Quảng Nam cùng quan tâm đến các vùng biển và ven bờ tiềm năng

Cập nhật: 28/05/2024
Không chỉ trong phạm vi các khu bảo tồn, một số vùng biển và ven bờ có tiềm năng cao về đa dạng sinh học cũng cần có cách quản trị, tiếp cận hiệu quả để tiến tới mở rộng diện tích các khu vực biển và ven biển được bảo tồn.

Khu vực Cửa Đại - sông Thu Bồn được IUCN xác định là 1 trong các khu vực "OECM" tiềm năng. Ảnh: Q.T

“OECM” là khái niệm về một khu vực địa lý được xác định nhưng không phải là khu bảo tồn. “OECM” được quản trị và quản lý theo những cách thức giúp đạt được kết quả tích cực và bền vững về mặt bảo tồn nội vi đa dạng sinh học (ĐDSH) cùng với các chức năng và dịch vụ hệ sinh thái đi cùng.

Trong một số trường hợp, “OECM” còn giúp bảo tồn các giá trị văn hóa, tinh thần, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội cũng như định vị các giá trị bản địa đặc trưng.

Theo Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), các khu vực “OECM” theo tiềm năng có thể chia thành các nhóm theo mục tiêu bảo tồn gồm: Bảo tồn là mục tiêu gián tiếp; bảo tồn là mục tiêu thứ cấp (mục tiêu phụ); bảo tồn là mục tiêu chính.

Ở Việt Nam hiện có hơn 40 khu “OECM” tiềm năng trải dọc theo các vùng biển và ven bờ từ Bắc vào Nam, trong đó 2 khu vực ở Quảng Nam được nhận diện là khu vực Cửa Đại - sông Thu Bồn (vùng nằm ngoài khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm) và Tam Hải (Núi Thành) với các giá trị ĐDSH cao về thảm cỏ biển, rạn san hô, rừng ngập mặn, nguồn lợi thủy sản…

Kết quả khảo sát, điều tra của Viện Hải dương học ở vùng biển Tam Hải cho thấy khu vực này có hơn 78ha thảm cỏ biển, gần 200ha san hô và khoảng 110ha rừng ngập mặn với hàng trăm loài san hô cứng, cá rạn san hô, động vật không xương sống, rong biển…

Khu vực Cửa Đại - sông Thu Bồn được IUCN xác định là một trong các khu vực “OECM” tiềm năng. Ảnh: Q.T

Trong khi đó, theo một khảo sát khác của Viện Hải dương học (năm 2017), riêng khu vực sông Thu Bồn có 216 loài thực vật phù du, 67 động vật phù du, 83 loài cá cùng một số loài cỏ biển, cây ngập mặn…

Theo Bùi Thị Thu Hiền - đại diện IUCN Việt Nam, đến nay tổng diện tích của 11 khu bảo tồn biển chỉ chiếm khoảng 0,2% diện tích vùng biển Việt Nam.

Trong khi theo Nghị quyết số 36 (năm 2018) của Trung ương Đảng về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 thì đến năm 2030 phải tăng diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt tối thiểu 6% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia. Do đó, rất cần quan tâm, chú trọng đến các “OECM” để góp phần đạt được mục tiêu này.

Theo 8 tiêu chí xác định các “OECM” của quốc tế, hiện 2 khu vực “OECM” của Quảng Nam được IUCN khuyến nghị bước đầu đã tiếp cận, đáp ứng một số tiêu chí như: có giá trị ĐDSH quan trọng, khẳng định vai trò hỗ trợ các giá trị ĐDSH quan trọng, ngăn chặn hoặc giảm thiểu được các hoạt động đe dọa đến giá trị ĐDSH của khu vực, việc điều hành quản lý của khu vực đem lại kết quả về bảo tồn nguyên vị các giá trị ĐDSH quan trọng.

Bà Lê Thủy Trinh - Phó Giám đốc Sở TN&MT cho hay, trong năm nay Quảng Nam dự kiến sẽ hoàn thành việc thành lập khu bảo tồn thiên nhiên Cù Lao Chàm và có kế hoạch xây dựng hồ sơ thành lập thêm 1 số khu bảo tồn trong đó có khu vực Tam Hải (Núi Thành).

Quy hoạch tỉnh đã xác định sẽ hướng đến là địa phương tiên phong phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, cân đối hài hòa bảo tồn và phát triển.

Vì vậy, phương án bảo tồn thiên nhiên ĐDSH đặc biệt được chú trọng, trong đó không chỉ với các khu bảo tồn, việc tiếp tục thúc đẩy thiết lập thêm các hành lang bảo tồn ĐDSH trên toàn tỉnh cũng là một mục tiêu quan trọng sẽ được thực hiện theo lộ trình trong những năm tới.

Quốc Tuấn

Nguồn: Báo Quảng Nam - baoquangnam.vn - Đăng ngày 27/05/2024