Đánh thức di sản “miền mây trắng”

Cập nhật: 24/09/2024
Ở Thủ đô Hà Nội, bên cạnh văn hóa Thăng Long còn có văn hóa xứ Đoài đồ sộ như ngọn Ba Vì sừng sững. Văn hóa xứ Đoài hợp lưu cùng văn hóa Thăng Long, làm cho văn hóa Thủ đô càng thêm giàu có. Trong cái chung của văn hóa Hà Nội, văn hóa xứ Đoài vẫn giữ nét riêng như ngàn năm nay vẫn thế, nhưng có thêm điều kiện để bảo tồn và phát huy giá trị, và được khai thác, trở thành nguồn lực quan trọng để xây dựng công nghiệp văn hóa.

Miền di sản

Xứ Đoài là từ chỉ vùng đất phía Tây Thủ đô, nơi có đỉnh Ba Vì quanh năm mây trắng. Nhà thơ Quang Dũng, người con của vùng đất này đã viết: “Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm/ Em có bao giờ em nhớ thương”. Trong văn hóa Việt Nam, không phải vùng đất nào cũng coi là vùng đất “văn hiến”. Văn hiến dùng để gọi những vùng đất có truyền thống lịch sử - văn hóa lâu đời, những vùng đất sản sinh ra nhiều danh nhân có những đóng góp to lớn cho đất nước. Xứ Đoài là một trong số ít những miền đất được mọi người từ xưa đến nay coi là một vùng văn hiến.

Một quãng thời gian khá dài, xứ Đoài thuộc tỉnh Hà Tây nên nhiều người đồng nhất Hà Tây với xứ Đoài. Nhưng thật ra, Hà Tây gồm một số địa phương thuộc xứ Đoài và một số địa phương thuộc xứ Sơn Nam Thượng. Xứ Đoài xưa là một vùng rộng lớn nằm về phía tây kinh thành Thăng Long, sau nhiều biến động về hành chính, địa bàn của xứ Đoài (xưa) nay tương ứng với địa giới hành chính các huyện: Quốc Oai, Thạch Thất, Đan Phượng, Hoài Đức, Ba Vì, thị xã Sơn Tây và một phần của các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ hiện nay.

Xứ Đoài được xác định là cái nôi của nền văn minh Việt cổ, nơi có truyền thuyết về Đức Tản Viên Sơn Thánh, một trong Tứ bất tử của người Việt. Những câu chuyện huyền sử về Tản Viên Sơn Thánh gắn với thời đại Vua Hùng, buổi đầu của lịch sử đất Việt.

Cùng với sự phát triển của lịch sử, xứ Đoài trở thành vùng đất văn vật, nơi xuất thân của nhiều vị anh hùng, hiền tài đất nước như các vị Vua Phùng Hưng, Ngô Quyền, các danh nhân: Thái sư Tô Hiến Thành, Thám hoa Giang Văn Minh, Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan...

Những nét chạm khắc trên đình Hạ Hiệp (huyện Phúc Thọ) mô tả hai người chơi cờ, phản ánh sinh động nét đẹp cuộc sống xưa. Ảnh: Công Đạt.

Bề dày văn hóa xứ Đoài còn thể hiện ở số lượng di tích, di sản đồ sộ. Xứ Đoài tập trung hàng loạt di tích quốc gia đặc biệt: chùa Thầy, đình So (huyện Quốc Oai); chùa Tây Phương (huyện Thạch Thất); đền Hát Môn, đình Tường Phiêu, đình Hạ Hiệp (huyện Phúc Thọ); đình Tây Đằng (huyện Ba Vì), đình Đại Phùng (huyện Đan Phượng)… Những công trình này, bên cạnh giá trị lịch sử còn là những “bảo tàng” về kiến trúc và điêu khắc truyền thống; đồng thời cũng là nơi lưu giữ nhiều nét đẹp của làng quê Việt cổ, tiêu biểu nhất là hệ thống đình làng.

Xứ Đoài còn có những di tích thuộc diện “có một không hai”, đó là Thành cổ Sơn Tây - tòa thành đá ong duy nhất ở cả Đông Nam Á, làng cổ Đường Lâm - một trong hai làng cổ của cả nước được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia; chùa Mía (thị xã Sơn Tây) với 287 pho tượng thờ, hiện chiếm kỷ lục Việt Nam về số lượng tượng Phật giáo trong một ngôi chùa; Văn Miếu Sơn Tây - nơi tôn vinh truyền thống hiếu học và khoa bảng xứ Đoài, hệ thống di tích thờ Tản Viên Sơn Thánh.

Nét duyên dáng của mái chùa Tây Phương (huyện Thạch Thất). Ảnh: Lê Thành

Xứ Đoài cũng là nơi có nhiều di sản văn hóa phi vật thể giá trị, nổi bật là tín ngưỡng thờ Tản Viên Sơn Thánh bao phủ cả một vùng rộng lớn dưới chân núi Tản Viên, lễ hội đền Hát Môn (huyện Phúc Thọ), lễ hội đền Và (thị xã Sơn Tây), hát dô (huyện Quốc Oai), hát trống quân (huyện Phúc Thọ), rối nước Chàng Sơn, rối nước Bình Phú (huyện Thạch Thất), múa Mường ở xã Vân Hòa (huyện Ba Vì), ca trù Ngãi Cầu (huyện Hoài Đức), ca trù Thượng Mỗ (huyện Đan Phượng)... Đặc biệt, xứ Đoài nổi tiếng với nhiều làng nghề thủ công mỹ nghệ.

