Văn hóa Hà Giang có những nét riêng mà ít nơi nào có được. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào các dân tộc nơi đây vẫn đang được gìn giữ và phát huy. Đây chính là những tiềm năng, lợi thế trong việc đẩy mạnh phát triển ngành du lịch Hà Giang.
Hà Giang là tỉnh cực Bắc của Tổ quốc, nơi có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và nền văn hóa đa sắc màu. Với 19 dân tộc anh em là 19 mảng màu sắc khác nhau, hòa quyện lại tạo thành một bức tranh tổng thể rực rỡ sắc màu trong tổng thể nền văn hóa Việt Nam.
Hà Giang đã hình thành 3 không gian du lịch với những đặc trưng khác nhau. Thứ nhất, đó là không gian du lịch đồi núi thấp (thành phố Hà Giang, huyện Bắc Mê, Vị Xuyên, Bắc Quang) gắn với sản phẩm du lịch thương mại, du lịch nông nghiệp và đặc biệt là sản phẩm du lịch văn hóa, sinh thái và du lịch lịch sử, tâm linh.
Thứ hai, không gian du lịch đồi núi đá phía Bắc (huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc) là vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn và cũng là khu vực phát triển du lịch trọng điểm của tỉnh. Đây là vùng đã được quy hoạch xây dựng để trở thành khu du lịch quốc gia, gắn liền với sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch trải nghiệm và thể thao mạo hiểm.
Du khách tham quan Dinh thự họ Vương tại Hà Giang
Thứ ba, không gian du lịch đồi núi đất phía Tây (huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần, Quang Bình) gắn với di tích danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, được biết tới với sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và du lịch nghỉ dưỡng.
Ngoài ra, Hà Giang còn có rất nhiều di tích, danh thắng được xếp hạng, có nhiều làng nghề và sản phẩm truyền thống danh tiếng, cơ sở vật chất phục vụ cho du lịch cũng ngày càng được nâng cấp.
Là một tỉnh miền núi biên giới, đa sắc màu văn hóa dân tộc, Hà Giang xác định vấn đề bảo tồn văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh văn minh, khơi dậy giá trị văn hóa để phát triển kinh tế - xã hội xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc là nhiệm vụ quan trọng.
Hà Giang đã tổ chức kiểm kê nhận diện được 131 di sản văn hóa vật thể, 446 di sản văn hóa phi vật thể. Toàn tỉnh Hà Giang có 61 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh được xếp hạng các cấp, trong đó có 31 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 30 di tích được xếp hạng cấp tỉnh.
31/61 di tích xếp hạng đã được trùng tu, tu bổ và tôn tạo. Các di tích sau khi được tu bổ, tôn tạo đã cơ bản khắc phục được tình trạng xuống cấp, đảm bảo an toàn lâu dài cho công trình, đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân. Nhiều di tích sau khi được tu bổ đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn, thu hút khách tham quan trong và ngoài tỉnh.
Hà Giang trở thành điểm đến thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước
Về di sản văn hóa phi vật thể, toàn tỉnh đã có 30 di sản được ghi danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Di sản văn hóa thực hành Then Tày, Nùng, Thái của 11 tỉnh, thành, trong đó có Hà Giang được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Thực hiện các kế hoạch, đề án của tỉnh, 16 làng văn hóa du lịch cộng đồng đã và đang được đầu tư theo hướng vừa bảo tồn văn hóa, vừa nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang: Với chủ trương "Lấy văn hóa để phát triển du lịch, lấy du lịch để bảo tồn phát triển văn hóa", xem di sản văn hóa là tài nguyên du lịch có giá trị đặc biệt để khai thác tạo ra các sản phẩm du lịch hấp dẫn, tỉnh từng bước phát huy giá trị văn hóa, góp phần tích cực thu hút du khách.
Nhờ đa dạng hóa các sản phẩm du lịch cộng với các hoạt động tuyên truyền, quảng bá nên trong những năm gần đây, Hà Giang thành điểm đến hấp dẫn du khách. Năm 2023, ước tổng lượng khách du lịch đạt 3 triệu người. Hà Giang cũng được nhiều tổ chức, tạp chí uy tín bình chọn là điểm đến hấp dẫn, mới đây nhất, Tổ chức World Travel Awards 2023 (WTA) đã vinh danh, trao giải thưởng “Hà Giang điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á” năm 2023.
Tờ New York Times (Mỹ) xếp Hà Giang vào top 25/52 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới. Hà Giang cũng được ghi danh trong nhiều bảng xếp hạng của các tạp chí, tổ chức về du lịch trong và ngoài nước.
Năm 2023, Hiệp hội Văn hóa và Ẩm thực Việt Nam cũng đã vinh danh 3 món ăn của Hà Giang đó là phở ngô, cá bỗng và cháo ấu tẩu.
Cao nguyên đá Đồng Văn lần thứ 3 trở thành thành viên Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO. Những thành tựu này đã giúp ngành du lịch Hà Giang nổi bật, tạo ấn tượng mạnh mẽ trên bản đồ du lịch khu vực và thế giới.
Để bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch thời gian tới, Hà Giang xác định tăng cường tuyên truyền ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo tồn di sản văn hóa, từng bước tham gia quản lý, khai thác các lợi ích kinh tế từ du lịch. Hà Giang chú trọng đầu tư, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh tiêu biểu; nghiên cứu phục dựng lễ hội, hình thức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, định hướng chọn lọc một số lễ hội xây dựng thành lễ hội tiêu biểu của vùng để thu hút du khách.
Đồng thời, tỉnh tiếp tục phát huy hiệu quả giá trị văn hóa truyền thống, phát triển du lịch cộng đồng để góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi, bảo tồn di sản văn hóa truyền thống, xóa đói giảm nghèo cho người dân đồng thời xây dựng đa dạng các sản phẩm du lịch, tạo thêm trải nghiệm. Có thể nói là trong điều kiện của một tỉnh còn khó khăn nhưng Hà Giang đã chọn hướng đi dựa trên giá trị bản sắc văn hóa để phát triển du lịch, tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng./.
Hạ Vân