UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa ban hành Công văn số 2423/UBND-KGVX chỉ đạo thực hiện tiếp tục phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững thời gian tới, định hướng hỗ trợ cho phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả theo Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 23/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, UBND tỉnh giao các sở, ban, ngành tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và các chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh để thúc đẩy phát triển du lịch Quảng Ngãi toàn diện, nhanh và bền vững
Phấn đấu đến năm 2025 đón được 1.360.000 lượt khách; có 01 điểm du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn được công nhận; có 03 sản phẩm du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn được đánh giá công nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao. Phấn đấu đến năm 2030 đón được 2.550.000 lượt khách; có thêm 03 sản phẩm du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn được đánh giá công nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao; có 02 khu du lịch quốc gia, 4 khu du lịch cấp tỉnh và 6 điểm du lịch được công nhận.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định số 304/QĐ-UBND ngày 10/3/2022 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án phát triển du lịch đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; Kế hoạch số 12/KH-UBND ngày 22/01/2024 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Đề án phát triển du lịch tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trong năm 2024 và Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 23/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững thời gian tới.
Chủ trì, phối hợp với UBND huyện Lý Sơn, UBND thành phố Quảng Ngãi và các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu, phát triển các mô hình, sản phẩm du lịch kết hợp phát triển kinh tế đêm phù hợp với đặc điểm tình hình đặc thù của các địa phương và nhu cầu của khách du lịch.
Chỉ đạo các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch thực hiện nghiêm việc niêm yết giá công khai và bán đúng giá niêm yết; kiên quyết xử lý theo đúng quy định của pháp luật mọi hành vi vi phạm; phối hợp với Cục Quản lý thị trường tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân tiếp tay, bao che các hành vi vi phạm trục lợi từ việc chèo kéo, ép giá, quảng cáo sai sự thật… trong hoạt động kinh doanh du lịch.
Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện, thị xã, thành phố, triển khai chính sách hỗ trợ phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng, huy động sự tham gia các doanh nghiệp, tổ chức để khảo sát, phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng và đẩy mạnh liên kết để hình thành động lực tăng trưởng du lịch theo phương châm “một cung đường - nhiều điểm đến”; hướng dẫn xây dựng, vận hành mô hình du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn, hình thành sản phẩm, chuỗi sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo tại các địa phương.
Đổi mới nội dung, đa dạng hóa phương thức quảng bá, xúc tiến du lịch theo hướng chuyên biệt cho từng phân khúc thị trường mục tiêu; tăng cường kết nối hạ tầng dịch vụ, hỗ trợ và gia tăng trải nghiệm, tăng thời gian lưu trú của khách du lịch; chú trọng phát triển và khai thác phân khúc thị trường khách theo các sản phẩm chuyên đề mà Quảng Ngãi có thế mạnh như: Du lịch biển đảo, du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn, du lịch văn hóa lịch sử…
Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các sở, ngành, đơn vị liên quan triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư và nghiên cứu, tham mưu triển khai chính sách hỗ trợ phát triển du lịch; rà soát tình hình thực hiện các dự án đầu tư, xúc tiến kêu gọi đầu tư, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, khuyến khích đổi mới, khởi nghiệp sáng tạo, phát triển lực lượng doanh nghiệp, hình thành nhiều doanh nghiệp du lịch hoạt động hiệu quả.
Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phục vụ phát triển du lịch. Hướng dẫn, xác định loại đất nông nghiệp được kết hợp tổ chức hoạt động du lịch, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất. Phối hợp với các đơn vị, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch thực hiện đúng các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; nâng cao ý thức của người dân gắn với giáo dục môi trường và bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa - lịch sử, cảnh quan thiên nhiên.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các cơ quan, đơn vị hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện các nội dung của Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới theo quy định. Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Tài nguyên và Môi trường, các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất ban hành chính sách tạo thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức, cộng đồng có sẵn trang trại, vườn trồng cây lâu năm kết hợp làm du lịch.
Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Xây dựng và UBND cấp huyện trong công tác kêu gọi xây dựng hệ thống bến tàu du lịch gắn kết với các điểm du lịch trên các tuyến sông, hồ có khả năng khai thác du lịch kết hợp với các dịch vụ kinh doanh theo quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Hướng dẫn hoạt động du lịch đường thủy trên sông Trà Khúc, rừng dừa nước Tịnh Khê, các tuyến đường thủy, lòng hồ, thủy điện theo quy định.
Trên cơ sở Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tiếp tục nâng cấp, cải tạo, khai thác hiệu quả các hạ tầng hàng hải công cộng đã có; nghiên cứu đầu tư xây dựng các trạm quản lý luồng hàng hải tại các huyện Bình Sơn, Lý Sơn và các địa phương khác có tiềm năng, phù hợp với các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành và các quy hoạch khác có liên quan, tuân thủ theo quy định của pháp luật, nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của Nhân dân.
Chủ động đề xuất nâng cấp và mở mới một số bến tàu khách trong giai đoạn 2021 - 2030 như: Bến Vạn Tường tại xã Bình Trị, huyện Bình Sơn; bến du lịch trên sông Trà Khúc tại thành phố Quảng Ngãi; bến tàu Khê Lập tại xã Tịnh Khê, thành phố Quảng Ngãi; bến tàu khách lòng hồ Đắcđrinh, Nước Trong và một số bến tàu khách, bến tàu trong lòng hồ thủy điện khác để đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa, đi lại kết hợp với dịch vụ du lịch của địa phương.
Sở Công Thương tổ chức, tham gia các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước; triển khai các chương trình thương mại điện tử, xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu hàng hóa, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường; phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch lồng ghép với việc quảng bá thương hiệu hình ảnh, du lịch tỉnh Quảng Ngãi trong các chương trình xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, kết hợp xúc tiến thương mại với xúc tiến du lịch; hỗ trợ phát triển các loại dịch vụ thương mại hiện đại gắn với phát triển kinh tế ban đêm.
Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo chí đẩy mạnh truyền thông, quảng bá du lịch; phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng chương trình, chiến dịch truyền thông, quảng bá du lịch. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với không gian mạng, kịp thời ngăn chặn, bóc gỡ, xóa bỏ các thông tin sai lệch tác động tiêu cực đến khách du lịch; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.
UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các sở, ngành liên quan trong công tác phát triển du lịch trên địa bàn; huy động nguồn lực, kêu gọi đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng, phát huy tối đa tài nguyên du lịch; xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phát triển du lịch phù hợp với địa phương.
Chủ động rà soát, hoàn thiện các điều kiện cần thiết về cơ sở vật chất kỹ thuật và nâng cao chất lượng dịch vụ tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn, đặc biệt là các địa phương có khu, điểm du lịch định hướng được công nhận theo Đề án Phát triển du lịch tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Hiệp hội Du lịch, các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ du lịch và cộng đồng doanh nghiệp du lịch chấp hành nghiêm các quy định của nhà nước về hoạt động kinh doanh du lịch và các quy định liên quan khác; chủ động triển khai nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch; đẩy mạnh kết nối, hợp tác hỗ trợ, cùng nhau phát triển; nâng cao ý thức về trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng; tích cực tham gia bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của địa phương.
BTV