Những cánh rừng ngập mặn ngút ngàn, sự giàu có về đa dạng sinh học với nhiều loài động thực vật quý hiếm là những lợi thế to lớn để phát triển du lịch sinh thái tại Vườn Quốc gia (VQG) Xuân Thủy. Tuy nhiên, những kết quả mà VQG đạt được chưa thực sự tương xứng với thế mạnh và tiềm năng vốn có của mình.
Vùng đất giàu tiềm năng du lịch
Nằm trên địa phận huyện Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định, cách Hà Nội khoảng 150km về hướng Đông Nam, VQG Xuân Thủy được thành lập từ năm 2003. Tổng diện tích của vườn khoảng 7.100ha, trong đó diện tích đất ngập nước vào khoảng 3.100ha, 4.000ha còn lại là đất nổi có rừng, với 14 kiểu sinh cảnh bao gồm sinh cảnh tự nhiên và sinh cảnh nhân tạo.
Vào năm 1989, VQG Xuân Thuỷ là khu ngập nước đầu tiên của Đông Nam Á tham gia Công ước Quốc tế Ramsar (Công ước bảo vệ những vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế, đặc biệt là nơi cư trú của các loài chim nước). Là khu Ramsar đầu tiên của Việt Nam, VQG Xuân Thủy nhận được sự quan tâm đặc biệt của nhiều dự án về bảo tồn và phát triển du lịch sinh thái (DLST)cũng như giáo dục truyền thông. Hệ thống rừng ngập mặn của Vườn điển hình cho hệ sinh thái đất ngập nước ở cửa sông ven biển miền Bắc, bao gồm diện tích đất ngập mặn thuộc các cồn cát cửa sông Vọp như cồn Ngạn, cồn Lu, cồn Mờ và cồn Xanh.
Với địa hình và đặc điểm sinh thái đặc biệt, Xuân Thuỷ trở thành “vườn ươm” sự sống cho hàng nghìn loài sinh vật. Tại đây có tới 120 loài thực vật bậc cao, 107 loài cá, khoảng 500 loài thuỷ sinh, hơn 10 loài thú. Có thể tìm thấy nơi đây nhiều loài động thực vật quý hiếm như mòng biển, mòng két, cá vược, vọp, bần chua, cóc kèn…hay những loại thuỷ sản có giá trị kinh tế như tôm, cua, cá biển, vạng, trai, sò, cá tráp, rong câu chỉ vàng…
Đặc biệt, Xuân Thuỷ còn được biết đến là “sân ga” của khoảng 200 loài chim, trong đó có 9 loài được ghi tên trong sách đỏ như cò thìa, giang sen, cò trắng Trung Quốc, giẽ mỏ thìa, mòng bể mỏ ngắn, choắt mỏ vàng… Đây là nơi có khu hệ chim lớn và phong phú nhất Việt Nam, lúc cao điểm từ tháng 1 đến tháng 3 hằng năm, số lượng chim ở Xuân Thủy lên tới 30-40 nghìn cá thể. Hiện nay, hình thức xem chim tại Vườn đang là mô hình du lịch duy nhất thu hút được một số lượng khách đến tham quan, nghiên cứu và học tập.
Có rừng, có biển với khí hậu trong lành mát mẻ quanh năm, nhiều loại chim quý hiếm, cùng nguồn lợi thủy sản phong phú… Xuân Thủy có đủ sức thu hút du khách trong nước và quốc tế nhưng dường như VQG Xuân Thuỷ vẫn đang “ngủ quên”.
Đầu tư chưa đủ?
Khi trở thành khu Ramsar của thế giới, VQG Xuân Thuỷ đã đón nhận nhiều sự quan tâm của các tổ chức quốc tế thông qua các dự án hỗ trợ bảo tồn.
Năm 1998 -1999, Đại sứ Hà Lan đã tài trợ cho Dự án “Tăng cường năng lực cho Khu Ramsar Xuân Thủy” với tổng kinh phí lên tới 33.000USD. Năm 1999 – 2000, Quỹ Môi trường Toàn cầu - Chương trình Tài trợ Các Dự án Nhỏ (GEF/SGP) đã tài trợ cho Hội Nông dân và Khu Bảo tồn số tiền trị giá 18.000USD trong Dự án "Nâng cao nhận thức và hỗ trợ cộng đồng vùng đệm góp phần bảo vệ đa dạng sinh học ở Khu Ramsar Xuân Thuỷ”. Rồi liên tiếp các dự án tài trợ của Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Nhật bản phối hợp cùng Birdlife; dự án từ Trung tâm Bảo tồn Sinh vật Biển và Phát triển Cộng đồng (MCD); Dự án do Cộng đồng Châu Âu và quỹ McKnight tài trợ, với kinh phí lên đến 100.000USD.
