Di sản xanh của Thủ đô

Cập nhật: 21/07/2010
Hàng sao đen phố Lò Ðúc, những cây hoa sữa trên phố Nguyễn Du, rặng muỗm đền Voi Phục, đền Quán Thánh... là hình ảnh thân thương, là ký ức, là nỗi nhớ của người Hà Nội khi xa quê.
Những cây cổ thụ mấy trăm tuổi chứng kiến bao thăng trầm của lịch sử đất kinh kỳ. Giữa nhịp sống sôi động, bộn bề bao lo toan, vẫn có những nhà khoa học âm thầm, lặng lẽ gắng sức giữ gìn những di sản xanh của Thủ đô, để những hàng cây kể mãi câu chuyện của Thăng Long - Hà Nội.

Thăm phố cổ Hà Nội, nhiều du khách phương xa có nguyện vọng được tận mắt thấy, được chụp ảnh ở cây đa trong khuôn viên Báo Nhân Dân, 71 Hàng Trống. Cây đa cổ thụ này có đường kính tán điểm rộng nhất, ngót trăm mét, những chùm rễ đan dày tỏa xuống càng tôn thêm vẻ cổ kính. Cách đó vài trăm mét, gần như đối diện với cây đa, ở phía bên kia hồ Hoàn Kiếm, là một cây cổ thụ đã có mặt trên nhiều tấm bưu thiếp, nói cách khác, cây cổ thụ này góp phần làm nên sự nổi tiếng của nhiều nhà nhiếp ảnh - cây lộc vừng hơn 300 năm tuổi.

Nhiều góc phố Hà Nội có những cây cổ thụ uy nghiêm, trầm mặc. Nhà nghiên cứu Nguyễn Nguyên Cương, Giám đốc Trung tâm Giáo dục Truyền thông môi trường cho biết, không nhiều thành phố trên thế giới có những cây cổ thụ như thế. Hơn 50 năm sống ở Hà Nội, hình ảnh những  cây cổ thụ gắn bó với ông Cương một cách rất tự nhiên, như là duyên nợ. Ông nhận ra, cây cổ thụ ở Hà Nội gắn bó chặt chẽ với những di tích, với đời sống tâm linh, được người xưa gửi gắm vào đó mong ước về sự vững bền. Mười bảy năm nay, nhà nghiên cứu Nguyễn Nguyên Cương có thói quen đạp xe đi làm. Có nhiều buổi mải nhìn ngắm những rặng cây, ông đạp xe qua bao con phố, rồi giật mình nhận ra lối về là cả chặng đường dài. Ông "đánh dấu" các con phố Hà Nội bằng những gốc cây. Thấy cây quý bị đốn hạ, rồi thấy những rặng cây xác xơ như vừa qua cơn bão khi người ta tỉa cây trước mùa mưa, ông thấy xót lòng. Hà Nội đang làm rất nhiều việc, từ bảo tồn di tích lịch sử, xây dựng những công trình mới... để đón Ðại lễ 1000 năm, nhưng chưa nhiều người quan tâm đến những cây cổ thụ - những nhân chứng trong lịch sử Thủ đô. Hà Nội rất cần bảo vệ cây cổ thụ, nhất là những cây gắn liền với những giá trị văn hóa, lịch sử. Ý tưởng lập một bản đồ cây cổ thụ lóe lên trong những khoảnh khắc như thế. Năm 2006, GS Vũ Tuyên Hoàng lúc đó là Chủ tịch Liên hiệp Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam đã ký quyết định giao Trung tâm Giáo dục Truyền thông môi trường thực hiện đề tài "Xây dựng Atlas cây cổ thụ ở Hà Nội "nhằm góp phần kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Việc đầu tiên nhà nghiên cứu Nguyễn Nguyên Cương và các đồng nghiệp phải làm là thống kê số lượng cây cổ thụ. Không ai ngờ rằng, công việc lại phức tạp đến thế. Chưa có công trình nào nghiên cứu về cây cổ thụ ở Hà Nội nên tư liệu rất ít. Thêm nữa, ở Việt Nam cho đến nay vẫn chưa có một khái niệm, định nghĩa về cây cổ thụ. Ông và đồng nghiệp phải dùng phương pháp thủ công là... đi tìm cây, đếm cây và đo cây. Ðặc trưng nổi bật của những cây cổ thụ là gắn với những di tích lịch sử. Bởi thế, các nhà khoa học đã dựa vào thống kê về di tích lịch sử để lập ra các phương án tối ưu rà soát cây cổ thụ trên toàn địa bàn. Trong hơn ba năm, các nhà khoa học của Trung tâm Giáo dục Truyền thông môi trường và các cộng tác viên phải đến từng tổ dân phố, từng thôn làng. Tính ra có đến cả ngàn chuyến công tác. Ðến mỗi nơi, đầu tiên là làm việc với chính quyền, tiếp đó sà vào... quán nước đầu làng để hỏi chuyện. Nhiều chuyến đi thất bại, vì có nhiều địa phương không có cây cổ thụ, lại có lần, đến các làng quê, thì được tin cây cổ thụ có giá trị nơi đó mới bị đốn hạ...

