Nằm trên độ cao 700m so với mực nước biển, xung quanh lại có núi đá cao bao bọc, xã Khai Trung trở thành một bình nguyên giữa miền rừng núi trùng điệp của huyện Lục Yên (Yên Bái). Nét riêng có từ buổi khai thiên lập địa ấy đã cho mảnh đất “thâm sơn cùng cốc” này nhiều lợi thế, đặc biệt về du lịch sinh thái.
Qua cầu Bến Lăn, con đường bê tông chếch dần độ cao lên trời. Xe chúng tôi đi trong sự xáo trộn giữa hai cảm giác hiện đại và hoang sơ. Thấp thoáng đâu đó sự kỳ bí của mảnh đất Khai Trung, một cái tên mới nổi bên cạnh những cái tên khác của những tour du lịch ở Yên Bái.
Cổng các bản làng ở Khai Trung hình vòm như một chiếc cầu vồng hiện ra trên đỉnh dốc và cũng từ đây, con đường thoai thoải trườn xuống vùng đất bằng phẳng rồi mất hút trong màu xanh của nương, của ruộng, của cây, của sắc trời, sắc núi.
Điều đầu tiên đến Khai Trung có thể cảm nhận được ngay chính là khí hậu. Gió trời không thể thông thốc thổi vào Khai Trung. Trước khi đến với bình nguyên này, nó phải hòa quyện với khí núi đá trên độ cao lưng chừng, tạo nên cái mát dịu mà không một máy điều hòa nào làm ra được.
Khí hậu ở đây là mẹ đẻ ra màu xanh Khai Trung, sinh sôi những làn da mịn màng, nên tính tình con người hiền dịu, nên hương vị trong từng món ẩm thực. Người Khai Trung cũng giống như những người miền núi khác, không cầu kỳ phối hợp các gia vị khi chế biến món ăn mà cẩn trọng chọn gia vị cho một món ăn. Như món thịt gà, có thể luộc, rang, nấu canh nhưng mỗi món chỉ dùng một loại gia vị. Gà thả ngoài bãi chắc thịt, béo vừa phải, chỉ cần luộc chín tới là dậy hương thơm. Bí quyết lại ở chỗ, khi mổ, người ta không phanh gà, xả nước mà rửa thật sạch bên ngoài rồi mới mổ từ mỏ đến diều rồi moi ruột sao cho khi bỏ ruột ra không một vết máu. Rồi gà được cho vào nồi đã rửa thật sạch, đổ nước, đậy vung bắc lên, trên bếp lửa không một sợi khói. Thật ra cách luộc gà ấy không mới, cái mới là mổ moi chứ không mổ phanh và đã lâu lắm người đô thị không còn được ăn thứ thịt gà thơm nguyên sơ như thế nữa. Gà đã nuôi nhốt, đã cho ăn cám con cò thì có chế biến khéo đến đâu cũng chỉ có thể có kiểu ngon khác, chứ cái hương vị gà tơ, gà thiến, gà mái ghẹ phảng phất trong từng miếng thịt thì đã không còn nữa.
Nói đến món thịt gà phải kể đến món canh gà Khai Trung. Gà làm sạch, chặt ra nấu canh gừng. Mùi gừng thơm cay làm cho mùi thơm dịu của thịt gà dần dần lan tỏa. Canh gà vừa ngon vừa có tác dụng giải cảm, nghe đâu còn là một vị thuốc tăng cường sinh lực, đặc biệt có tác dụng khi trái gió đổi mùa. Thịt lợn, thịt dê, cá bống cũng được chế biến theo nguyên tắc ấy và đó cũng là nét ẩm thực riêng của Khai Trung.
Đến với Khai Trung là đến với vẻ đẹp nguyên sơ, với rừng sồi tự nhiên rộng trên 2ha, những vườn cam trĩu quả, những hang động kỳ thú trên Núi Diêm, Nặm Trọ, Tắc én... Ngoài ra, Khai Trung còn nổi tiếng bởi các sinh hoạt văn hóa. Cũng là câu khắp, câu lượn nhưng âm sắc tiếng Tày của người Khai Trung làm cho câu hát thêm tình tứ thiết tha, điệu múa khăn, múa hoa thêm uyển chuyển.
Tất cả những tiềm năng ấy, nét đẹp văn hóa ấy mới bừng lên từ năm 1999, khi tiềm năng du lịch rất riêng của xã vùng cao này được phát hiện. Ngay lập tức, con đường bê tông “Nhà nước và nhân dân cùng làm” được khởi công. Người Khai Trung không có tiền đóng góp lớn nhưng công thì tháng rộng ngày dài, thu xếp là có được. Thế là công thức: Nhà nước cho xi măng, nhân dân đóng góp cát, sỏi, công, sức được thực thi bền bỉ suốt từ đó đến nay và 16km đường từ Cầu Bến Lăn vào xã đã hoàn thành.
Với 212 hộ, 1.096 khẩu, Khai Trung đã làm cho trên 100ha ruộng nước, 90ha đỗ tương, 30ha lạc, 35ha ngô năng suất ngày càng cao. Mặt khác, Khai Trung đẩy mạnh quy hoạch bảo vệ rừng tự nhiên, rừng khoanh nuôi tái sinh, trồng rừng mới, nuôi cá bống, chăn nuôi đại gia súc. Việc phát triển các hoạt động văn hóa dân tộc cũng chính là nền tảng vững chắc cho du lịch Khai Trung ngày thêm phát triển.