Giáo sư Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam khẳng định: “Xứ Đoài là bức tranh thu nhỏ của văn hóa Việt Nam, nhưng lại chứa đựng những nét đặc sắc riêng có, không thấy ở bất cứ nơi đâu. Văn hóa xứ Đoài là một kho báu vô giá trong dòng chảy văn hóa Việt Nam”.

Giữ gìn bản sắc trong bối cảnh mới

Trong suốt nghìn năm lịch sử, văn hóa xứ Đoài luôn có tác động qua lại với văn hóa Thăng Long. Nhiều danh nhân văn hóa xứ Đoài về kinh đô Thăng Long lập nghiệp, có đóng góp to lớn cho sự phát triển của kinh đô và đất nước. Sự gắn kết này là nguồn gốc của câu ca dao:

"Một vùng trời đất gấm hoa
Nhìn vào quê lụa, nhìn ra kinh kỳ
Ngàn năm văn vật đâu bì
Hà Tây, Hà Nội đi về có nhau”

Câu ca dao này nói về sự song hành của hai vùng văn hóa lớn Thăng Long và xứ Đoài cùng các vùng văn hóa thuộc Hà Tây (cũ) trong lịch sử.

Sự gắn kết này bước sang một giai đoạn mới khi năm 2008, thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan, toàn bộ địa giới của tỉnh Hà Tây và một số địa bàn của Vĩnh Phúc, Hòa Bình được sáp nhập vào Hà Nội.

Những chiếc giếng cổ tạo nên những không gian đậm chất quê ở làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây). Ảnh: Nina May.

Việc mở rộng địa giới hành chính Hà Nội làm giàu có thêm văn hóa Thủ đô, nhưng không làm phai nhạt bản sắc xứ Đoài, mà còn giúp vùng văn hóa xứ Đoài được nâng lên một vị thế mới.

Trước khi hợp nhất, Hà Tây (cũ) có 3.053 di tích. Việc tu bổ các di tích được tỉnh quan tâm, song nguồn lực kinh tế còn hạn hẹp. Về với Thủ đô, những khó khăn này được tháo gỡ, khi thành phố phân bổ nguồn lực hỗ trợ các địa phương gìn giữ những di sản quý báu.

Đặc biệt, ngày 8/4/2022, HĐND thành phố ban hành Nghị quyết số 02/NQ-HĐND bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025, phân bổ kế hoạch vốn năm 2022 thực hiện Kế hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập để đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo và một số dự án xây dựng cơ bản nhiệm vụ chi cấp thành phố.

Theo Nghị quyết số 02/NQ-HĐND, thành phố đầu tư tu bổ di tích với nguồn vốn lên tới 14.000 tỷ đồng cho 579 dự án. Trong đó, kết hợp giữa vốn của các địa phương bố trí, kết hợp với vốn bổ sung từ ngân sách thành phố.

Hàng loạt di tích vùng văn hóa xứ Đoài đã được hưởng lợi từ triển khai Nghị quyết này. Ba nhóm di tích được ưu tiên đầu tư, tu bổ gồm: Di tích xuống cấp nghiêm trọng có nguy cơ sụp đổ, Di tích đã được xếp hạng có giá trị cao đang xuống cấp các hạng mục gốc và Di tích cần phát huy điểm đến gắn với phát triển du lịch.

Điển hình như huyện Phúc Thọ, từ khi triển khai Nghị quyết số 02/NQ-HĐND đến nay đã khởi công tu bổ, tôn tạo khoảng 20 di tích, huyện Thạch Thất cũng đạt con số tương tự. Nhờ nguồn lực đầu tư này, hàng trăm di tích xứ Đoài được trả lại vẻ đẹp xưa.

Chùa Thầy (huyện Quốc Oai) vào mùa hoa gạo. (Ảnh: Lê Thành)

Đối với lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, thực hiện Đề án Tổng kiểm kê bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, các di sản văn hóa phi vật thể của xứ Đoài được rà soát, nhận diện và triển khai những biện pháp bảo tồn. Những di sản từng có nguy cơ thất truyền như: hát trống quân ở Phúc Thọ, hát dô ở Quốc Oai… lần lượt hồi sinh. Hoạt động của các phường rối nước Bình Phú, rối nước Chàng Sơn, rối nước Thạch Xá, ca trù Thượng Mỗ… tìm được sức sống mới.

