Chiều 03/4, Tiểu ban thực hiện nội dung đột phá về phát triển du lịch - dịch vụ (DLDV) bền vững giai đoạn 2021 - 2025 tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ đột phá về phát triển DLDV bền vững năm 2024. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Trịnh Trường Huy chủ trì.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Trịnh Trường Huy phát biểu tại hội nghị.
Năm 2023, Tiểu ban thực hiện nội dung đột phá về phát triển DLDV bền vững tích cực đẩy mạnh triển khai 24 dự án về xây dựng quy hoạch hạ tầng cơ sở, sản phẩm du lịch mới từ bảo tồn và phát huy văn hóa đặc sắc các dân tộc thiểu số tại các huyện có tiềm năng du lịch như: Trùng Khánh, Hà Quảng, Bảo Lạc, Quảng Hòa, Thạch An, Hạ Lang...; tổ chức 27 sự kiện, chương trình, hoạt động văn hóa du lịch đặc sắc mang đậm văn hóa đặc sắc Cao Bằng để xúc tiến, quảng bá, kết nối, phát triển các sản phẩm du lịch với các tỉnh Đông Bắc, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Ngoại giao Việt Nam, Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây, Trung Quốc… Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển du lịch, triển khai Kế hoạch số 2269/KH-UBND ngày 24/11/2021 của UBND tỉnh về phát triển chính quyền số và đảm bảo an toàn thông tin mạng năm 2022; triển khai cổng thông tin điện tử du lịch thông minh trên Smatphone tỉnh Cao Bằng, giai đoạn 2021 - 2025; xây dựng cập nhật cơ sở dữ liệu di sản văn hóa và di tích lịch sử tỉnh; số hóa dữ liệu du lịch, thực tế ảo, hệ thống thuyết minh ảo, du lịch trải nghiệm 3D, chương trình chuyển đổi số thư viện điện tử công cộng tỉnh Cao Bằng.
Khai thác và phát huy danh hiệu Công viên địa chất (CVĐC) toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng, xây dựng tuyến du lịch trải nghiệm số 5 tại các huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm, kết nối giữa CVĐC toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng với CVĐC Cao Nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang); chuẩn bị các điều kiện tổ chức Hội nghị quốc tế lần thứ 8 của Mạng lưới CVĐC toàn cầu UNESCO Khu vực Châu Á Thái Bình Dương năm 2024 tại Cao Bằng…
Triển khai 4 chương trình, hoạt động, dự án, đề án về bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch. Tổ chức truyền dạy nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Tày, xã Ngọc Đào (Hà Quảng); bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc Dao Tiền, bản Hoài Khao, xã Quang Thành (Nguyên Bình); Đề án bảo tồn trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số…
Tại hội nghị, lãnh đạo các sở, ban, ngành và huyện, Thành phố đề xuất xây dựng phát triển thêm nhiều sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh, các sản phẩm mới du lịch văn hóa, tâm linh, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, sinh thái, danh thắng, du lịch nông nghiệp, bảo tồn phát huy văn hóa dân tộc Lô Lô đen, Dao Tiền, Mông, Tày, Nùng…; đầu tư phát triển các làng nghề truyền thống, các sản phẩm lưu niệm, quà tặng du lịch Cao Bằng; tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao gắn với sự kiện lớn của tỉnh; nâng cấp Lễ hội thác Bản Giốc, Lễ hội về nguồn Pác Bó…, xây dựng tuyến trải nghiệm du lịch thứ 5 kết nối 2 CVĐC toàn cầu UNESCO Cao Bằng và Hà Giang.
Tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư hạ tầng cơ sở du lịch tại các điểm du lịch trọng điểm, phát triển làng nghề; đầu tư hạ tầng nông thôn gắn với phát triển du lịch; nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP lên 3 - 4 sao và xây dựng phương án kết nối với thị trường…
Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Trường Huy nhấn mạnh: Năm 2024 là năm tăng tốc thực hiện các mục tiêu, chương trình trọng tâm Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, đề nghị các sở, ban, ngành và các địa phương xem xét nhiệm vụ, kế hoạch du lịch đã đề ra, đặc biệt, đối với dự án du lịch đã được phê duyệt phải tăng tốc thực hiện theo tiến độ; đẩy mạnh triển khai kế hoạch thực hiện các nội dung đột phá về phát triển DLDV bền vững, giai đoạn 2022 - 2025.
Mỗi ngành, địa phương phải xác định đúng và trúng các khâu đột phá, tạo bước ngoặt mới phát triển du lịch Cao Bằng năm 2024 và những năm tiếp theo; phát triển du lịch theo hướng bền vững, sản phẩm du lịch đặc sắc, riêng biệt, hấp dẫn, phát huy danh hiệu CVĐC toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng, tạo tầm nhìn ổn định lâu dài, chiến lược đủ sức cạnh tranh trên thị trường; hoàn thành công tác điều chỉnh quy hoạch các khu du lịch; tổ chức các sự kiện văn hóa lịch sử gắn với du lịch; các huyện phát triển các sản phẩm du lịch, DLDV, chọn lọc sản phẩm du lịch trọng điểm địa phương đặc sắc, thu hút các doanh nghiệp đồng hành cùng du lịch; tổ chức tốt vận hành thí điểm đón khách du lịch vào cảnh quan thác Bản Giốc (Trùng Khánh) theo Hiệp định hợp tác bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc); phát triển sản phẩm du lịch mới gắn với sản phẩm OCOP; phát huy tối đa hiệu quả cổng du lịch thông minh trên nền tảng số; tập trung công tác chuẩn bị tốt cho Hội nghị lần thứ 8 Mạng lưới CVĐC Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 8 tại Cao Bằng.
Trường Hà