Văn hoá đang trở thành nguồn lực phát triển du lịch

Cập nhật: 26/06/2024
Sau gần 4 năm triển khai Dự án về Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch (Dự án 6, Chương trình MTQG 1719) đã từng bước khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS. Việc triển khai Dự án 6 còn tạo đà cho du lịch và thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi phát triển.

Công tác phục dựng, bảo tồn bản sắc văn hóa được thực hiện hiệu quả từ nguồn lực đầu tư triển khai Dự án 6

Phục dựng, bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống

Có dịp được trải nghiệm Ngày hội Háng Pò, xã Thiện Thuật, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn, chúng tôi rất ấn tượng màn trình diễn hát quan lang của đồng bào Tày. Đây là một làn điệu dân ca được hát trong đám cưới của người Tày vừa được ngành Văn hóa phục dựng, bảo tồn.

Ông Lèo Văn Hiệp, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Gia cho biết: Huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với UBND các xã, thị trấn phục dựng những nét sinh hoạt văn hoá đặc sắc của các dân tộc như: Hát cò lẩu của người Nùng, Lễ cấp sắc của người Dao, hát quan lang của người Tày… Việc phục dựng và trình diễn những điệu hát của các dân tộc vừa phát huy giá trị văn hoá đồng thời cũng dựa vào văn hóa để làm sản phẩm du lịch.

Từ nguồn lực đầu tư triển khai Dự án 6 là động lực quan trọng để thực hiện công tác sưu tầm, bảo tồn di sản vùng cao, qua đó làm đa dạng thêm các sản phẩm du lịch cho địa phương nói chung và các huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam nói riêng” - Ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam.

Thực hiện Dự án 6 tại 11 huyện, thành phố, Lạng Sơn đã xây dựng chính sách và hỗ trợ cho 19 Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú người DTTS; hỗ trợ hoạt động cho 140 đội văn nghệ truyền thống tại các thôn vùng DTTS và miền núi; hỗ trợ Ngày hội thi đấu thể thao truyền thống các DTTS tại huyện Đình Lập và Bắc Sơn năm 2023; hỗ trợ đầu tư 18 bộ trang thiết bị văn hóa tại các thôn vùng DTTS… Các câu lạc bộ đi vào hoạt động đã góp phần làm phong phú thêm hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng. Các thiết chế văn hóa được đầu tư đồng bộ, góp phần nâng cao đời sống văn hóa vùng DTTS gắn với phát triển du lịch cộng đồng.

Đối với tỉnh Hòa Bình, thực hiện Dự án 6, năm 2022 và năm 2023, Hòa Bình đã phân bổ gần 46,5 tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí này, tỉnh đã hỗ trợ khảo sát kiểm kê, sưu tầm tư liệu di sản văn hoá 2 cuộc; 1 lễ hội truyền thống; tập huấn 360 lượt người về truyền dạy văn hoá phi vật thể; 5 đội văn nghệ truyền thống tại các thôn bản; 3 điểm hỗ trợ đầu tư xây dựng điểm đến du lịch tiêu biểu; 2 công trình tu bổ, tôn tạo di tích quốc gia; 150 công trình sửa chữa nhà văn hoá, nhà sinh hoạt công trình; hỗ trợ mua sắm thiết bị cho 246 thôn, bản…

Nghề dệt truyền thống được bảo tồn và phát triển

Tạo đà cho du lịch phát triển

Việc khôi phục, bảo tồn một số lễ hội, nghề truyền thống… của đồng bào DTTS đã giúp các địa phương kết hợp khai thác, xây dựng thành sản phẩm phát triển du lịch.

Minh chứng tại tỉnh Quảng Nam đã xây dựng các mô hình: trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa đặc thù các DTTS; bảo vệ văn hóa phi vật thể các DTTS; xây dựng đời sống văn hóa các DTTS. Nổi bật như tại huyện Đông Giang có Khu du lịch sinh thái Cổng Trời, làng du lịch cộng đồng Bhơ Hôồng và Đhrôồng là điểm đến hấp dẫn.

“Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: 2021 - 2025 đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai thực hiện có hiệu quả. Qua đó, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tạo động lực phát triển văn hóa gắn với du lịch, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào DTTS” - Bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định.

Thúy Hồng

Nguồn: Báo Dân tộc và Phát triển - baodantoc.vn - Đăng ngày 23/6/2024