Là một nhà nghiên cứu, nhạc sĩ, đồng thời là một nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc truyền thống, nổi tiếng trong việc khôi phục xẩm và một số loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống khác, nhà nghiên cứu, nhạc sĩ Nguyễn Quang Long đánh giá: “Khi sáp nhập về Hà Nội, cái nôi của văn hóa Thăng Long, vốn quá mạnh về mọi mặt, cho nên nhiều người sợ văn hóa xứ Đoài dần bị lãng quên, phai nhạt. Ở xứ Đoài, những nét văn hóa truyền thống vẫn được quan tâm, bảo tồn và phát huy giá trị”.

Nguồn lực quan trọng của công nghiệp văn hóa

Đến nay, phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây (thị xã Sơn Tây) đã hoạt động được hơn hai năm, nhưng chưa bao giờ giảm sức hút. Tại đây, nhiều sân khấu biểu diễn văn hóa, nghệ thuật được tổ chức đều đặn vào cuối tuần. Phố đi bộ còn là không gian tổ chức các triển lãm nghệ thuật, hàng thủ công mỹ nghệ, các trò chơi dân gian… Tất cả những hoạt động này biến không gian đi bộ quanh Thành cổ Sơn Tây thành không gian văn hóa, du lịch hấp dẫn. Trung bình mỗi tối, không gian đi bộ thu hút khoảng 10 nghìn khách. Vào những dịp lễ lớn, hay tổ chức các sự kiện lớn, phố đi bộ quanh Thành cổ Sơn Tây còn thu hút từ 25 đến 30 nghìn lượt khách. Hoạt động của phố đi bộ cũng giúp cho người dân có thêm thu nhập, góp phần phát triển kinh tế nội thị.

Đình Chu Quyến, một trong những ngôi đình làm rạng danh “Cầu Nam, chùa Bắc, đình Đoài”. (Ảnh: Trần Trung Hà).

Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, nhiều di sản văn hóa của vùng đất xứ Đoài được khai thác, phát huy giá trị, trở thành nguồn lực quan trọng trong phát triển công nghiệp văn hóa, mà phố đi bộ quanh Thành cổ Sơn Tây là một trong nhiều hoạt động. Cùng với Thành cổ Sơn Tây, các di tích như: Làng cổ Đường Lâm, chùa Thầy, chùa Tây Phương, đền Hát Môn… đều trở thành những điểm du lịch hấp dẫn.

Cuộc sống bình yên, dân dã ở làng cổ Đường Lâm (Ảnh: Nina May).

Các di sản văn hóa phi vật thể cũng được “đánh thức” để tham gia vào các hoạt động phát triển công nghiệp văn hóa, nhất là các loại hình lễ hội, nghệ thuật diễn xướng dân gian, ẩm thực... Một trong số đó là vở diễn thực cảnh đầu tiên của Việt Nam - “Tinh hoa Bắc Bộ”. Đây chính là thí dụ điển hình về việc sáng tạo, mang đến cho nghệ thuật dân gian những giá trị mới.

“Tinh hoa Bắc Bộ” có quy mô sân khấu hoành tráng, kỹ xảo hiện đại cùng số lượng diễn viên lên đến 200 người. Trong khung cảnh của làng quê xứ Đoài, đời sống người dân nông thôn xưa được tái hiện, từ những cảnh lao động, sản xuất, lễ hội lẫn cảnh sinh hoạt thường ngày… Điều đó giúp công chúng cảm nhận rõ nét sự mộc mạc, hồn hậu của văn hóa xứ Đoài. Xen giữa những các sinh hoạt ấy là các loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian như múa rối nước, chầu văn... qua sự thể hiện của chính những người nghệ sĩ - nông dân. Vì vậy vở diễn duy trì sức hút với khán giả, nhất là với khách du lịch trong những năm gần đây.

Vở diễn Tinh hoa Bắc Bộ tái hiện và tôn vinh vẻ đẹp cuộc sống làng quê. Ảnh: Công ty cổ phần Tuần Châu Hà Nội

Ngoài những di sản kể trên, nghệ thuật biểu diễn cồng chiêng của đồng bào Mường được đưa vào khai thác trong nhiều tour du lịch; các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian như: Rối nước, ca trù, hát dô… được giới thiệu ở những sân khấu lớn. Cùng với đó, các làng nghề như mộc Chàng Sơn, tạc tượng Sơn Đồng, chuồn chuồn tre Thạch Xá… vừa trở thành điểm đến du lịch, vừa sản xuất nhiều mặt hàng thủ công mỹ nghệ làm quà tặng, đem lại giá trị kinh tế cao.

Mặc dù còn gặp không ít khó khăn, nhất là về nhân lực, giải pháp để biến nguồn lực di sản thành sản phẩm công nghiệp văn hóa, nhưng di sản văn hóa xứ Đoài bước đầu được khai thác đúng hướng, góp phần thay đổi cuộc sống người dân nơi đây; đồng thời, qua phát triển công nghiệp văn hóa, ý thức được nguồn tài nguyên quan trọng này, nhiều di sản được bảo tồn tốt hơn, tạo sức sống lâu bền cho văn hóa xứ Đoài.

Nội dung: Giang Nam - Trình bày: Bảo Minh

Nguồn: Báo Nhân dân - nhandan.vn - Đăng ngày 22/09/2024