Bảo vệ môi trường: Bắt đầu từ những việc rất nhỏ, rất cụ thể

Cập nhật: 10/03/2010
Tại buổi tọa đàm "Người trẻ sống xanh" do Báo Sinh viên Việt Nam tổ chức, TS Nguyễn Hữu Ninh - Giám đốc trung tâm Nghiên cứu giáo dục và phát triển Môi trường CERED (người Việt Nam đầu tiên được xướng tên trong lễ trao giải Nobel hoà bình năm 2007) cho biết, ông bảo vệ môi trường từ những việc rất nhỏ, rất cụ thể:

Tiết kiệm nước khi tắm, tắt các đồ dùng bằng điện khi không cần thiết. Những việc này đồng nghĩa với việc tiết kiệm năng lượng, giữ cho Trái đất thêm xanh.
TS Ninh trăn trở, tại sao người dân Singapore có ý thức tốt trong việc bảo vệ môi trường. "Hai người con của tôi đang học ở Singapore, đều có ý thức tốt về môi trường, bởi tại đất nước này pháp quyền rất mạnh. Nếu bạn vứt vỏ kẹo không đúng nơi quy định, bạn sẽ bị phạt tới 500 đô la" -ông Ninh kể.
Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam - Nguyễn Đắc Vinh chia sẻ một câu chuyện nhỏ khi đến thăm trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP HCM. Các sinh viên chiếu cho anh xem đoạn phim quay cảnh một bạn trẻ vứt kẹo cao su xuống đất khi đứng ở bến xe buýt. Một bạn khác cúi xuống nhặt bỏ vào thùng rác. Hành động của bạn trẻ này đã tác động đến ý thức của rất nhiều người xung quanh.
Nhiều sinh viên bày tỏ bức xúc về ý thức bảo vệ môi trường của những người trẻ. Phần lớn các bạn trẻ còn thờ ơ, chưa quan tâm đến các tác động của môi trường đối với cuộc sống, đối với chính bản thân mỗi người. Nhiều bạn trẻ ngang nhiên khạc nhổ, vứt rác nơi công cộng. Nhiều sinh viên học xong không thèm tắt điện, quạt, điều hòa. "Khi chúng tôi tham gia bóc biển quảng cáo xung quanh Bờ Hồ, nhiều bạn trẻ bảo bóc để làm gì, đó là một công việc vô ích. Các bạn có thái độ thờ ơ, chưa hiểu được ý nghĩa của việc làm này và chưa có ý thức bảo vệ môi trường", Phạm Việt, Viện ĐH Mở, kể lại câu chuyện của chính bản thân mình chứng kiến.
Theo anh Nguyễn Đắc Vinh, sinh viên là thế hệ trẻ phải chuyển tải từ kiến thức thành hành động. "Tôi từng đi thăm một đội tình nguyện dọn dẹp làm sạch bờ sông. Thấy các bạn trẻ làm, nhiều người dân coi như đó là việc của người khác. Chính những bạn trẻ này phải tiếp lửa cho cộng đồng. Thanh niên - sinh viên là những người có tri thức, phải làm công tác truyền thông, tuyên truyền giúp cộng đồng cùng hành động. Và mình nên hành động từ chính nơi mình đang ở" - anh Vinh chia sẻ.
Nhiều bạn trẻ bày tỏ mình cần phải hành động từ ngay hôm nay, từ chính nơi mình đang ở. Hoàng Đức Minh (Sinh viên ĐH Thủy Lợi, Giám đốc Chương trình nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu) lại thích đi xe đạp để… bảo vệ môi trường. Nhóm C4E - Đạp xe vì môi trường - hàng tuần đạp xe vào chủ nhật tiết kiệm xăng, dọn dẹp rác xung quanh các hồ ở Hà Nội và truyên truyền, cổ động người dân có ý thức bảo vệ môi trường. Một bạn trẻ ở ĐH Bách khoa Hà Nội quyết định tắt hết các thiết bị dùng điện một tiếng trong một ngày. Phí Thị Thu Phương (Học viện Tài chính) sau giờ học ở lại giảng đường để nhặt rác, hay Vũ Thị Xen (Nhóm C4E) tuyên truyền các bạn trẻ sử dụng túi sinh thái thân thiện với môi trường...

Nguồn: Báo Kinh tế Đô thị