Nền văn hoá đa dạng và phong phú của đồng bào Khmer đang được tỉnh Sóc Trăng khai thác để phát triển du lịch và trở thành yếu tố thu hút du khách, góp phần bảo tồn bản sắc dân tộc, quảng bá nét đẹp văn hóa riêng của đồng bào Khmer.
Đồng bào Khmer thường có tập quán sinh sống ở vùng nông thôn, đời sống gắn liền với sản xuất nông nghiệp. Theo thời gian, nhiều nơi người Khmer sinh sống cũng hình thành những làng nghề từ tập quán lao động, sản xuất của bà con….
Cách trung tâm thành phố Sóc Trăng khoảng 11km, làng nghề đan đát của bà con Khmer ở xã Phú Tân, huyện Châu Thành đã hình thành cả trăm năm nay. Từ những vật liệu đơn giản, như: tre, trúc… với đôi bàn tay khéo léo của người dân nơi đây đã tạo ra những dụng cụ lao động, vật dụng gia dụng… Đặc biệt những năm gần đây, bà con đã phát triển những dụng cụ này thành sản phẩm lưu niệm tinh xảo để phục vụ du khách tham quan, mua sắm… Đây cũng là món quà xinh xắn cho du khách mang về tặng người thân sau mỗi dịp đến với Sóc Trăng.
Hợp tác xã đan đát của đồng bào Khmer xã Phú Tân, huyện Châu Thành
Ngay tại trung tâm xã Phú Tân có khu trưng bày sản phẩm đan đát truyền thống của HTX Mây tre đan Thuỷ Tuyết. Cách đó không xã là kho chứa sản phẩm của HTX. Có dịp đến những điểm này, du khách sẽ thực sự choáng ngợp với hàng trăm mặt hàng sản phẩm từ hàng tiêu dùng đến trang trí, quà tặng… được làm từ mây, tre, trúc… Theo bà Trương Thị Bạch Thuỷ - Giám đốc HTX Mây tre đan Thuỷ Tuyết, hiện HTX đang hướng tới tạo sự liên kết sản xuất, kinh doanh kết hợp phát triển du lịch, dịch vụ giữa các hộ dân với nhau, từ đó từng bước nâng cao giá trị của làng nghề, quảng bá sản phẩm đến du khách tham quan.
"Hiện tại HTX có trên 700 sản phẩm. Ở đây sản phẩm cung ứng cho thị trường nội địa và thị trường xuất khẩu. Đối với xuất khẩu đa phần là hàng tiêu dùng, như sọt đựng quần áo phục vụ cho nhà hàng, khách sạn. Chúng tôi còn làm thêm mảng xây dựng bằng mây tre, như homestay, khu nghỉ dưỡng, khu du lịch", bà Trương Thị Bạch Thuỷ cho biết.
Thêm trải nghiệm cho du khách
Đồng bào Khmer nói chung và tại tỉnh Sóc Trăng nói riêng có nền văn hoá rất đa dạng và phong phú, từ các lễ hội, kiến trúc chùa chiền, các loại nhạc cụ, các điệu múa dân gian cho đến các trang phục truyền thống… Những năm gần đây, bên cạnh phát huy và bảo tồn bản sắc, tỉnh Sóc Trăng và đồng bào Khmer còn đặc biệt quan tâm khai thác những nét văn hoá này để phát triển du lịch.
Như vào ngày 15 tháng 10 âm lịch hàng năm, đông đảo đồng bào Khmer từ khắp phum sóc và du khách lại tập trung về dòng sông Maspero, thành phố Sóc Trăng để vui lễ hội Oóc Om Bóc - đua ghe Ngo. Đến với lễ hội, đặc biệt là du khách thể hiện rõ sự thích thú khi được tận mắt xem những chiếc ghe ngo với màu sắc, hoa văn rực rỡ, chiều dài từ 25-30m, chở từ 50-60 người bơi đua với nhau.
Chị Trần Thị Quế Hương - du khách đến từ tỉnh Đồng Nai tham gia lễ hội cho biết: "Đây là lần đầu tiên mình dự lễ hội này, thật là hoành tráng, không khí rất náo nhiệt nữa. Đây có thể là lễ hội lớn của người dân ở đây, nên bà con tập trung rất nhiều để mà vừa tham quan, xem những trận đấu ở đây".
