Huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái là địa phương có diện tích rừng tự nhiên phong phú, đa dạng các loài động thực vật. Việc bảo vệ rừng không chỉ có ý nghĩa duy trì nguồn tài nguyên thiên nhiên mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển du lịch cho huyện.
Mù Cang Chải có nhiều tiềm năng, lợi thế về phát triển lâm nghiệp với tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn, diện tích rừng tự nhiên gần 83.000ha. Vì vậy, việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được toàn huyện quan tâm. Nhờ thực hiện các biện pháp hiệu quả, việc bảo vệ và phát triển rừng đã có nhiều thành quả như không ngừng tăng độ che phủ rừng trên toàn huyện; ý thức bảo vệ và phát triển rừng trong nhân dân đã nâng lên; nhiều mô hình nông lâm nghiệp được áp dụng mang lại hiệu quả thiết thực.
Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Chế Tạo nằm trên dãy Hoàng Liên Sơn được đánh giá là khu rừng nguyên sinh đẹp tại vùng Tây Bắc. Khu bảo tồn này chạy dài khắp các xã với đồng bào Mông sinh sống như: Nậm Khắt, Chế Tạo, Lao Chải, Púng Luông và Dế Xu Phình với thảm động thực vật phong phú, quý hiếm; trong đó, có nhiều loài ghi trong Sách Đỏ Việt Nam. Nhằm bảo tồn thiên nhiên, phát triển du lịch sinh thái theo hướng bền vững, huyện Mù Cang Chải đã thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về bảo vệ rừng trong cộng đồng dân cư và khách du lịch.
Mù Cang Chải giữ rừng để làm du lịch
Với mục tiêu bảo vệ rừng, giữ gìn hệ sinh thái để phát triển du lịch, xã Nậm Khắt đã thành lập tổ bảo vệ rừng tại 9 thôn, bản, thường xuyên chia nhau đi tuần tại khu vực tuyến, vành đai giáp ranh với các địa phương lân cận. Đối với xã Nậm Khắt, ý thức về bảo vệ rừng đã được nâng lên, đã giữ được rừng tự nhiên, không có khai thác buôn bán lâm sản.
Những năm gần đây, mô hình du lịch khám phá, trải nghiệm ở xã Mồ Dề rất phát triển, nhờ vậy nhiều người dân có thêm nguồn thu; từ đó, ý thức bảo vệ, phát triển rừng cũng được nâng cao. Toàn xã Mồ Dề có diện tích đất rừng hơn 5.656ha, tỷ lệ che phủ đạt 68%.
Những năm qua, công tác bảo vệ rừng, tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ rừng cho bà con luôn được cấp ủy, chính quyền xã đặc biệt quan tâm. Anh Sùng A Hua, kinh doanh homestay tại rừng trúc ở bản Háng Sung, xã Mồ Dề cho biết: “Ở Mù Cang Chải, rừng cây xanh mát, dịch vụ chu đáo nên khách rất hài lòng. Người dân được hưởng lợi từ rừng nên có ý thức bảo vệ, không chặt phá rừng. Tư duy về giữ rừng, bảo vệ môi trường được nâng cao. Rừng được giao khoán, người dân đã tự giác bảo vệ, trông coi chứ không phá hoại như trước đây. Khách đến nhìn thấy rừng tự nhiên rất thích và đều quay trở lại”.
Đồng chí Giàng A Dê, kiểm lâm viên Hạt kiểm lâm Mù Cang Chải, cho biết: “Chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền các xã và cơ quan chức năng trong việc tuần tra để ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm những hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng. Cùng với việc thành lập các tổ bảo vệ rừng, Hạt kiểm lâm phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức để nâng cao hiểu biết cho người dân; phối hợp với các xã đến từng khu dân cư ký cam kết bảo vệ và không xâm hại trái phép tài nguyên rừng.
Để tiếp tục khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch địa phương, đặc biệt tiềm năng từ rừng đem lại trong lĩnh vực du lịch, huyện Mù Cang Chải đang tiếp tục nâng cao các điều kiện để phát triển du lịch nhằm đáp ứng đa dạng nhu cầu của du khách
Chúng tôi cũng luôn chú trọng việc đẩy mạnh các hoạt động trồng rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng; giao khoán bảo vệ rừng, không ngừng nâng cao chất lượng, độ che phủ của rừng. Chúng tôi xây dựng mô hình bảo vệ rừng gắn với du lịch cộng đồng, dựa trên những già làng, người có uy tín trong thôn, bản, từ đó nhân rộng mô hình ra toàn huyện. Khi giữ được rừng nguyên sinh, rừng tự nhiên sẽ thu hút được khách du lịch và phát huy được du lịch sinh thái”.
Xác định để giữ được cảnh quan thiên nhiên gắn với phát triển du lịch, khám phá thì công tác quản lý, bảo vệ rừng phải được thực hiện nghiêm ngặt. Giữ rừng cũng giúp huyện Mù Cang Chải phát triển tiềm năng du lịch, hướng đến phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững, tạo sinh kế cho bà con phát huy nguồn lực tại chỗ một cách hiệu quả nhất.
Để tiếp tục khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch địa phương, đặc biệt tiềm năng từ rừng đem lại trong lĩnh vực du lịch, huyện Mù Cang Chải đang tiếp tục nâng cao các điều kiện để phát triển du lịch nhằm đáp ứng đa dạng nhu cầu của du khách. Bên cạnh đó, huyện tiếp tục đầu tư trọng tâm các địa bàn có nhiều rừng sinh thái nguyên sinh với phương châm khai thác tối đa các lợi thế sẵn có của địa phương đi đôi với việc bảo tồn sinh thái tự nhiên, chú trọng công tác bảo vệ rừng gắn với phát triển kinh tế du lịch bền vững./.
HT