Hải Phòng là khu vực được dự báo bị tác động nặng nề của biến đổi khí hậu, Hải Phòng đang đối mặt với nhiều thách thức trong đối phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) như cơ sở hạ tầng kỹ thuật của thành phố chưa đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường có tính đến yếu tố biến đổi khí hậu và sức ép đảm bảo tốc độ phát triển kinh tế - xã hội nhanh trước sự gia tăng dân số và tốc độ đô thị hoá, công nghiệp hoá - hiện đại hoá cao.
Phát triển cần gắn liền với BVMT và phòng chống BĐKH
Hải Phòng chưa có chiến lược phòng, chống biến đổi khí hậu, kiểm soát khí thải, đặc biệt việc bảo vệ môi trường (BVMT) các nguồn nước ngọt chủ yếu cung cấp cho sinh hoạt và sản xuất (sông Đa Độ, sông Giá, sông Rế) và nước ngầm ở Cát Bà chưa được đầu tư thỏa đáng.
Công tác kiểm soát ô nhiễm môi trường biển, môi trường cảng còn hạn chế, tình trạng nhập khẩu trái phép chất thải nguy hại, thiết bị, công nghệ lạc hậu…và khai thác làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản, suy thoái hệ sinh thái và hủy hoại môi trường biển có xu hướng gia tăng.
Thành phố Hải Phòng lần thứ hai đã được Bộ Tài nguyên&Môi trường cùng Liên hiệp các Hội Khoa học&Kỹ thuật Việt Nam chọn là địa điểm tổ chức lễ mít tinh quốc gia hưởng ứng Ngày Môi trường Thế giới 5/6/2009 với chủ đề “Trái đất cần chúng ta - Hãy cùng nhau chống lại biến đổi khí hậu” và địa điểm đầu tiên của cả nước được chọn hưởng ứng Ngày Đại dương Thế giới 8/6 với chủ đề ‘Chúng ta chỉ có chung một đại dương, một bầu khí quyển và một tương lai’’, để chủ động đối phó có hiệu quả chống lại biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường hướng đến mục tiêu xây dựng Hải Phòng trở thành thành phố công nghiệp, đô thị thân thiện môi trường, văn minh, hiện đại, góp phần thực hiện thành công Kế hoạch tổ chức thực hiện Nghị định Thư Kyoto thuộc Công ước Khung của Liên Hợp quốc về Biến đổi Khí hậu giai đoạn 2007 – 2010, Chương trình Mục tiêu Quốc gia Ứng phó với Biến đổi Khí hậu, Chương trình Nghị sự Phát triển Bền vững Quốc gia Agenda 2.
Tiến ra biển để làm giầu từ biển
Với chủ trương hướng ra biển, làm giàu từ biển, thành phố Hải Phòng định hướng xây dựng vùng biển và ven biển Hải Phòng thành trung tâm kinh tế biển của Vịnh Bắc Bộ và cả nước, thực sự là một động lực quan trọng cho vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ phát triển với tốc độ nhanh.
Theo đó, mục tiêu cụ thể phát triển kinh tế vùng biển và ven biển Hải Phòng đến 2020 phải tăng trưởng bình quân gấp khoảng 1,2 - 1,3 lần mức tăng trưởng của toàn dải ven biển vịnh Bắc Bộ (10 tỉnh thành) và khoảng 1,4 - 1,6 lần vùng ven biển của cả nước, đưa tỷ trọng GDP của vùng ven biển Hải Phòng trong tổng GDP của Hải Phòng đến năm 2020 lên khoảng 35 - 40 % GDP vùng tăng trưởng bình quân 15% năm trong giai đoạn 2006 - 2010 và 16 % năm giai đoạn 2011 - 2020.
Cơ cấu kinh tế vùng chuyển dịch theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp, đạt tương ứng 53 %, 23% và 24% vào năm 2010 và 73%, 19%, 8% vào năm 2020. Hình thành một số ngành sản phẩm mũi nhọn tạo tích lũy lớn và tạo động lực phát triển các ngành khác trong cả vùng phía Bắc và cả nước.