Lễ hội đua ghe Ngo tại tỉnh Sóc Trăng
Đặc biệt, Sóc Trăng với 93 ngôi chùa Khmer với nét kiến trúc độc đáo, đặc trưng riêng biệt đang trở thành điểm đến hấp dẫn khách du lịch. Điển hình như chùa Botum Vongsa Som Rong có lịch sử hình thành 600 năm tuổi toạ lạc trên đường Tôn Đức Thắng, phường 5, TP. Sóc Trăng. Thời gian gần đây, ngôi chùa trở thành điểm tham quan đông khách bởi sự độc đáo thông qua lối kiến trúc của ngôi chùa Khmer; trong đó, bảo tháp và tượng phật Thích Ca niết bàn là điểm nhấn. Đặc biệt, du khách đến đây còn được tham quan nơi trưng bày các trang phục truyền thống của đồng bào Khmer, được trải nghiệm trong trang phục dân tộc Khmer với màu sắc sặc sỡ, tinh tế và có nét độc đáo riêng. Đó là những trang phục trong lễ cưới, đi lễ hội hay trong cuộc sống thường ngày của đồng bào.
Chị Thạch Thị Tha Sari, người quản lý khu trưng bày trang phục truyền thống trong khuôn viên chùa Som Rong chia sẻ, những ngày cuối tuần, ngày lễ, tết, du khách đến rất đông để tham quan ngôi chùa. Đặc biệt, khi đến đây, khách du lịch thật sự thích thú khi được khoác lên mình những trang phục truyền thống của đồng bào Khmer rồi chụp hình lưu niệm. "Trang phục thì có rất nhiều loại, đa dạng lắm, chủ yếu là của đồng bào Khmer, có cả trang phục múa apsara, rô-băm… nhiều loại để du khách thỏa sức lựa chọn, rồi giá cũng phải chăng nên du khách rất thích trải nghiệm".
Thúc đẩy du lịch văn hóa
Để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch, tỉnh Sóc Trăng đã ban hành nhiều Nghị quyết, chính sách hỗ trợ, trong đó có tập trung phát triển du lịch với định hướng “phát triển du lịch tâm linh, văn hóa lễ hội… nâng tầm vóc của các sự kiện lễ hội độc đáo của 03 dân tộc Kinh - Khmer - Hoa”.
Theo bà Dương Thị Ngọc Diễm - Phó Chủ tịch UBND thành phố Sóc Trăng, nhiều điểm chùa Nam tông Khmer đã trở thành các điểm tham quan của du khách như: chùa Som Rong, chùa Dơi, chùa Pem buôl thmây, chùa Chroi Tum Chás... Từ các chính sách hỗ trợ của tỉnh đã đầu tư cải tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách.
"Đồng hành với Nghị quyết 05 của tỉnh, thành phố Sóc Trăng bước đầu hoàn thiện hồ sơ trình cấp trên để hỗ trợ chính sách du lịch này. Đối với chùa Som Rong (phường 5) hỗ trợ giai đoạn 1 ở mức 100 triệu đồng để xây dựng các nhà vệ sinh công cộng. Hiện nay tiếp tục được hỗ trợ chính sách du lịch ở đợt 2 với nguồn vốn là 1 tỷ đồng để tiếp tục xây dựng, đầu tư các hạng mục để làm sao cho du khách về tham quan. Còn đối với chùa Mahatup (chùa Dơi) chúng tôi cũng đang hoàn thiện hồ sơ để gửi tỉnh, bởi đây là di tích lịch sử cấp quốc gia, do đó thì tỉnh cũng đang trình Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch để cho ý kiến về việc đầu tư, được trùng tu, cũng như cải tạo kiến trúc công trình tại điểm này để hướng tới phát triển du lịch", bà Dương Thị Ngọc Diễm cho biết.
Sóc Trăng còn tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng, khác biệt nhằm thu hút khách du lịch dựa trên yếu tố văn hóa Khmer, như phát triển các sản phẩm nghệ thuật dân tộc đặc sắc phục vụ khách du lịch thường xuyên tại các điểm đến du lịch trên địa bàn tỉnh, gồm các loại hình nghệ thuật sân khấu dù kê, nghệ thuật Rô Băm, Múa Romvong và nhạc ngũ âm của đồng bào Khmer... Qua đó nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương góp phần xây dựng Sóc Trăng là vùng đất của những di sản và những lễ hội văn hóa mang nét đặc trưng riêng, đồng thời khai thác những giá trị của di sản này để phục vụ cho phát triển du lịch.
Thạch Hồng/VOV-ĐBSCL