Khi gặp những cây lớn, có khả năng có tuổi đời cao, các nhà khoa học phải đo đạc, khảo sát thông tin, đối chiếu với các tiêu chí về cây cổ thụ, sau đó đưa vào danh mục. Ngoài những cơ sở khoa học như tuổi đời, độ lớn, độ quý hiếm, những tiêu chí được đề cao khi xác định cây cổ thụ để đưa vào tập Atlas là những cây gắn liền với các thời kỳ phát triển của Hà Nội, gắn với tên tuổi của các danh nhân của Việt Nam, những người nổi tiếng trên thế giới; gắn với đời sống của người dân Hà Nội; những loài cây đã có "danh" trong thơ ca về Hà Nội... Nếu hội đủ các tiêu chí này, cây sẽ được chụp ảnh, đánh dấu vị trí thông qua hệ thống định vị toàn cầu GPS để đưa vào bản đồ. Việc làm này cần đến tâm huyết, công sức của những nhà khoa học về bản đồ, nhà sinh vật học và nhiều nhà nghiên cứu khác. Nhà khoa học Nguyễn Nguyên Cương tâm sự: "Ðứng dưới tán những cây cổ thụ chúng tôi luôn có cảm giác gần gũi, thân quen. Nhiều cây từng gắn với những di tích lịch sử, những sự kiện lịch sử quan trọng của Thủ đô, dưới tán những cây cổ thụ ấy, mình như được gần hơn với những người đi trước...".

Từ những chuyến đi, có khá nhiều chuyện thú vị về các cây cổ thụ. Cây bồ đề trong chùa Kiêu Kỵ (huyện Gia Lâm) có tuổi đời hơn 600 năm. Cũng tại địa phương này, còn có cây đa tía hơn 700 tuổi tại chùa Gia Cốc, thôn Long Quy.  Gắn với di tích, đồng thời ghi dấu ấn bàn tay bao thế hệ cha ông, không thể không coi những cây cổ thụ là một phần di sản của Hà Nội. Qua nghiên cứu, các nhà khoa học nhận ra rằng, các bậc tiền nhân có tính toán kỹ lưỡng trong việc chọn cây trồng ở những di tích. Người xưa chọn những cây có sức sống bền lâu, trường tồn với thời gian như cây đa, cây muỗm, cây đại... Nếu như những cây đa, cây đề ở Kiêu Kỵ có kỷ lục về tuổi thọ thì cây đa trong khuôn viên Báo Nhân Dân là cây đa lớn nhất trên địa bàn thành phố. Chu vi gốc đa hơn 20 m. Hàng trăm năm đứng bên hồ Hoàn Kiếm, cây đa đã chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử quan trọng. Trong hàng nghìn cây cổ thụ ở Hà Nội, 725 cây cổ thụ tiêu biểu đã được chọn ra để đưa vào tập Atlas. Mỗi cây đều có một "lý lịch trích ngang" về các thông số khoa học cũng như các yếu tố lịch sử văn hóa liên quan. Nói một tập Atlas là chưa đủ, đúng hơn đây là công trình nghiên cứu chuyên đề về cây cổ thụ Hà Nội. Qua đó, mỗi người đều có thể tìm hiểu về những "nhân chứng sống" của lịch sử Thăng Long - Hà Nội qua bao thế kỷ.

Hà Nội là một Thủ đô xanh. Trong sự giàu có về mầu xanh ấy, không thể không nói đến Công viên Bách thảo. Vườn thực vật này được xây dựng cách đây hơn một thế kỷ. Trên diện tích 11 ha, có nhiều loài cây đặc sắc bản địa, đại diện cho các vùng của cả nước và những loài cây di thực quý được các nhà khoa học Pháp trước đây và các nhà khoa học Việt Nam sau này đem về trồng. Trong hơn 100 loài thực vật thân gỗ tại Vườn Bách thảo, có khoảng 2.000 cá thể cây gỗ hơn 100 năm tuổi, đường kính hơn một mét. Trong đó, một số loài cây đang gần kề sự tuyệt diệt. Là một nhà sinh vật học, GS Dương Ðức Tiến, Trung tâm Công nghệ Sinh học phục vụ đời sống (Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam) có thú thong dong trong Công viên Bách thảo để thưởng ngoạn vẻ đẹp những loài cây. Sinh ra ở Thủ đô, ông càng thêm gắn bó với cây Hà Nội. Những cuộc hành quân dọc Trường Sơn năm xưa, đứng trước những cây cổ thụ, ông bồi hồi nhớ về những hàng cây dọc các con phố Thủ đô, nhớ đến vẻ duyên dáng của cây cối trong Công viên Bách thảo. Ý tưởng bảo tồn, nâng cấp Công viên Bách thảo có từ những năm tháng đó, đeo đẳng ông suốt mấy chục năm. Ðể đón mừng đại lễ, GS Dương Ðức Tiến và một số nhà khoa học mạnh dạn đề xuất với UBND thành phố Hà Nội phương án bảo tồn, phát triển vườn sinh vật này. Ðáp ứng mong mỏi của giới khoa học, thành phố Hà Nội chấp thuận triển khai Dự án điều tra thông tin dữ liệu và xây dựng bộ mẫu tiêu bản sinh vật vườn Bách thảo, để biến Công viên Bách thảo trở thành một "Bảo tàng thực vật" của Hà Nội.

