Nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh với hơn 43km đường biên giới đất liền, huyện Bình Liêu có hơn 96% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó, dân tộc Tày chiếm hơn 50%. Huyện được coi là một trong những địa phương có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao nhất cả nước. Vốn văn hóa phong phú của đồng bào các dân tộc thiểu số mà Bình Liêu có được thật sự là một kho tàng quý báu, trong đó có then Tày mà Bình Liêu là đại diện đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia năm 2013.
Huyện Bình Liêu, vùng phên dậu của Tổ quốc. Ảnh: Ái Vân
Năm 2019, Di sản thực hành then của người Tày, Nùng, Thái được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là tiền đề để địa phương và cộng đồng dân tộc Tày ở Bình Liêu tiếp tục thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và phát huy vốn di sản quý giá này. Then có nguồn gốc từ lâu đời, trải qua hàng trăm năm, tín ngưỡng này vẫn tồn tại và phát triển trong đời sống cộng đồng dân tộc Tày ở Bình Liêu nói riêng và các dân tộc Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam nói chung. Bên cạnh những điểm tương đồng với then của các nhóm người Tày, Nùng, Thái, then Bình Liêu có nhiều nét khác biệt như lời then ít, các lời pha tiếng Kinh cũng ít, thực hành đơn giản, mộc mạc nhưng đấy cũng là nét đặc sắc riêng làm nên ý nghĩa và giá trị lịch sử của then Tày Bình Liêu.
Chính sự khác biệt ấy, then Bình Liêu không chỉ tạo thành giá trị đặc sắc riêng có của địa phương, mà còn là dấu ấn quan trọng để tạo ra sự đa dạng trong loại hình tín ngưỡng này. Then Bình Liêu gồm hai hình thức sinh hoạt chính là then nghi lễ và then văn nghệ. Khi thực hành lễ then, ngoài vẻ đẹp của ca từ, giai điệu, âm thanh, còn có vẻ đẹp của vũ đạo, của trang phục và đạo cụ. Trong các nghi lễ thể hiện nét tinh hoa và tài khéo léo của nghệ nhân trong chế tác hay thực hành. Về nhạc cụ, then dùng tính tẩu, hay còn gọi là đàn tính, là một loại nhạc cụ 2 dây để đệm và hướng dẫn âm điệu và người hành lễ còn có thể mang thêm chùm sóc nhạc đều đều. Phát huy giá trị âm nhạc của các làn điệu then dễ đi vào lòng người. Một số trích đoạn then cổ đã được mang lên sân khấu để đáp ứng đời sống văn hóa tinh thần của đông đảo công chúng ở các hội thi, hội diễn liên hoan. Việc thực hành then phục vụ du lịch là một trong những định hướng góp phần bảo tồn và phổ biến các giá trị văn hóa tâm linh của tập quán xã hội và tín ngưỡng này đáp ứng nhu cầu hiểu biết về văn hóa tộc người của du khách trong đời sống hiện đại.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vương Toàn, Chủ nhiệm chương trình Thái học Việt Nam cho biết: "Người Tày ở đây vẫn giữ được nét cổ, đơn sơ, nguyên bản và chúng ta rất cần giữ gìn những giá trị đó. Nếu trong du lịch cộng đồng, người dân tộc Tày đứng ra phục vụ, giới thiệu cho du khách hiểu về ngôn ngữ của họ, có khách nước ngoài mà đồng bào dân tộc nói được tiếng nước ngoài thì tuyệt vời. Khi đó, chúng ta sẽ khai thác những câu chuyện về sự tích, dòng sông, dòng suối để tạo ra những điểm nhấn hấp dẫn du khách"...
Còn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Yên, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn tín ngưỡng Việt Nam chia sẻ: "Mình phải khai thác, phát huy những giá trị lịch sử, tức là bảo tồn giá trị văn hoá truyền thống. Ví dụ: Bảo tồn văn hóa truyền thống chính là bảo tồn nghi lễ then cổ truyền. Ở đây, rất nhiều các ông then, bà then còn lưu giữ được những giá trị văn hóa tộc người, như bảo tồn ngôn ngữ cổ trong lời then, hoặc nghi lễ then tồn tại thì đó cũng là cách bảo tồn ngôn ngữ tiếng Tày. Chúng ta cần phát huy, bảo tồn giá trị đó trong phát triển du lịch".
