EU cam kết 100 tỉ euro đối phó biến đổi khí hậu

Cập nhật: 02/11/2009
Sáng 30/10/2009, Hội nghị thượng đỉnh Liên minh Châu Âu (EU) cuối cùng đã đưa ra được mục tiêu cụ thể về quỹ chống biến đổi khí hậu, theo đó sẽ cấp 100 tỉ Euro mỗi năm vào năm 2020 để giúp các nước nghèo đối phó với sự ấm lên toàn cầu. Đây là kết quả đạt được sau các cuộc đàm phán căng thẳng, kéo dài suốt đêm 29/10 tại Brussels.

Song, các quốc gia thành viên EU vẫn chưa đạt được nhất trí về tỉ lệ đóng góp cho quỹ tài chính này. Khối 9 quốc gia Đông Âu trong EU - đứng đầu là Ba Lan - cho rằng, việc họ phải góp phần tương tự như các nước giàu ở Tây Âu là không công bằng.

Theo Bộ trưởng Tài chính Ba Lan Jacek Rostowski, EU sẽ không có được thoả thuận trên, nếu các nước giàu hơn không chịu góp phần lớn hơn. Các nước Đông Âu thậm chí tuyên bố thà ra khỏi hội nghị EU tay trắng, còn hơn là bị "cưỡng bức" đồng ý cung cấp hàng tỉ Euro cho thỏa thuận này.

Bộ trưởng Ba Lan Rostowski cho rằng các quốc gia Đông Âu nên được đóng góp theo sức của họ, chứ không phải theo tỉ lệ ô nhiễm mà họ gây ra. "Những quốc gia như Bulgaria và Latvia thậm chí còn nghèo hơn cả Brazil, nên không thể kỳ vọng họ giúp Brazil trong việc chống biến đổi khí hậu" - ông nói.

Cho đến nay, Đức - quốc gia giàu mạnh nhất trong EU - vẫn từ chối đưa ra con số đóng góp cụ thể. "EU đã công bố mục tiêu của mình, nhưng điều quan trọng là Mỹ và Trung Quốc cũng cần làm rõ họ sẵn lòng đóng góp như thế nào trong cuộc chiến này" - bà Merkel tuyên bố.

Hôm 29/10, Thủ tướng Anh Gordon Brown khuyến cáo các quốc gia phát triển không nên chần chừ trước việc chia sẻ gánh nặng tài chính cho nước nghèo hơn, vì hậu quả biến đổi khí hậu là khôn lường. "Hội nghị thượng đỉnh LHQ về môi trường tại Copenhagen sẽ không mang lại kết quả nào, trừ phi EU có một chương trình ủng hộ tài chính cho hành động cấp thiết toàn cầu về biến đổi khí hậu" - ông Brown cho hay. Uỷ viên Châu Âu phụ trách môi trường - ông Stavros Dimas cảnh báo: "Nếu không có tiền trên bàn đàm phán, các cuộc thương lượng tại Copenhagen sẽ không đạt kết quả".

Thủ tướng Đan Mạch - quốc gia chủ nhà Hội nghị LHQ về biến đổi khí hậu - bày tỏ lo ngại về khả năng đạt được một thoả thuận toàn diện nhằm giảm khí thải nhà kính tại hội nghị vào tháng 12 tới. Tuy nhiên, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon tin tưởng các quốc gia sẽ đạt được một thoả thuận chính trị tại Hội nghị Copenhagen, ngay cả khi không có hiệp ước nào được ký kết. "Nếu các nước đồng ý với cả bốn mục tiêu chính trị, điều đó sẽ là một thành công lớn cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu" - ông cho hay.

Hội nghị thượng đỉnh EU tại Brussels (29-30/10) còn đạt được mục tiêu quan trọng khác là Czech đồng ý thông qua Hiệp ước Lisbon, mở đường cho việc triển khai rộng khắp quy chế mới này ở 27 quốc gia thành viên vào năm tới.

Nguồn: Lao động