Hiện nay, dự án chưa được cấp đủ kinh phí, nhưng GS Dương Ðức Tiến - Chủ nhiệm Dự án vẫn cùng một nhóm 10 nhà khoa học từng bước thực hiện dự án này bằng tiền của các cá nhân và kinh phí... đi vay. Thế mới hiểu hơn tấm lòng của các nhà khoa học với Thủ đô. Công viên Bách thảo đã là một "bảo tàng" cây. Vì vậy, cùng với việc giữ gìn và phát triển hệ thực vật vốn có, dự án sẽ xây dựng bộ tiêu bản thực vật Hà Nội. Trong đó, sẽ bổ sung những tiêu bản các loài thực vật đặc trưng của khu vực Hà Nội mở rộng. Mỗi bộ tiêu bản sẽ giới thiệu giống loài, về cá thể thực vật, nơi sinh trưởng, quá trình sinh trưởng, tuổi... Sưu tập này sẽ đặt trong Công viên Bách thảo. Các nhà khoa học mong muốn khi hoàn thành, Vườn Bách thảo sẽ trở thành một nơi thú vị để mọi người có thêm những kiến thức về thực vật, giúp giới nghiên cứu có cái nhìn toàn diện hơn về thực vật Hà Nội. "Tiêu bản những cây hoa sữa phố Nguyễn Du, cây sấu đường Phan Ðình Phùng, sao đen trên phố Lò Ðúc... sẽ không thể thiếu trong trưng bày, bởi chúng đã trở thành ký ức, nỗi nhớ của không ít người Hà Nội. Ðặc biệt, trưng bày sẽ thể hiện bề dày lịch sử ngàn năm văn hiến thông qua tiêu bản những cây quý gắn liền với những thăng trầm của lịch sử Thăng Long - Hà Nội như những cây gắn với cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cây trong Hoàng thành Thăng Long, cây gắn với những danh nhân của Thủ đô như Ngô Quyền, Bà Huyện Thanh Quan... ", GS Tiến tâm sự.

Thật khó hình dung diện mạo của Thủ đô nghìn năm tuổi nếu bên cạnh những con phố cổ rêu phong không phải là những cây cổ thụ xum xuê tỏa bóng. Ðể bảo tồn lâu dài, một số cây cổ thụ có giá trị đặc biệt về văn hóa, lịch sử và khoa học, các nhà khoa học cho rằng, những cây này cũng cần được công nhận là di tích văn hóa lịch sử. Nhưng đến nay, mới chỉ có hai cây lim ở huyện Yên Hưng (Quảng Ninh) sót lại từ cánh rừng Trần Hưng Ðạo cho chặt cây để làm cọc trên sông Bạch Ðằng chống giặc được công nhận là Di sản văn hóa quốc gia, còn lại hầu hết cây quý trên đất nước ta chưa được quan tâm đúng mức. Công trình bản đồ cây cổ thụ Hà Nội đã được Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật nghiệm thu cuối tháng 1-2010 và chờ ngày in ấn. Tháng 3-2010, Hội Bảo vệ Thiên nhiên Môi trường Việt Nam đã phát động chương trình "Bảo vệ Cây di sản Việt Nam" nhằm tôn vinh những cây có giá trị khắp mọi miền đất nước và danh mục cây di sản sẽ chính thức được công bố đúng vào dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Trong số này, nhiều cây cổ thụ của Hà Nội sẽ vinh dự góp mặt. Bằng tâm huyết và tình yêu Hà Nội, các nhà khoa học hy vọng, những công trình của mình sẽ góp phần đánh thức tình yêu mầu xanh, tinh thần bảo vệ di sản xanh trong mỗi người dân Thủ đô.

Nguồn: Báo Nhân Dân