Cao Bằng: Trùng Khánh phát triển du lịch sinh thái và cộng đồng

Cập nhật: 17/06/2024
Với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và bản sắc văn hóa độc đáo của nhiều dân tộc, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng đang ngày càng hấp dẫn du khách, tạo điều kiện cho loại hình du lịch sinh thái và cộng đồng phát triển.

Nơi hội tụ nhiều tiềm năng phát triển du lịch

Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Trùng Khánh Lương Văn La cho biết: Tiềm năng du lịch của huyện rất lớn, đặc biệt là du lịch sinh thái và cộng đồng. Trùng Khánh là vùng đất có bề dày lịch sử và gìn giữ được nét văn hóa độc đáo của dân tộc, được thiên nhiên ban tặng vẻ đẹp hùng vĩ, về địa hình, khí hậu, cảnh quan, hệ sinh thái có sức hấp dẫn du lịch đặc biệt, hội tụ nhiều đặc điểm để phát triển du lịch. Huyện có nhiều danh thắng nổi tiếng thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, Mắt Thần núi và nhiều phong cảnh thiên nhiên đẹp như: sông Quây Sơn, sông Bắc Vọng, hồ Bản Viết, các cánh đồng Phong Nặm, Ngọc Khê, Ngọc Côn dọc hai bên bờ sông Quây Sơn và các địa danh nổi tiếng có thể phát triển du lịch sinh thái. Ngoài ra, huyện nằm trọn trong vùng Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng, bản sắc văn hóa của các dân tộc được giữ gìn và phát huy như làng văn hóa dân tộc Tày xóm Khuổi Ky, xã Đàm Thủy, cùng với các giá trị về văn hóa ẩm thực, văn hóa phi vật thể như các làn điệu dân ca Dá Hai, Sli Giang, Hà Lều, Phong Slư, hát Then, hát Lượn... để phát triển du lịch cộng đồng.

Hiện nay, trên địa bàn huyện có 15 di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng, trong đó có 4 di tích quốc gia (thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, xã Đàm Thủy; Địa điểm Đài tiếng nói Việt Nam tại hang Ngườm Chiêng (1966 -1978), thị trấn Trùng Khánh và Mắt Thần núi, xã Cao Chương). Có 10 lễ hội (thác Bản Giốc, đền Hoàng Lục, Co Sầu, Cầu mùa, Lồng tồng, Háng Tán, Thanh minh, Miếu Long Vương), thu hút du khách thập phương đến tham quan du lịch, khám phá vùng đất, con người, văn hóa, đặc biệt là phong tục, tập quán của người dân bản địa.

Hướng đi mới trong phát triển du lịch

Phó Chủ tịch UBND huyện Trùng Khánh Chu Thị Vinh nhận định: Hướng đi của du lịch huyện trong thời gian tới là khai thác du lịch sinh thái và cộng đồng; trong đó, sẽ tập trung đẩy mạnh du lịch cộng đồng. Thông qua du lịch cộng đồng, nét văn hóa độc đáo của nhân dân các dân tộc được bảo tồn. Hiện, huyện đang xây dựng cơ chế, chính sách thu hút và hỗ trợ phát triển các dịch vụ du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư các cơ sở lưu trú với các loại hình dịch vụ tiện ích, phong phú đa dạng và các mô hình homestay. Hiện nay, huyện có 1 làng du lịch cộng đồng ở xóm Khuổi Ky, xã Đàm Thủy, có 22 dịch vụ lưu trú homestay. Du khách, đặc biệt là khách nước ngoài rất thích với loại hình du lịch homestay tại đây, vừa trải nghiệm, vừa sinh hoạt, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với người dân bản địa. Ngoài ra, huyện có 13 khách sạn, 19 nhà nghỉ đạt tiêu chuẩn.

Khách du lịch tham quan, trải nghiệm tại các điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện Trùng Khánh.

Huyện xây dựng các sản phẩm du lịch mang đậm văn hóa đặc trưng của địa phương. Chỉ đạo các xã, thị trấn đăng ký mỗi xã một sản phẩm OCOP một cách đồng bộ, tập trung vào các sản phẩm: gạo nếp ong, cam, quýt, vịt cỏ, tương, rượu nếp Ong - hạt dẻ và các sản phẩm đan lát, các sản phẩm, ẩm thực đặc trưng của địa phương. Huyện duy trì các làn điệu hát lượn Then, Sli Giang, Dá Hai, Hà Lều...; thành lập các câu lạc bộ hát dân ca tại các xã, thị trấn. Đến nay, huyện thành lập 67 câu lạc bộ dân ca với 1.349 thành viên, 7 đội văn nghệ quần chúng với 163 thành viên, 1 đội Dá Hai với 24 thành viên...

Đẩy mạnh đầu tư, nâng cấp các điểm du lịch hiện đang hoạt động như: lắp đặt đèn Led chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời tại các xã, thị trấn: Đoài Dương, Cao Chương, Quang Hán, Xuân Nội, Quang Trung, Tri Phương, Chí Viễn, Phong Châu, Đức Hồng, Đàm Thủy, Thị trấn; trồng cây xanh tại các xã Đàm Thủy, Chí Viễn, thị trấn Trùng Khánh. Phối hợp với Ban Quản lý Công viên địa chất Non nước Cao Bằng xây dựng điểm ngắm cảnh tại danh lam thắng cảnh Mắt Thần núi, xã Cao Chương. Lắp đặt biển chỉ dẫn, bia di tích, cột cờ tại Di tích lịch sử Địa điểm Đài tiếng nói Việt Nam tại hang Ngườm Chiêng, thị trấn Trùng Khánh; sửa chữa một số hạng mục tại đền Hoàng Lục, xã Đình Phong... Bên cạnh đó, huyện tập trung tuyên truyền, quảng bá du lịch; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, tổ chức tham quan học tập tại các địa phương, đơn vị trong và ngoài tỉnh về khai thác phát triển du lịch...

Với những tiềm năng hiện có cùng sự quyết tâm của chính quyền địa phương và người dân, du lịch Trùng Khánh đang là một điểm đến hấp dẫn và thu hút du khách gần xa. Năm 2023, tổng lượt khách du lịch đến Trùng Khánh đạt 923.339 lượt khách, đạt 184,6% kế hoạch, tăng 323.938 lượt so với năm 2022. 2 tháng đầu năm 2024, huyện thu hút trên 100.000 lượt khách du lịch, đạt 20% kế hoạch năm. Thời gian tới, huyện tiếp tục xây dựng các làng, bản văn hóa của đồng bào dân tộc, phục dựng các lễ hội, nét văn hóa truyền thống của đồng bào trên địa bàn huyện. Đẩy mạnh quảng bá hình ảnh và phát triển du lịch, thông qua các sản phẩm du lịch đặc trưng; không ngừng làm tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đồng thời mở ra hướng đi mới trong phát triển du lịch, dịch vụ, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

P.V

Nguồn: Báo Cao Bằng - baocaobang.vn - Đăng ngày 16/6/2024