Du lịch trải nghiệm, xê dịch khám phá đang ngày càng trở thành xu hướng phổ biến, tạo động lực thúc đẩy các ngành, lĩnh vực liên quan tới du lịch phát triển. Nhiều địa phương, điểm du lịch, văn hóa đã chú trọng những điểm nhấn bằng cách xây dựng các điểm "check in", biểu tượng du lịch, văn hóa đặc sắc, hấp dẫn, thu hút du khách.
Mới đây, một xã thuộc huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định đã đầu tư 500 triệu đồng xây dựng công trình thiết kế đẹp mắt với biểu tượng hai bàn tay chụm vào nhau, tạo hình trái tim ở vị trí nhìn ra khung cảnh núi đồi hùng vĩ. Công trình trở thành điểm "check in" thu hút nhiều người dân trong vùng đến thưởng ngoạn, chụp ảnh lưu niệm. Điểm "check in" này lan tỏa trên mạng xã hội đã nhận được sự quan tâm của giới trẻ, khách du lịch thích khám phá. Nhiều tài khoản mạng xã hội ngợi khen, bày tỏ nhất định sẽ đến điểm “check in” mới lạ, độc đáo này.
Đầu tháng 6 vừa qua, TP Hồ Chí Minh tổ chức chương trình lễ hội sông nước quy tụ nhiều loại hình văn hóa đặc sắc dựa trên tiềm năng đô thị sông nước với hàng nghìn con sông, kênh, rạch có bề dày lịch sử, văn hóa đặc sắc, phong phú.
Lễ hội đã tỏa sáng, trở thành biểu tượng du lịch đô thị sông nước độc đáo, thu hút khoảng 4,5 triệu lượt người tương tác, 1,3 triệu du khách, trong đó có 121.000 du khách quốc tế, doanh thu dịch vụ đạt hơn 4.250 tỷ đồng. Để có dấu ấn đột phá đó là nhờ sự đầu tư đồng bộ, có chiều sâu của nhiều ban, ngành, hội tụ những tinh hoa, đặc sắc văn hóa được giới thiệu, biểu diễn.
Điểm “check in”, biểu tượng du lịch độc đáo, đặc sắc đặt trong không gian, môi trường văn minh, mến khách, an toàn sẽ tạo sức hút du khách lựa chọn điểm đến. Ảnh minh họa: toquoc.vn
Lâu nay, việc xây dựng các điểm “check in”, biểu tượng du lịch như giải pháp chính giúp đẩy mạnh phát triển du lịch được nhiều địa phương quan tâm, đầu tư. Nhưng có thực tế là, không ít nơi, sau khi hoàn thành không tạo được sức hút, ấn tượng đối với người dân địa phương và du khách vì thiếu sự đầu tư, nghiên cứu kỹ lưỡng, hình ảnh, mô hình, biểu tượng thiếu sáng tạo, mô phỏng máy móc, dễ dãi, gây phản cảm, lãng phí nguồn lực. Du khách đi qua cổng chào, dạo quanh các mô hình biểu tượng lại phải chứng kiến sự ô nhiễm môi trường, mất an toàn, trật tự không được bảo đảm...
Có nơi làm điểm "check in" đẹp mắt nhưng lại không phản ánh đặc trưng du lịch, văn hóa địa phương; chưa đồng bộ với yếu tố văn hóa, môi trường du lịch, không quan tâm xây dựng đời sống đặc trưng văn hóa của người dân gắn với biểu tượng du lịch nên gây thất vọng với du khách.
Điểm nhấn “check in” hay biểu tượng du lịch, văn hóa là niềm tự hào của mỗi địa phương, vùng đất. Việc đầu tư không chỉ chăm chút những tiểu cảnh, mô hình, công trình mang tính biểu tượng đẹp, cuốn hút mà đó còn là những yếu tố, bản sắc văn hóa truyền thống như làng gốm, làng dệt, làng tranh... gắn với không gian phong cảnh biển, rừng đặc sắc, lịch sử, văn hóa truyền thống, môi trường an toàn, văn minh...
Quá trình xây dựng cần được tính toán kỹ lưỡng, rộng mở ý kiến và đồng thuận của người dân địa phương, gắn với đặc trưng văn hóa, lịch sử; đồng bộ về thái độ văn minh, ứng xử với khách du lịch, quản lý thị trường không để xảy ra hét giá, cướp giật, móc túi; kết nối đồng bộ các điểm đến theo chuỗi du lịch liên kết mang lại trải nghiệm thú vị cho du khách.
Điểm “check in”, biểu tượng du lịch độc đáo, đặc sắc đặt trong không gian, môi trường văn minh, mến khách, an toàn sẽ tạo sức hút du khách lựa chọn điểm đến. Du khách đến một lần sẽ mong được quay trở lại trên hành trình khám phá, trải nghiệm, qua đó giúp địa phương, điểm du lịch tự hào về biểu tượng du lịch, văn hóa, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Đặng Trung Kiên