Từ năm 1995 đến nay, với sự hỗ trợ từ Chương trình 327 và 661 của tỉnh Nam Định, Xuân Thuỷ đã được đầu tư trồng mới hàng trăm ha rừng; khoán bảo vệ 500ha rừng ở nơi xung yếu, đầu tư trang thiết bị và cơ sở hạ tầng phục vụ công tác quản lý, bảo vệ...
Trong vòng 6 năm (từ 1996-2002) Vườn quốc gia Xuân Thủy được đầu tư hơn 14 tỷ đồng từ các nguồn trong nước và quốc tế.
VQG Xuân Thủy đã thu hút được nhiều dự án đầu tư của quốc tế cũng như địa phương, song quan sát thực tế cho thấy hiện tại đường giao thông thủy bộ vẫn còn kém chất lượng, chủ yếu là hệ thống đường tạm chạy qua nền đầm lầy, đặc biệt là mùa mưa xe cơ giới đi lại gặp rất nhiều khó khăn. Điện lưới mới chỉ tới khu dân cư tập trung còn các đầm tôm ở Cồn Ngạn vẫn chưa có điện lưới để sử dụng. Hệ thống thông tin liên lạc còn nhiều bất cập, điện thoại viba thường xuyên trục trặc, hệ thống Internet chưa được trang bị… Cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động du lịch thăm quan khám phá VQG còn rất đơn sơ (như phòng thông tin, nhà nghỉ, nhà ăn tại trụ sở vườn...)
Những năm gần đây lượng khách quốc tế đến thăm vườn khoảng 30 - 40 đoàn/năm,với khoảng 100 – 200 lượt người/năm. Phần lớn du khách là những nhà nghiên cứu về sinh học, môi trường; một số du khách đến đây để được tận mắt thấy chim vào mùa di trú. Khách trong nước nhiều hơn, với khoảng 3000-5000 người/năm. Đối tượng chủ yếu là sinh viên, học sinh, cán bộ tham quan và con em địa phương đi xa về thăm quê. Những con số này quá khiêm tốn so với những tiềm năng du lịch hiện có của vườn!
Phát triển DLST không những đem lại nguồn lợi kinh tế cho Vườn và cư dân sống trong vùng đệm mà còn góp phần tích cực vào công tác bảo tồn. Nhiều người trước đây sinh sống bằng nghề săn chim, khai thác thuỷ sản trái phép trong Vườn khi chuyển sang làm du lịch, hoặc tham gia vào đội bảo vệ chim rừng cho VQG vừa có được một nguồn thu nhập ổn định lại không làm tổn hại đến tài nguyên. Thực tế đó đã chứng tỏ DLST là một trong những biện pháp hữu hiệu để giảm sức ép khai tác tài nguyên biển của cư dân vùng đệm Xuân Thủy.
Theo ông Nguyễn Viết Cách, Giám đốc VQG Xuân Thủy, Ban quản lý Vườn sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và nâng cấp, trang bị cho khu du lịch và điểm du lịch bao gồm Trung tâm du khách, bảo tàng động thực vật, khu nhà nghỉ sinh thái, khu vui chơi giải trí; đồng thời đầu tư vào các điểm thăm quan, các tuyến du lịch; đào tạo cán bộ quản lý và nhân viên cho du lịch; tăng cường sự tham gia của cộng đồng địa phương; quảng bá và quản lý du lịch theo hướng bền vững vì mục tiêu xây dựng VQG Xuân Thủy trở thành điểm DLST hấp dẫn, mô hình thành công của vùng đất ngập nước quốc gia và quốc tế.
Dự kiến tổng số vốn đầu tư cho các chương trình hoạt động của vườn giai đoạn 2004-2020 là trên 270 tỷ đồng, trong đó đầu tư phát triển du lịch sinh thái là trên 99 tỷ đồng (chiếm 36% tổng số vốn).
Có thể nói sự thiếu và yếu nhất của du lịch của VQG hiện nay là cơ sở vật chất, kỹ thuật, nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển du lịch, công tác quản lý, tuyên truyền quảng bá hình ảnh và đặc biệt là hệ thống dịch vụ cho ngành du lịch.