Khi triển khai xây dựng các khu đô thị mới, chủ đầu tư phải tiến hành xây dựng đồng bộ công viên, vườn hoa và trồng cây xanh theo quy hoạch chi tiết khu đô thị mới được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Đây là một trong những nội dung của dự thảo nghị định quản lý công viên cây xanh đang được Bộ Xây dựng và Hiệp hội Công viên cây xanh Việt Nam soạn thảo, dự kiến sẽ trình Chính phủ phê duyệt và ban hành vào tháng 12/2009.
Sớm ban hành nghị định về quản lý công viên, cây xanh
17/11 tại Thảo Cầm viên TPHCM, Bộ Xây dựng phối hợp với Hiệp hội Cây xanh Việt Nam tổ chức hội thảo góp ý về dự thảo Nghị định quản lý cây xanh để chỉnh sửa và trình Chính phủ xem xét ban hành.
Theo một thành viên của hiệp hội, vấn đề được được đặt ra là hiện nay nhiều dự án làm đường, dự án khu dân cư đang xâm chiếm dần đất công viên, vườn hoa công cộng. Chủ đầu tư các dự án khu dân cư không trồng cây xanh theo đúng tỷ lệ mảng xanh qui định.
Vì thế, dự thảo nghị định trên nêu rõ, khi xây dựng đường đô thị phải trồng cây xanh đồng bộ với việc xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật. Khi cải tạo, nâng cấp đường đô thị, xây dựng các công trình trên hoặc dưới mặt đất phải có các giải pháp bảo vệ cây xanh.
Về chính sách phát triển công viên, cây xanh đô thị, Bộ Xây dựng và Hiệp hội công viên cây xanh Việt Nam cũng đưa vào dự thảo nghị định này nội dung: chính quyền đô thị có trách nhiệm đầu tư, phát triển công viên, cây xanh sử dụng công cộng.
Kế hoạch đầu tư phát triển công viên, cây xanh và kinh phí thực hiện phải được đưa vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội hàng năm của đô thị.
Trồng thêm cây xanh len lỏi trong từng nhà dân
Trên thực tế, ngoài những tác động đến cảnh quan đô thị và ảnh hưởng xấu đến môi trường, không khí thêm phần ô nhiễm khi mảng xanh mất dần, việc thiếu mảng xanh đô thị đang được các kiến trúc sư cho là một cản trở lớn trong quá trình thiết kế những công trình nhà ở đô thị, các công trình lớn cần sự kết hợp hài hòa giữa bố cục công trình với mảng xanh chung.
Theo kiến trúc sư Khương Văn Mười, Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, trong quy định về xây dựng, các công trình khu vực trung tâm, mật độ xây dựng phải đạt trên 70%, càng dịch chuyển ra xa khu vực trung tâm thì tỷ lệ mật độ xây dựng càng giảm dần. Theo đó, tỷ lệ đất còn lại dùng làm công trình giao thông, cây xanh.
“Đáng tiếc là hiện nay, tại các khu dân cư khu vực trung tâm, mật độ xây dựng hầu như đến 100%, không còn chỗ cho cây xanh”, ông Mười nói.
Từ thực trạng thiếu mảng xanh đô thị, kiến trúc sư Khương Văn Mười cho rằng, chủ nhân của các công trình nhà ở dân dụng có nhận thức tốt về môi trường đều tận dụng triệt để mọi không gian trống để trồng cây xanh len lỏi trong công trình.
Xu hướng chung hiện nay là nhiều nhà thiết kế tư vấn cho chủ nhà làm hàng rào bằng dãy cây xanh. Theo ông Mười, hàng rào bằng bê tông, sắt thép thường làm hỏng không gian chung giữa 2 công trình và thường tốn kém chi phí xây dựng hơn.
Đối với những công trình công cộng như những cao ốc, những chung cư cao tầng, siêu thị, trung tâm thương mại… thì nên quy định những khoảng lùi nhất định để trồng cây xanh.
“Đối với khu vực trung tâm TPHCM như hiện tại, điều quan trọng nhất là bằng mọi giá phải bảo vệ những mảng cây xanh công viên hiện có, khuyến khích người dân trồng thêm cây xanh len lỏi trong các cụm công trình để tạo môi trường sống tốt hơn và đối lưu không khí”, ông Mười nói.