Đề án Phát triển TP. Vũng Tàu thành trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế do Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh chắp bút dưới sự tham vấn của giới chuyên gia trong và ngoài nước. Sáng 15/6, tại hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện đề án, nhiều góp ý thiết thực đã được các chuyên gia kinh tế, du lịch, đô thị, nguyên lãnh đạo TP. Vũng Tàu và đại diện các sở, ngành của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đóng góp.
Bãi Sau đang trong giai đoạn chỉnh trang toàn diện.
Đề xuất 3 nhóm sản phẩm du lịch
Đề án đặt mục tiêu xây dựng TP. Vũng Tàu trở thành thành phố du lịch chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế, hướng đến phát thải ròng bằng không (net zero) vào năm 2050. Trong đó, các mục tiêu cụ thể theo từng giai đoạn là trở thành thành phố du lịch chất lượng cao - đẳng cấp quốc tế vào năm 2030; xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo - du lịch công nghệ là nền tảng vào năm 2040; xây dựng các phương án phát triển công nghiệp du lịch hướng tới phát thải ròng bằng không năm 2050.
Trình bày dự thảo đề án, PGS.TS Đinh Công Khải, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, đề án xác định 3 nhóm sản phẩm. Cụ thể, nhóm sản phẩm du lịch đẳng cấp với 6 loại hình: hoạt động thể thao, trekking đi xe đạp, marathon; giải trí, mua sắm sang trọng; ẩm thực; chụp ảnh nhanh; thu hút người nổi tiếng và du lịch chữa lành. Nhóm sản phẩm sự kiện thông minh (gồm MICE, lễ hội sự kiện quốc tế, nghệ thuật, công nghệ biểu diễn, hoa hậu thế giới, thời trang) và nhóm sản phẩm du lịch văn hóa và di sản thông minh (bảo tàng, di sản di tích, tôn giáo, ẩm thực địa phương, trải nghiệm chế biến, tình nguyện viên, sinh thái, trải nghiệm đời sống bản địa).
Về không gian phát triển, theo khu vực có sự kết nối bổ trợ liên hoàn. Theo đó, nhóm dự án đẳng cấp, sang trọng ở khu vực Chí Linh, Cửa Lấp, dọc trục đường 3/2, kết nối với Bãi Sau, Thùy Vân, mũi Nghinh Phong; phát triển các trung tâm du lịch sinh thái chất lượng cao ở khu vực Long Sơn - Gò Găng; sản phẩm giải trí, thể thao các tuyến đường dọc biển, khu vực Núi Lớn, Núi Nhỏ; nhóm sản phẩm sự kiện thông minh ở vị trí sân bay quân sự hiện hữu, bãi Thùy Vân, Bãi Trước, Bãi Sau; trải nghiệm văn hóa địa phương, vị trí các tuyến đường Thống Nhất, Ba Cu, công viên Bãi Trước, chợ truyền thống, Nhà Lớn.
Nhóm nghiên cứu cũng đề xuất 32 dự án theo nhóm sản phẩm và lộ trình với 3 giai đoạn 2024-2030, 2030-2040 và 2040-2050.
Cần tư duy đột phá
Ông Lê Xuân Tươi, nguyên Bí thư Thành ủy Vũng Tàu cho rằng, cần xác định điểm chính, đặc sắc, sản phẩm chủ lực tránh tình trạng xây dựng sản phẩm nhưng không kiên trì bồi đắp cho sản phẩm ngày càng tốt hơn. Ngoài bảo tồn những giá trị cổ, kiến trúc, công trình tôn giáo, di tích lịch sử nhưng TP. Vũng Tàu cũng phải phát triển những giá trị mới.
KTS. Nguyễn Đức Lập, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nêu quan điểm, cần tư duy đột phá, sáng tạo, mạnh dạn khai thác view biển, lấn biển bằng 1-2 công trình kiến trúc điểm nhấn. Tuyệt đối không sao chép kiến trúc mà phải thể hiển bản sắc văn hóa bản địa trong công trình kiến trúc vì du khách quốc tế rất thích nét đặc sắc riêng của địa phương.
Một số ý kiến nhấn mạnh đến giá trị cốt lõi làm nên du lịch chất lượng cao, đẳng cấp. Nói đến thành phố du lịch đẳng cấp quốc tế thì những giá trị cấu thành phải là tổng thể nhiều yếu tố an ninh, khí hậu, môi trường xã hội tốt, giao thông, văn hóa bản địa, hạ tầng tốt và không thể thiếu sản phẩm du lịch. Vũng Tàu có rất nhiều di tích văn hóa lịch sử, nên định hướng khai thác giá trị các di tích này như thế nào để trở thành sản phẩm du lịch thu hút được khách quốc tế. Ông Phạm Văn Triêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu gợi ý, Vũng Tàu có trận địa pháo cổ lớn nhất Đông Dương trên các đỉnh núi kết hợp với Bảo tàng Vũ khí cổ nếu được định hướng khai thác thì không chỉ là sản phẩm độc đáo của cả nước mà còn đẳng cấp thể giới. Bên cạnh đó, hình thành làng văn hóa dân tộc bám theo địa hình các ngọn núi cũng là yếu tố hấp dẫn thu hút khách quốc tế.
Bài, ảnh: Đăng Khoa