Hà Giang là địa phương có sự tồn tại, phát triển của một loài linh trưởng được xác định là loài cực kỳ nguy cấp của thế giới, đang bị đe dọa tuyệt chủng, đó là voọc mũi hếch. Trong mối đe dọa bị săn bắt, môi trường sống bị thu hẹp, đàn voọc mũi hếch đã và đang được tăng cường bảo vệ với những tín hiệu đáng mừng.
Voọc mũi hếch non được xuất hiện nhiều trong các quần thể ở Hà Giang
Hà Giang có 2 quần thể vọc mũi hếch khả sinh
Theo thông tin của Tổ chức Bảo tồn động, thực vật hoang dã quốc tế (gọi tắt là FFI), hiện tại Hà Giang là nơi duy nhất còn ghi nhận 2 quần thể loài voọc mũi hếch khả sinh. Quần thể voọc thứ nhất và lớn nhất được biết đến tại khu rừng Khau Ca, thuộc Vườn Quốc gia Du Già ở các huyện Bắc Mê và Vị Xuyên. Quần thể này ổn định và tăng từ dưới 90 cá thể năm 2002 lên hơn 160 cá thể năm 2020. Quần thể voọc mũi hếch thứ hai tại khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn thuộc các xã Tùng Vài, Cao Mã Pờ, Tả Ván, huyện Quản Bạ với hàng chục cá thể. Hơn 20 năm qua, FFI và tỉnh Hà Giang đã triển khai rất nhiều hoạt động nhằm bảo vệ và bảo tồn 2 quần thể voọc mũi hếch, đồng thời đều ghi nhận sự sinh sôi của các cá thể non, sự gia tăng về cá thể voọc mũi hếch ở các quần thể.
Hiện nay, Hà Giang đang thực hiện Dự án bảo tồn loài voọc mũi hếch và các loài động, thực vật nguy cấp dựa vào cộng đồng, giai đoạn 2022 – 2025 do Tổ chức FFI và tỉnh Hà Giang phối hợp thực hiện. Dự án có mục tiêu bảo vệ, duy trì nguyên trạng hệ sinh thái rừng là nơi sinh sống của loài voọc mũi hếch, đồng thời bảo tồn các loài động, thực vật nguy cấp quý hiếm khác tại Hà Giang.
Ông Đào Duy Tuấn, Chi cục trưởng Kiểm lâm tỉnh Hà Giang cho biết: Diện tích đất rừng của Hà Giang thuộc vào loại lớn của cả nước, với độ che phủ rừng toàn tỉnh hiện đạt khoảng 59,3%. Cùng với nỗ lực của tỉnh trong công tác bảo vệ, phát triển rừng, sự quan tâm, đầu tư bảo vệ môi trường sống của voọc mũi hếch và các loài động thực vật quý hiếm là một trong những niềm tin cho sự sinh sôi của loài linh trưởng có nguy cơ tuyệt chủng của thế giới.
Cũng theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, việc giám sát đa dạng sinh học trong 6 tháng đầu năm 2024 tại khu rừng Khau Ca tiếp tục phát hiện sự sinh sống, phát triển của đàn voọc mũi hếch cũng như các loài động vật khác... Với sự tài trợ từ các tổ chức nước ngoài, Chi cục Kiểm lâm tỉnh, Hạt Kiểm lâm các huyện trong khu vực và Tổ chức FFI nỗ lực phối hợp triển khai các hoạt động phát triển sinh kế cho người dân tại các xã vùng dự án; phát huy vai trò của các nhóm tuần tra thực hiện dự án nhằm phát hiện những mối nguy cơ gây ảnh hưởng đến sinh cảnh của voọc và các loài động, thực vật nguy cấp; tích cực triển khai công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức bảo vệ rừng, bảo vệ voọc mũi hếch cho cộng đồng.
Đàn voọc mũi hếch hồi sinh
Mẹ con voọc mũi hếch tại khu rừng Khau Ca, thuộc Vườn Quốc gia Du Già (Hà Giang)
Ông Chu Xuân Cảnh, cán bộ của Tổ chức FFI, người có nhiều năm theo dõi về vấn đề bảo tồn loài voọc mũi hếch ở Hà Giang cho biết, đàn voọc ông chụp vào khoảng cuối năm 2023 với tổng số cá thể đếm được khoảng 95 con. Đặc biệt trong lần phát hiện này, có những hình ảnh rất đáng mừng đó là sự xuất hiện rất nhiều cá thể voọc non với khoảng 15 - 20 con non.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Giang, ngày 22/02/2024, lực lượng chức năng cũng đã quan sát được một đàn voọc mũi hếch với 69 cá thể, trong đó có các cá thể voọc non tại Khau Ca. Những hình ảnh đó khẳng định, đàn voọc đang sinh sôi ở khu vực Vườn Quốc gia Du Già, cũng như cho thấy chúng ta đang đạt được những kết quả tích cực về bảo vệ môi trường sống của loài linh trưởng quý hiếm này.
Ông Chu Xuân Cảnh cũng cho biết, với sự phối hợp của FFI và UBND tỉnh Hà Giang trong thực hiện việc bảo tồn loài voọc mũi hếch, theo dõi ước số cá thể voọc mũi hếch tại Hà Giang có khoảng 200 cá thể. Đây là loài đặc hữu của Việt Nam và hiện tại chỉ ghi nhận ở Hà Giang. Trước đây cũng ghi nhận có voọc mũi hếch ở tỉnh Tuyên Quang, nhưng hơn 10 năm nay không thấy xuất hiện voọc mũi hếch ở đó nữa, điều này có thể do môi trường sống bị tác động.
Theo các nhà khoa học, loài voọc mũi hếch thường có hơn 90% thời gian trong ngày ở trên cây, chúng rất hạn chế xuống đất để tránh những mối nguy hiểm. Do sự nhạy cảm đó nên voọc rất kén môi trường sống và dễ rời đi nếu gặp những mối đe dọa đến môi trường sống của chúng. Chính vì thế, sự tồn tại của đàn voọc và những cá thể voọc non ở Hà Giang cho thấy niềm tin, hy vọng về sự sinh sôi của chúng.
Huy Toán