Trong khu vực Tây Bắc, Điện Biên thuộc nhóm tỉnh có tiềm năng lớn để phát triển ngành nông, lâm nghiệp đa dạng gắn với công nghiệp chế biến, du lịch trải nghiệm, phù hợp mô hình phát triển kinh tế xanh, phát thải thấp trong tương lai.
Tỉnh Điện Biên với dân số khoảng 635.921 người, tỷ lệ đô thị hóa ước đạt khoảng 27% (2022), công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 26,5% tỷ trọng GRDP.
Hiện nay, tỉnh Điện Biên có 409 nghìn ha rừng tự nhiên và hơn 8.300 ha rừng trồng. Những năm qua, Điện Biên nỗ lực tăng độ che phủ rừng, nhờ đó, diện tích che phủ rừng ngày càng tăng. Chỉ tính riêng năm 2023, toàn tỉnh Điện Biên đã trồng mới hơn 1.551 ha rừng, nâng tỷ lệ che phủ rừng trong tỉnh đạt 44%.
Bên cạnh đó, tỷ lệ đô thị còn thấp và tỷ trọng phát triển công nghiệp chưa cao để hiện thực hóa chuyển đổi xanh cùng với chuyển đổi số trong phát triển đô thị và công nghiệp.
Trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh thực hiện các cam kết quốc tế đã ký về ứng phó với biến đổi khí hậu, tỉnh Điện Biên sẽ có nhiều cơ hội và thách thức trong phát triển bền vững. Trong đó, chính sách phát triển thị trường tín chỉ Carbon là cơ hội rất lớn cho tỉnh Điện Biên. Tỉnh có diện tích rừng tự nhiên lớn, tỷ lệ đô thị còn thấp và tỷ trọng phát triển công nghiệp chưa cao để hiện thực hóa chuyển đổi xanh cùng với chuyển đổi số trong phát triển đô thị và công nghiệp. Ngoài trữ lượng rừng lớn, Điện Biên hiện có sẵn dịch vụ lưu trữ carbon tạo nguồn thu cho tỉnh để hỗ trợ các hoạt động giảm phát thải.
Tỷ lệ che phủ rừng của Điện Biên đạt 44%, cơ hội cho Điện Biên lựa chọn mô hình phát triển kinh tế xanh
Vừa qua, Hội thảo “Phát triển đô thị và khu công nghiệp xanh, thông minh gắn với thị trường tín chỉ Carbon tỉnh Điện Biên” do Sở Xây dựng tỉnh Điện Biên chủ trì phối hợp cùng các Viện nghiên cứu, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tăng trưởng xanh, chuyển đổi số tổ chức nhằm góp phần xây dựng và bổ sung phương pháp luận, kinh nghiệm thực tiễn cho mục tiêu phát triển bền vững tỉnh giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn 2050. Đồng thời mở ra định hướng để phát triển thị trường carbon, tỉnh xây dựng, ban hành kế hoạch thực hiện các biện pháp giảm nhẹ tác động và thích ứng biến đổi khí hậu cho từng ngành nghề, lĩnh vực. Bảo tồn, phục hồi đất ngập nước để lưu trữ carbon; tăng cường bảo vệ, phát triển rừng, tạo nguồn tín chỉ carbon; tham gia các dự án carbon.
Để có thể khai thác tối đa lợi thế, chủ động phát triển thị trường carbon, các chuyên gia đến từ Viện Nghiên cứu tăng trưởng xanh, Viện Quản lý phát triển đô thị, Viện Chiến lược chuyển đổi số, Trung tâm tư vấn - Viện Kiến trúc nhiệt đới đều cho rằng Điện Biên cần có chính sách khuyến khích, thu hút phát triển các dự án bảo vệ và phát triển rừng, tạo nguồn tín chỉ carbon chất lượng cao; chủ động thực hiện các biện pháp bảo vệ, phục hồi rừng ở các huyện Mường Chà, Mường Nhé, Điện Biên Đông… trên địa bàn tỉnh.
Lĩnh vực lâm nghiệp có vai trò rất quan trọng trong việc đạt được mục tiêu hấp thụ carbon rừng, tạo sự cân bằng với giảm phát thải. Rừng tại Điện Biên có tiềm năng tạo ra nhiều tín chỉ carbon. Việc bán tín chỉ carbon rừng sẽ giúp tăng thu nhập cho doanh nghiệp thông qua nguồn thu từ kết quả giảm phát thải.
Ông Nguyễn Thành Phong, Giám đốc Sở Xây dựng Điện Biên, cho rằng với diện tích rừng tự nhiên lớn, độ che phủ rừng ngày càng tăng, tỷ lệ đô thị thấp, tỷ trọng phát triển công nghiệp thấp, với chính sách phát triển thị trường tín chỉ carbon đem lại cơ hội lớn cho tỉnh Điện Biên.
Do đó, với Điện Biên, địa phương có diện tích rừng lớn cần phối hợp với Bộ NN&PTNT xác định tỉ lệ đóng góp về lượng hấp thụ khí nhà kính từ rừng trên địa bàn, đảm bảo mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính quốc gia để ra lượng tín chỉ có thể trao đổi, bán ra ngoài.
Tín chỉ Carbon là chứng nhận có thể giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải một lượng khí CO2 hoặc một lượng khí nhà kính khác quy đổi sang CO2 tương đương.
Hiện nay thị trường carbon được coi là công cụ chính để giảm phát thải khí nhà kính và đang phát triển nhanh chóng về thị phần giao dịch cũng như các tổ chức tham gia.
Một tín chỉ carbon tương đương với 1 tấn CO2 hoặc 1 tấn CO2 quy đổi tương đương. Nhà nước đã ban hành và đang thực hiện nhiều chính sách cho mục tiêu xây dựng thị trường carbon. Việc bán tín chỉ carbon giúp tăng thu nhập cho doanh nghiệp thông qua nguồn thu từ kết quả giảm phát thải. Phân bổ trữ lượng carbon rừng thì có 80% rừng tự nhiên, 20% rừng trồng.
Việt Nam đang xây dựng dự thảo đề án “Phát triển thị trường carbon tại Việt Nam” trên cơ sở Nghị định số 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ôzôn. Theo đó, từ nay đến hết năm 2027, nước ta tập trung xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon; xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon; thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon kể từ năm 2025; triển khai các hoạt động tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về phát triển thị trường carbon...
Đặc biệt, từ năm 2028, Việt Nam sẽ vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức với các hoạt động kết nối, trao đổi trong nước với thị trường khu vực và thế giới.
|
Hưng Nguyên