Bắc Kạn: 'Vàng tặc' tàn phá Khu Bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ

Cập nhật: 13/01/2010
Tiếng máy bơm công xuất lớn rền rã, hàng trăm tổ nhóm đang mặc sức khai thác vàng trái phép, nhiều thảm thực vật đã bị máy bơm xả trơ đất đỏ, những dòng nước sền sệt đỏ quạch từ trên núi chảy xuống… đó là hình ảnh đã quen thuộc từ lâu nay trong Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ, tỉnh Bắc Cạn.

Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ rộng gần 15 nghìn ha, trải rộng trên địa bàn 7 xã thuộc hai huyện Na Rì và Bạch Thông (Bắc Cạn). Đây là Khu bảo tồn lưu giữ nhiều nguồn gien động, thực vật quý hiếm, hệ sinh thái rừng trên núi đá vôi điển hình của vùng Đông Bắc Việt Nam và sự đa dạng, phong phú về thành phần các động, thực vật cần phải được bảo vệ nghiêm ngặt. Thế nhưng thời điểm mùa khô hiện nay, tình hình khai thác vàng trái phép tại Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ đang gia tăng mạnh mẽ.

Theo chân một “bưởng” vàng người nhỏ nhắn, chúng tôi lần bước theo con đường rừng vào khu bảo tồn. Mới chỉ vào khu bảo tồn chưa sâu nhưng chúng tôi đã thật sự bàng hoàng trước sự tàn phá ác liệt của đội quân “vàng tặc”. Trước mặt, sau lưng, bên phải , bên trái như một bãi chiến trường, mặt đất bị đào bới nham nhở, có những hố sâu hàng chục mét, rộng như cái ao và tiếng máy bơm nổ rền vang lộng óc .

Tại khu vực này có tới vài chục tổ nhóm khai thác vàng trái phép. Hàng nghìn mét dây ống nước được nối từ hồ nước dưới thung lũng bơm thẳng lên ven sườn núi, đối tượng vác đầu ống xả thẳng vào tất cả mọi nơi có thể có vàng, từ gốc cây, mặt đất, kẽ đá, thảm thực vật… tất cả đều bị lật tung để tìm vàng, dòng nước ngầu đỏ chảy qua máng chớp xuống thảm và vàng sẽ ở lại đọng lại tấm thảm đó .

Theo lối mòn nhẵn thín, chúng tôi tiến sâu vào khu bảo tồn, đến địa danh Xạ Hang thấy có hàng chục lán trại, tổ nhóm đang hoạt động, cảnh tượng hoang tàn của rừng trong khu bảo tồn khiến chúng tôi không khỏi xót xa. Từng mảng thực vật đã bị máy bơm phụt rửa làm bong hết lớp  mặt trơ đất đỏ, có những cây gỗ nghiến già bị hạ một cách không thương tiếc để làm củi đun, sưởi ấm.

Thực tế cho thấy, việc khai thác vàng trái phép trong Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ diễn ra nhức nhối trong nhiều năm qua, địa bàn xảy ra chủ yếu ở các xã Kim Hỷ, Lương Thượng của huyện Na Rì. Theo báo cáo của Hạt Kiểm lâm Khu Bảo tồn, trong năm 2009, Hạt đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức nhiều cuộc kiểm tra, truy quét “vàng tặc”, thu giữ nhiều phương tiện là tang vật của các đối tượng như: máy nổ, máy bơm, vòi dẫn, phá hủy nhiều lán trại… Đặc biệt, trong đợt kiểm tra, truy quét tháng 9 - 2009, lực lượng kiểm lâm khu bảo tồn đã xử lý ông Nông Văn Hưng, trú tại xã Phương Linh (Bạch Thông). Ông Linh có hành vi phá rừng để khai thác vàng sa khoáng bằng cách đào và xả bơm nước diện tích hơn 300m2 trái phép tại khu vực Lũng Duốc, xã Lương Thượng. Lực lượng kiểm lâm đã phạt tiền và bắt san lấp lại. Tuy nhiên, đây chỉ là một vụ hiếm hoi mà kiểm lâm khu bảo tồn xử lý được, bình thường lực lượng liên ngành đến nơi thì các đối tượng cũng đã lẩn trốn hết và lực lượng truy quét rút đi thì mọi việc đâu lại vào đó.

Hạt Trưởng Hạt Kiểm lâm khu bảo tồn Nông Xuân Lanh thẳng thắn cho biết: Qua rà soát của anh em, hiện nay tại khu bảo tồn trên địa bàn hai xã Kim Hỷ và Lương Thượng có 18 lũng bãi với tổng số hơn 400 đối tượng sử dụng 123 máy nổ, 15 máy bơm nước, gần 4.000m vòi bơm nước ngày đêm khai thác vàng trái phép.

“Cả Hạt chỉ có 21 người được bố trí ở bốn trạm, quản lý diện tích rộng lớn lên tới gần 15 nghìn ha, địa hình rất hiểm trở, mặc dù chúng tôi đã cố gắng tăng cường tuần tra, kiểm soát nhưng do lực lượng quá mỏng, địa bàn rộng nên không thể duy trì được thường xuyên dẫn đến việc truy quét “vàng tặc” cũng chỉ như đá ném ao bèo. Việc xử lý tang vật như máy nổ, máy bơm rất khó khăn vì chúng tôi không được phép phá hủy, mà để vận chuyển về thì không có kinh phí” - ông Nông Xuân Lanh cho biết

Với thực trạng khai thác vàng trái phép đang diễn ra rầm rộ, nhưng sự vào cuộc ngăn chặn hạn chế của kiểm lâm và chính quyền địa phương khiến cho khu bảo tồn đang bị tàn phá ngày càng nghiêm trọng.

Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ cần được bảo vệ một cách nghiêm ngặt, thiết nghĩ các cấp, các ngành chức năng ở tỉnh Bắc Kạn cần có biện pháp để chấn chỉnh tình trạng trên đã kéo dài trong nhiều năm qua trước khi quá muộn.

Nguồn: Nhân Dân