Để voi mãi là biểu tượng của Tây Nguyên hùng vĩ

Cập nhật: 23/12/2009
Trong những ngày này, trên khắp các nẻo đường của tỉnh Đắk Lắk đang rộn ràng với các hoạt động của Tuần lễ văn hóa, du lịch Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk năm 2009 với chủ đề "Huyền thoại voi Tây Nguyên" là hoạt động hưởng ứng chương trình kích cầu của ngành du lịch Việt Nam, kỷ niệm 105 năm TP. Buôn Ma Thuột hình thành và phát triển và hướng tới 35 năm chiến thắng Buôn Ma Thuột.
 Xuyên suốt lễ hội này là chủ đề về voi, tôn vinh loài voi và tìm các biện pháp để bảo tồn đàn voi còn sót lại tại Tây Nguyên, trong đó có nhiều họat động như tổ chức hội thảo bảo tồn voi, hội đua voi, tái hiện nghệ thuật săn bắt và thuần dưỡng voi rừng... nhằm mục đích bảo tồn và phát triển đàn voi nhà và voi rừng thoát khởi hiểm họa tuyệt chủng.

Mở đầu các hoạt động này là hội thảo về đề án bảo tồn voi Đắk Lắk do Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đắk Lắk phối hợp với Trường Đại học Tây Nguyên tổ chức.

Theo kết quả điều tra, khảo sát của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đắk Lắk phối hợp với Trường Đại học Tây Nguyên thì đến nay trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk chỉ còn khoảng từ 83-110 con voi rừng và 61 con voi nhà. Điều đáng lo ngại là việc sinh đẻ của loài voi trong thời gian qua khá khiêm tốn, nhất là đàn voi nhà có thể được coi là bị "vô sinh" vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có một số nguyên nhân chính như: voi thiếu môi trường để sinh sống và sinh họat để di truyền nòi giống, voi bị khai thác phục vụ du lịch đến mức kiệt quệ, voi bị bệnh nhưng có giải pháp điều trị...

Để khắc phục những vấn đề trên, hội thảo đã thống nhất trình đề án bảo vệ đàn voi lên UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt với những nội dung chủ yếu như: thành lập một trung tâm bảo tồn voi với quy mô 200ha tại Vườn quốc gia Yok Đôn; ban hành chính sách khuyến khích, hỗ trợ người nuôi voi tham gia chăm sóc và nuôi dưỡng để giúp cho voi sinh sản; mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế để tiếp nhận công nghệ, kỹ thuật, đào tạo cán bộ chuyên chăm sóc, quản lý, bảo tồn voi; xây dựng một bệnh viện có đủ trang thiết bị hiện đại để chăm sóc sức khỏe cho voi, quy hoạch vùng rừng để bảo tồn bền vững đàn voi hoang dã; nâng cao nhận thức cộng đồng về chăm sóc voi, có quy chế về sử dụng voi phục vụ du lịch; xây dựng quy chế bảo vệ voi nhà... Đề án này có tổng kinh phí khoảng 58 tỷ đồng, thực hiện trong vòng 5 năm từ 2010 đến 2014.

Tiếp đó là các họat động của lễ hội có sự tham gia của voi như Lễ hội đường phố, Lễ khai mạc, Hội đua voi, lễ cúng sức khỏe cho voi... thu hút hàng vạn người dân và du khách đến xem và thưởng thức những chú voi khổng lồ biểu diễn những họat động thể thao khá bài bản. Qua tất cả các họat động này nhằm một mục đích là kêu gọi cộng đồng hãy có ý thức bảo vệ đàn voi, bảo vệ biểu tượng hùng vĩ của Tây Nguyên chứ đừng để voi Tây Nguyên trở thành "Huyền thoại".

Hãy thử tưởng tượng một ngày nào đó trong tương lai không xa nữa, nếu công tác bảo tồn voi không được quan tâm đúng mức và Buôn Đôn không còn voi nữa thì du khách đến đây để làm gì? Và Buôn Đôn lúc đó chỉ còn là một vùng rừng khộp khô cằn sỏi đá.

Để bảo tồn được đàn voi ở Đắk Lắk thì trước hết phải tăng cường công tác bảo vệ rừng. Nếu cứ đà quản lý rừng một cách lỏng lẻo và mỗi năm phát hiện tới hàng ngàn vụ phá rừng, thu giữ hàng trăm ngàn mét khối gỗ (dẫu biết rằng đó mới chỉ là bề nổi), thì mọi họat động bảo tồn voi đều trở thành vô nghĩa.

Nguồn: Báo Giáo dục & Thời đại