu vực chuyển tiếp trên địa bàn các xã Phù Long, Gia Luận, Trân Châu, Hiền Hào, Xuân Đám, Việt Hải và thị trấn Cát Bà rộng 9.094,2 ha.
Khu dự trữ sinh quyền quần đảo Cát Bà được đánh giá là khu vực có đa dạng sinh học phong phú bậc nhất Việt Nam.
Thành phố Hải Phòng đưa ra 7 nội dung quản lý đối với Khu dự trữ sinh quyển (KDTSQ) Cát Bà. Trong đó, trọng tâm là các nội dung như: sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, thúc đẩy nghiên cứu khoa học. Thành phố Hải Phòng yêu cầu việc quản lý tuân theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Áp dụng cách tiếp cận quản lý tổng hợp các hệ thống sinh thái xã hội, cảnh quan văn hóa với đa dạng các biện pháp can thiệp.
Theo đó, khu vực vũng lõi là khu vực dành riêng cho bảo tồn, đa dạng sinh học, bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên còn tương đối nguyên vẹn, bảo tồn nguồn gen động thực vật quý hiếm, các loài đặc hữu của khu dự trữ sinh quyển. Tại đây, chỉ cho phép các hoạt động nghiên cứu khoa học, giáo dục không ảnh hướng tới đa dạng sinh học của khu vực. Trong vùng lõi không cho phép xây dựng các công trình xây dựng, ngoại trừ những công trình phục vụ mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học.
Vùng đệm là khu vực bao quanh vùng lõi, khu vực góp phần hạn chế hoạt động của con người giúp cho việc bảo tồn đa dạng sinh học ở vùng lõi. Tại vùng đệm được hoạt động khai thác tài nguyên, du lịch sinh thái, nghiên cứu, giáo dục, đào tạo. Vùng đệm cho phép hoạt động xây dựng nhưng các công trình xây dựng phải có kết cấu, vật liệu xây dựng thân thiện thiện môi trường, hài hoà với cảnh quan thiên nhiên, không phá vỡ cân bằng sinh thái.
Vùng chuyển tiếp là khu vực tập trung đông dân cư, có các hoạt động sinh kế của cộng đồng. Khu vực này có chức năng hỗ trợ các dự án giáo dục, môi trường, nghiên cứu khoa học, được xây dựng các chương trình phát triển cơ sở hạ tầng phù hợp với quy hoạch xây dựng và quy hoạch của Khu dữ trữ sinh quyển Cát Bà. Tuy nhiên, các công trình xây dựng phải có tính thẩm mỹ cao, có mục đích bảo vệ và phát huy các giá trị di tích, phù hợp cảnh quan thiên nhiên, giá trị đa dạng sinh học, hệ sinh thái, địa chất, địa mạo Khu dự trữ sinh quyển là hệ thống những vùng có các hệ sinh thái trên cạn, hệ sinh thái ven biển đã được Chương trình Con người và Sinh quyển của UNESCO (MAB) công nhận. Việc quy hoạch khu dự trữ sinh quyển nhằm thúc đẩy các giải pháp cân bằng giữ bảo tồn đa dạng sinh học và sử dụng bền vững.
Khu dự trữ sinh quyển thế giới trên quần đảo Cát Bà đã chính thức được UNESCO công nhận vào tháng 12 năm 2004 nhờ các giá trị về đa dạng sinh học, cảnh quan, văn hoá và kinh tế xã hội quan trọng. Tới năm 2011, UNESCO đã đề cử quần đảo Cát Bà vào danh sách Di sản thiên nhiên thế giới. Tháng 1/2020, Vịnh Lan Hạ (Cát Bà) được công nhận trở thành thành viên của Câu lạc bộ những vịnh đẹp nhất thế giới. Tháng 9/2023, UNESCO đã công nhận quần thể Vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà là Di sản Thiên nhiên thế giới.
Khu dự trữ sinh quyển quần đảo Cát Bà được đánh giá có giá trị đa dạng sinh học cao nhờ có diện tích rừng nguyên sinh lớn nhất vùng ven biển phía Bắc. Theo thống kê, tại đây cơ quan chức năng đã ghi nhận được khoảng hơn 3.100 loài động thực vật, bao gồm hơn 1.800 loài trên cạn và trên 1.300 loài dưới biển. Trong đó, loài được biết đến nhiều nhất là Voọc đầu vàng, được biết đến là một trong 25 loài linh trưởng có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất trên thế giới.
Việc bảo tồn đa dạng sinh học phải được thực hiện trên cơ sở đảm bảo quyền lợi của cộng đồng dân cư địa phương và các đối tượng có liên quan.
Thành phố Hải Phòng yêu cầu, các nguồn tài nguyên trong KDTSQ quần đảo Cát Bà phải được điều tra, đánh giá về thành phần loài, nguồn gen, hệ sinh thái, trữ lượng, khả năng tái sinh… đề làm căn cứ lập kế hoạch bảo tồn và phát triển bền vững. Cùng đó, kế hoạch sử dụng tài nguyên phải gắn với sự cân bằng sinh thái của KDTSQ quần đảo Cát Bà.
Trên hết, việc bảo tồn đa dạng sinh học phải được thực hiện trên cơ sở đảm bảo quyền lợi của cộng đồng dân cư địa phương và các đối tượng có liên quan. Thành phố Hải Phòng cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị chức năng tính đến việc thiết lập các ngân hàng gen, cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học để bảo vệ và phát triển các nguồn gen quý hiếm. Xây dựng kế hoạch bảo vệ các loài động, thực vật có nguy cơ tuyệt chủng.
Mọi tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh trong KDTSQ quần đảo Cát Bà đều phải tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học. Phải có khu vực lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt phân loại tại nguồn, chất thải rắn cồng kềnh và các trang thiết bị thu gom, vận chuyển; có khả năng lưu giữ chất thải nguy hại sau khi chất thải rắn sinh hoạt được phân loại theo quy định. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình gây ô nhiễm môi trường nước dưới đất có trách nhiệm thực hiện các biện pháp xử lý nước thải, chất thải và biện pháp bảo vệ môi trường để ngăn chặn việc phát tán ô nhiễm vào môi trường.
Thành phố Hải Phòng yêu cầu, hàng năm Ban quản lý Khu dự trữ sinh quyển quần đảo Cát Bà phải xây dựng kế hoạch nghiên cứu khoa học trình UBND thành phố và cơ quan có liên quan phê duyệt. Hoạt động nghiên cứu khoa học chú trọng vào việc thu thập mẫu vật, nguồn gen, vận chuyển, lưu giữ, công bố mẫu vật. Cùng với đó, nhiệm vụ nghiên cứu khoa học hướng tới các giải pháp bảo vệ và phát triển đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường...
Thu Trang