Du lịch xanh

Cập nhật: 23/12/2009
Khi nhu cầu đi du lịch được nâng lên một bậc là không chỉ đi chơi, khám phá mà người đi muốn có không gian hòa mình với thiên nhiên, sử dụng phương tiện và sản phẩm thân thiện hơn với môi trường thì một khái niệm mới ra đời: du lịch xanh.

Thay vì chọn xe máy, Lyna và Rich chọn xe đạp làm phương tiện khám phá phố cổ Hội An vì “đi xe máy cũng là một cách làm Trái đất nóng thêm”. Đến từ nước Anh - một quốc gia có hệ thống giao thông với nhiều phương tiện hiện đại - nhưng cả hai cho biết vẫn thường xuyên đi xe đạp những lúc không thật sự gấp. Lyna chọn Hội An vì sự thanh bình của phố cổ và khung cảnh nên thơ của những vùng quê ngoại thành.

“Chúng tôi muốn trải nghiệm, muốn được sống trong sự thanh bình chứ không phải cảnh ồn ào của phố thị. Đây không chỉ đơn thuần là đi du lịch, chúng tôi còn có thể thư giãn và hòa mình cùng cuộc sống nơi đây” - Lyna nói. Còn Rich cho biết hình thức du lịch xanh với việc chọn điểm đến thân thiện, sử dụng phương tiện không gây ô nhiễm môi trường đang được nhiều bạn trẻ như anh lựa chọn ngày càng nhiều.

Thanh Hòa và Huyền Diệu, hai bạn trẻ đang làm việc cho một công ty về môi giới bất động sản ở Đà Nẵng, cho biết rất thích thú khi nghe bạn bè ở TP.HCM giới thiệu về tour be mương tát cá. Sắp xếp công việc, cả hai liền đặt vé bay vào TP.HCM mua ngay tour này với hi vọng có cơ hội trải nghiệm cuộc sống đồng quê, đặc biệt là vùng sông nước miền Tây.

Lần đầu tiên bị lấm lem với bùn, được tự tay bắt cá và làm bữa ăn cho mình, Huyền Diệu chia sẻ: “Quả thật cuộc sống văn phòng với những cao ốc lúc nào cũng rù rì máy lạnh công suất cao, không khí không tự nhiên, không cả ánh nắng mặt trời đã khiến nhiều bạn trẻ như tôi trở nên chai sạn cảm xúc. Đây là cách để chúng tôi có thể cân bằng cuộc sống và sống đúng nghĩa”. Cả hai còn có cơ hội homestay trong nhà dân ba đêm, được cùng nấu ăn với chủ nhà, được tắm bằng gáo dừa mà Thanh Hòa thừa nhận trước kia chỉ đọc qua sách.

Thay vì sử dụng xe máy với khói xăng ô nhiễm, du khách chọn phương tiện là những chiếc xe đạp; thay vì ngủ ở những căn phòng sang trọng đắt tiền, người ta chọn những chòi lá trong một khu vườn rợp cây xanh; thay vì ngồi chọn những chú cá trong bể có sẵn, du khách được be mương tát cá thỏa thích để săn tìm chiến lợi phẩm cho bữa ăn.

Và không phải ngẫu nhiên khi trong thời gian gần đây, nhiều công ty du lịch đã đưa ra nhiều tour trải nghiệm cuộc sống hơn là ăn ở tiện nghi: câu mực đêm ở biển, be mương tát cả ở các miền đồng quê, đi bộ xuyên rừng... Khi khái niệm du lịch xanh, du lịch sinh thái ra đời, người ta cũng thấy một sự thay đổi ý thích kèm theo của du khách.

Theo ông Trương Hoàng Phương, giám đốc Công ty du lịch Vietmark, xu hướng du lịch xanh là phát triển tất yếu của cuộc sống. Đây là xu hướng bắt đầu hình thành ở các nước phương Tây từ thập niên 1970, khi cuộc sống công nghiệp khiến nhiều người cảm thấy ngột ngạt. Do đó, đi du lịch không chỉ là khám phá vẻ đẹp của điểm đến, nghỉ trong một khách sạn sang trọng, ăn những món đắt tiền mà là có thể hòa mình vào thiên nhiên, được trải nghiệm cuộc sống.

Trong thời gian gần đây, nhiều bạn trẻ Việt Nam trước đó chỉ biết qua sách vở cũng đã quan tâm đến xu hướng này khi chọn những tour gần thiên nhiên, được sống trong không gian xanh hơn hay đơn giản là đi bộ dã ngoại hít thở khí trời. “Du lịch xanh có những nguyên tắc nhất định của nó, nhưng quan trọng nhất là không được tác động tiêu cực đến môi trường nơi đến ở hai điểm là thiên nhiên và văn hóa” - ông Phương cho biết.

Nhiều địa điểm du lịch, danh lam thắng cảnh đã bị sự thiếu ý thức của du khách tác động nghiêm trọng. Bãi đá cổ ở Sa Pa là một ví dụ khi một số hình vẽ không hay chen cạnh hình vẽ của người tiền sử để lại. Cột cờ Lũng Cú cũng khiến không ít lần chiến sĩ biên phòng ở đây phải dọn rác do những nhóm khách trẻ lên chơi và để lại. Ngay di tích tháp Hòa Phong bên hồ Gươm cũng bị nhiều bạn trẻ vẽ, viết bậy chi chít.

Nguồn: Tuổi Trẻ