Chương trình cấp Nhãn sinh thái “Bông sen xanh" cho các cơ sở lưu trú tại Việt Nam đã được Vụ Khách sạn - Tổng cục Du lịch lập thành dự án và ngày16/10/2009 vừa qua đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra Quyết định phê duyệt (số 3705/QĐ-BVHTTDL) nhằm nâng cao chất lượng hình ảnh điểm đến.
Trong giai đoạn từ năm 2009-2010, Chương trình chủ yếu xây dựng hệ thống đánh giá, chứng nhận và cấp “nhãn xanh Việt Nam” thử nghiệm đối với một số loại hình sản phẩm, dịch vụ được lựa chọn. Việc lựa chọn đối tượng cấp nhãn xanh và tiêu chí sẽ được hoàn thành vào năm 2011.
Theo bà Đỗ Hồng Xoan, Vụ trưởng Vụ Khách sạn - Tổng cục Du lịch, một trong số những công cụ hữu hiệu để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững là áp dụng nhãn xanh, còn có tên gọi khác là nhãn sinh thái, nhãn môi trường cho sản phẩm, dịch vụ.
Hiện cả nước có khoảng 10.800 cơ sở lưu trú du lịch với 208.000 buồng; trong đó có 298 khách sạn đạt tiêu chuẩn từ 3-5 sao với 32.266 buồng.
Cùng với sự phát triển nhanh về số lượng và chất lượng, hoạt động kinh doanh lưu trú du lịch bắt đầu có những tác động tiêu cực đến môi trường vì sử dụng nhiều tài nguyên đất, năng lượng, nước, vật tư hàng hóa đồng thời tạo ra nhiều chất thải. Ô nhiễm môi trường sẽ làm giảm chất lượng sản phẩm du lịch và ảnh hướng tới sự phát triển bền vững của ngành du lịch.
Bà Xoan cho biết, ở nhiều nước điển hình như Mỹ, Nhật Bản, Singapore và các nước Liên minh châu Âu (EU), việc áp dụng nhãn xanh cho sản phẩm du lịch không chỉ tác động tới những người kinh doanh du lịch mà còn tác động cả tới thói quen tiêu dùng của du khách.
Theo nghiên cứu của các nước EU, việc áp dụng chương trình nhãn sinh thái cho sản phẩm, dịch vụ du lịch đã làm giảm đáng kể những tác hại của du lịch tới môi trường và tài nguyên.
Không chỉ vậy, những nơi có môi trường trong sạch, không bị ô nhiễm thường là những điểm đến lý tưởng thu hút khách. Lí do là vì việc lưu trú tại các khách sạn được cấp nhãn xanh vừa là cách để du khách bảo vệ sức khỏe, vừa là dịp để họ thể hiện trách nhiệm với việc bảo vệ môi trường.
Các tiêu chí cụ thể về sử dụng hợp lý tài nguyên, năng lượng, giảm chất thải, kiểm soát ô nhiễm, quản lý và bảo vệ môi trường sẽ được xây dựng.
Vụ Khách sạn sẽ lựa chọn mẫu một số khách sạn hạng từ 3-5 sao ở 3 miền để thực hiện. Tổng kinh phí dự kiến cho đề án này khoảng hơn 2,7 tỷ đồng, đến năm 2011 sẽ triển khai áp dụng rộng rãi việc cấp nhãn xanh cho các khách sạn ở Việt Nam.
Đồng thời, Vụ Khách sạn sẽ phối hợp xây dựng cơ sở dữ liệu về hệ thống khách sạn được cấp nhãn xanh, liên kết dữ liệu chính thức với một số trang web về môi trường xanh của một số tổ chức, quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Vụ cũng sẽ thực hiện chương trình truyền thông quảng bá các khách sạn được cấp nhãn xanh tới khách du lịch, đồng thời sẽ tham gia mạng lưới nhãn sinh thái quốc tế.
Thực tế hiện nay, các khách sạn cao cấp (4 và 5 sao) đã triển khai các chương trình bảo vệ môi trường của riêng họ. Tuy nhiên, hiện chưa có bộ tiêu chuẩn đánh giá tổng thể tác động của các chương trình này trong việc bảo vệ môi trường. Đây là một cản trở rất lớn đối với các doanh nghiệp du lịch Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế vì bảo vệ môi trường đã trở thành vấn đề của toàn cầu.