Phát triển du lịch hướng đến sự bền vững

Cập nhật: 22/06/2010
Ngành du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng đã và đang thực hiện các nhiệm vụ nâng cao chất lượng du lịch, giữ gìn môi trường cảnh quan, làm tốt công tác quy hoạch, quản lý xây dựng, đồng thời tăng cường quản lý nhà nước, định hướng phát triển du lịch theo hướng nâng cao chất lượng.

Theo số liệu thống kê, tỉnh Lâm Đồng hiện có 31/35 khu và 60 điểm du lịch đã được đưa vào kinh doanh khai thác phục vụ du khách. Toàn tỉnh có 673 cơ sở lưu trú du lịch với hơn 11.000 buồng phòng (trong đó có 85 khách sạn tiêu chuẩn từ 1-5 sao) phục vụ cùng lúc cho hơn 38.000 lượt khách. Riêng trong lĩnh vực thu hút đầu tư, đến nay các địa phương trong toàn tỉnh - chủ yếu là TP. Đà Lạt đã thu hút được 235 dự án đầu tư với tổng số vốn gần 63.000 tỷ đồng đã đăng ký đầu tư vào lĩnh vực du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, hội nghị - hội thảo... Trong đó hiện có 90 dự án đã được tỉnh cho chủ trương đầu tư, và 145 dự án được thỏa thuận đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư với số vốn hàng chục ngàn tỷ đồng.

Nằm trên cao nguyên với độ cao trung bình 1.500 mét so với mặt nước biển, Đà Lạt là vùng đất hiếm có của khu vực Đông Nam Á có khí hậu ôn đới trong vùng nhiệt đới, thời tiết quanh năm mát mẻ ôn hòa. Đã nổi tiếng là một trung tâm du lịch, là nơi nghỉ dưỡng lý tưởng được nhiều người trong và ngoài nước biết đến, hiện Đà Lạt được xếp là một trong những trung tâm du lịch lớn của Việt Nam. Nói đến Đà Lạt là nói đến thành phố của các loài hoa. Do khí hậu mát và ẩm nên Đà Lạt thích hợp cho nhiều loài hoa có nguồn gốc ôn đới, đặc biệt là hoa lan. Hoa Đà Lạt có thể trồng quanh năm với hàng ngàn chủng loại khác nhau. Rừng Lâm Đồng đã tạo nên một quần thể có sức thu hút khách du lịch trong và ngoài nước như rừng cảnh quan bao quanh Đà Lạt, khu du lịch hồ Tuyền Lâm, khu du lịch hồ Suối Vàng- Đankia, khu du lịch Thung lũng Tình yêu, khu du lịch thác Datanla, thác Prenn, thác Pongour, thác Đam B’ri, núi LangBian… Các loại hình du lịch tại Lâm Đồng - Đà Lạt khá phong phú, đa dạng như du lịch lữ hành - tham quan, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch văn hoá, du lịch thể thao, du lịch sinh thái, du lịch dưới tán rừng, du lịch vườn…

Về nguồn nhân lực, hiện trên địa bàn TP. Đà Lạt có 6 trường có chuyên ngành đào tạo nghiệp vụ du lịch là: Trung cấp du lịch (thuộc TCDL), Trường đại học Đà Lạt, Đại học Yersin, Cao đẳng nghề, Cao đẳng Sư phạm, Cao đẳng kinh tế kỹ thuật Lâm Đồng. Đây là cơ sở để Đà Lạt bổ sung nhân sự cho ngành du lịch Đà Lạt.

Ngành du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng đã và đang thực hiện các nhiệm vụ nâng cao chất lượng du lịch, giữ gìn môi trường cảnh quan, làm tốt công tác quy hoạch, quản lý xây dựng, đồng thời tăng cường quản lý nhà nước, định hướng phát triển du lịch theo hướng nâng cao chất lượng. Việc phát triển du lịch phải làm sao không phá huỷ không gian sống, đảm bảo sự phát triển bền vững, không những không đem sự tốt đẹp cho người dân ở đây mà còn phải gắn kết với chính người dân địa phương và cuộc sống hàng ngày của họ, là một bộ phận không thể tách rời của sự hấp dẫn du khách đến thành phố này. Theo bà Đỗ Thị Hồng Xoan - Vụ trưởng Vụ Khách sạn Tổng cục Du lịch, ngành du lịch Lâm Đồng cần hướng đến việc phát triển bền vững, cụ thể chỉ cần tập trung thu hút một số dự án đầu tư du lịch lớn, có chất lượng cao, cần tập trung vào phục vụ du lịch có tính chuyên nghiệp, vì một thương hiệu của ngành du lịch Đà Lạt, cần hướng đến chất lượng thay vì kêu gọi đầu tư thêm. Còn ông Nguyễn Trọng Hoàng, Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông Lâm Đồng cho rằng, tỉnh nên  mạnh dạn loại những dự án đầu tư nhỏ, nghèo nàn về sản phẩm, không tạo ra giá trị cho tương lai của du lịch Đà Lạt nhưng phá vỡ cảnh quan, môi trường du lịch vốn có.

Ngoài ra các công tác quy hoạch và thu hút đầu tư; sản phẩm du lịch với việc xây dựng được những sản phẩm có nét độc đáo riêng cần được thực hiện đồng bộ. Bên cạnh đó cần giữ gìn và phát triển rừng nội ô Đà Lạt, các cảnh quan thiên nhiên như hồ, thác, chỉnh sửa các công trình kiến trúc phản cảm; quảng bá xúc tiến du lịch bằng những hình ảnh, sản phẩm độc đáo phù hợp cho từng nhóm đối tượng của từng thị trường cũng được yêu cầu phải làm thật tốt. Bên cạnh đó, tiếp tục liên kết du lịch; đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng với yêu cầu phát triển ngành du lịch; nâng cao nhận thức, huy động sự tham gia của cộng đồng trong du lịch và củng cố, nâng cao năng lực các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch. Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết: Tổng cục Du lịch sẽ phối hợp với tỉnh Lâm Đồng cùng các DN du lịch lớn sớm triển khai những giải pháp này để Đà Lạt thực sự là trung tâm du lịch lớn của cả nước và du lịch thực sự là ngành kinh tế động lực cho Đà Lạt - Lâm Đồng trong những thập niên tới./.

Nguồn: Báo Đối ngoại Vietnam Economic News