Từ nay đến 2020, kinh tế hàng hải của Hải Phòng tập trung phát triển nhanh, toàn diện hệ thống đội tàu, dịch vụ cảng và dịch vụ hàng hải (đồng bộ với hệ thống cảng và công nghiệp đóng và sửa chữa tàu thủy) theo hướng hiện đại trên cơ sở động viên sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế tạo tiền đề để thuận lợi vươn ra đại dương.
Hải Phòng nhanh chóng phát triển hệ thống cảng tiến ra biển, xây dựng với quy mô lớn, hiện đại có chức năng trung chuyển quốc tế với cảng Đình Vũ, Chùa Vè; Mở luồng mới qua kênh Hà Nam, Lạch Huyện...
Hải Phòng tiếp tục khẳng định là một trung tâm cơ khí tàu thuyền lớn nhất của cả nước, có vị trí ngày càng lớn, vươn ra khu vực và thế giới. Hướng phát triển cơ bản là nhằm vào đóng những tàu có trọng tải ngày càng lớn và các loại tàu chuyên dùng đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Ngoài ra, Hải Phòng còn tập trung đầu tư thiết bị, công nghệ hiện đại cho các hạng mục, các dây chuyền, các khâu có tính đột phá, quyết định đến việc nâng cao năng lực chế tạo. Những năm trước mắt, coi nguồn lực trong nước là chính, nhưng về lâu dài phải tranh thủ được nguồn lực từ nước ngoài.
Để khai thác lợi thế vùng ven biển, bên cạnh việc đầu tư chiều sâu và mở rộng quy mô các ngành kinh tế biển truyền thống, thành phố Hải Phòng chủ trương xây dựng hành lang đô thị - công nghiệp ven biển, xứng đáng là một trọng điểm kinh tế mạnh của vùng vịnh Bắc Bộ, có sức mạnh kinh tế dải ven biển vịnh Bắc Bộ;
Mở rộng không gian thành phố về phía Đồ Sơn, khu vực Tây - Bắc thành phố, Minh Đức - Thủy Nguyên và Kiến An trong phạm vi khoảng 15 - 20km từ nội thành. Xây dựng một số khu phố mới ở Bắc Sông Cấm;
Đầu tư nâng cấp đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng trong khu vực nội thành, cải tạo cảnh quan môi trường sạch đẹp, văn minh và hiện đại phù hợp với chức năng là trung tâm kinh tế, văn hóa của một thành phố mở cửa.
Cùng với đẩy mạnh phát triển kinh tế ven biển, Hải Phòng cũng tiếp tục di dân chất lượng cao ra các đảo. Đồng thời, phát triển kết cấu hạ tầng bằng các loại hình vốn khác nhau, trong đó sử dụng tốt nguồn vốn Biển Đông hải đảo;
Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về biển thông qua việc xây dựng hệ thống luật pháp về quản lý biển trên địa bàn thành phố, hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về biển và nâng cao năng lực của các cơ quan quản lý biển, tổ chức, phối hợp trong công tác quản lý biển với các tỉnh, thành phố khác thuộc vùng vịnh Bắc Bộ.
Ngoài các nhiệm vụ và giải pháp trên, để có thể khai thác tốt tiềm năng, lợi thế to lớn từ biển, thành phố Hải Phòng tập trung động viên cao nhất mọi nguồn lực (vốn, công nghệ, lao động, kỹ thuật..) trong và ngoài thành phố (không phân biệt thành phần kinh tế và hình thức đầu tư) tham gia vào đầu tư phát triển trên địa bàn biển và ven biển thành phố Hải Phòng theo các mục tiêu đã đề ra;
Phát huy tính năng động, sáng tạo, tự chủ của các cá nhân, đơn vị kinh tế trên địa bàn, khuyến khích và hướng họ tham gia tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của vùng biển và ven biển theo các mục tiêu. Đảm bảo sự phối hợp thống nhất, có trật tự trong việc quản lý điều hành của các ngành, các cấp đối với các hoạt động kinh tế biển trên địa bàn.
Cảng Hải Phòng được xếp vào nhóm các cảng quan trọng trong khoảng 536 cảng biển khu vực Đông Nam Á, đồng thời là khu vực thuận lợi cho việc hình thành các cảng biển lớn.