Một buổi sinh hoạt của CLB hát then, đàn tính của xã Chang Nà, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Ái Vân
Còn với then mới, hay còn gọi là then văn nghệ, ra đời từ đầu thế kỷ 20 cùng với phong trào đặt lời mới dựa trên chất liệu mang nội dung then cổ từ một hình thức nghi lễ, then đã phát triển thành một hình thức văn nghệ dân gian. Nội dung then mới cổ động phát triển kinh tế, xây dựng nếp sống văn hóa, ca ngợi tình yêu đôi lứa, tình nghĩa vợ chồng, tình yêu quê hương đất nước, chống các tệ nạn xã hội... Kỹ thuật chơi đàn tính kết hợp với chùm sóc nhạc và sự cầu kỳ, phức tạp trong diễn tấu cho thấy khả năng điêu luyện đạt tới trình độ cao. Then là sự tích hợp những giá trị văn hóa trong nghệ thuật dân gian đặc sắc, dưới sự sáng tạo tài tình của nghệ nhân then Tày nói riêng và đồng bào Tày nói chung. Từ hàng ngàn năm, những sáng tạo ấy đã trở thành nghệ thuật đỉnh cao của dân tộc Tày, trở thành bản sắc văn hóa của người Tày.
Nghệ nhân Tô Đình Hiệu, Phó Giám đốc Trung tâm Thể thao và Văn hóa huyện Bình Liêu cho biết: "Để các nghệ nhân có cơ hội được mang then đến với du lịch và mang du lịch đến với then, chúng tôi đã xây dựng những tiết mục then đàn tính, những làn điệu then cổ để nâng cao làn điệu then lên một tầm cao mới nhưng vẫn giữ được nét đặc trưng riêng có của then Tày và phát triển thành sản phẩm công nghiệp dựa trên giá trị then Tày ở Bình Liêu. Có thể khẳng định, then Tày đóng vai trò như một đại sứ văn hóa, góp phần quảng bá vùng đất, con người và văn hóa của Bình Liêu cũng như tỉnh Quảng Ninh đến với bạn bè trong nước và quốc tế".
Các xã, thị trấn của huyện Bình Liêu đều có câu lạc bộ (CLB) then, CLB văn nghệ, những CLB này đã góp phần không nhỏ trong việc xây dựng và phát triển đời sống văn hóa cơ sở, bảo tồn và phát huy giá trị then Tày truyền thống. Ngày nay, mặc dù lời then được các nghệ nhân đặt lời mới, cải tiến nhạc để dễ thực hành và biểu diễn trên sân khấu, nội dung phản ánh sinh hoạt, tình cảm, mang hơi thở cuộc sống của đồng bào gắn liền với thiên nhiên miền núi... Trước sự giao thoa, xâm lấn của văn hóa ngoại lai, then nghi lễ đang đứng trước nguy cơ mai một. Để bảo tồn then Tày, hiệu quả nhất vẫn là đưa loại hình này vào sinh hoạt trong những CLB.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Hạnh, Bí thư Huyện ủy Bình Liêu cho biết: "Để bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật then Tày, Bình Liêu đã có những giải pháp tổng thể, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Giá trị then Tày ở Bình Liêu có ý nghĩa không chỉ đối với việc phát triển đời sống văn hóa, ổn định chính trị, phát triển kinh tế của địa phương, mà còn đóng góp một phần vào việc gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc Việt Nam".
Thời gian tới, huyện Bình Liêu sẽ tiếp tục xây dựng kế hoạch với các mục tiêu nghiên cứu, sưu tầm về then Tày, đặc biệt then tín ngưỡng để hiểu sâu hơn về di sản văn hóa của người Tày ở huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu về âm nhạc mời trầu và các loại hình nghệ thuật liên quan đến then Tày ở Bình Liêu; quảng bá then, thúc đẩy sự phát triển văn hóa cộng đồng. Đồng thời, tăng cường công tác trao truyền, giảng dạy then văn nghệ đối với thế hệ trẻ; phát triển các mô hình du lịch văn hóa liên quan đến then, góp phần vào phát triển kinh tế, xã hội địa phương.
Ái Vân