Từ tình yêu thiên nhiên, cây cảnh, với bàn tay tài hoa của một nghệ nhân, anh Nguyễn Thanh Vân ở thôn Vị Khê, xã Điền Xá, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định đã tạo nên những kiệt tác xanh có một không hai ở nước tanhư: Tháp Effel, chùa Một Cột, bộ Ngũ Sự… Trong những ngày cả nước hướng về Đại lễ nghìn năm Thăng Long này, tác phẩm Khuê Văn Các bằng cây xanh lá nhỏ của anh cũng đã về tề tựu tại Trung tâm hội nghị quốc gia.
Tiếp bước cha ông
Đứng trên triền đê phóng tầm mắt ra xa chỉ thấy mênh mông một màu xanh, tôi thầm nghĩ, quả không hổ thẹn với danh tiếng rừng cây cảnh lớn bậc nhất và cổ nhất của đồng bằng sông Hồng. Mà thực ra không chỉ ở miền Bắc, cái tên làng Vị Khê đã trở nên nổi tiếng cả nước.
Các cụ trong làng kể lại Vị Khê trước đây vốn có cả nghề trồng hoa nhưng trải qua thời gian, hoa không đủ sức trụ lại và cạnh tranh với những làng hoa khác mới nổi, nên cái tên từ xa xưa làng hoa - cây cảnh cũng đã rút ngắn đi, chỉ còn là làng cây cảnh Vị Khê.
Hầu hết dân làng Vị Khê đều trồng cây cảnh. Trong số ấy, cũng có hàng chục tay nghề vượt trội hẳn lên, nhưng được nhiều người biết đến nhất hôm nay là nghệ nhân Nguyễn Thanh Vân.
Trái với tưởng tượng của tôi về một nghệ nhân chơi cây cảnh dễ là dáng người quắc thước, điềm đạm, chòm râu bạc trắng, anh Vân rất trẻ trung, mới ở cái khoảng giữa của của cái tuổi "đầu 3" và "đầu 4". Bà con gọi anh là “Vân Khuê Văn Các”, gắn với tác phẩm đặc sắc Lầu Khuê Văn mà anh đã kỳ công tạo dựng.
Ngôi nhà khang trang của anh nằm sâu trong con ngõ nhỏ, hai bên ngõ dẫn vào nhà là hàng chục bồn cây cảnh đã được cắt tỉa rất tỉ mỉ với các thế dáng, hình thù khác nhau. Cơ ngơi dựng lên từ nghề truyền thống của cha ông để lại ấy, nếu tính về tiền bạc, cũng là tiền tỉ cả.
Mới bắt đầu vào học cấp 2, tài năng của Nguyễn Thanh Vân đã được bộc lộ vượt trội so với bạn bè cùng lứa. Anh Vân nhớ lại: “Hồi học lớp 7, mình tham dự cuộc thi tạo dáng cây cảnh, mình tạc hình con hạc, mất cũng gần hai giờ đồng hồ, sau được giải nhất của tỉnh (bấy giờ là tỉnh Hà Nam Ninh cũ), thầy cô bạn bè cũng khen ngợi, bảo trông bắt mắt lắm."
Khi nói về cái duyên của mình đối về nghề cây cảnh, anh Vân hơi tư lự: “Tôi cũng không biết mình yêu cây cảnh từ khi nào, tôi nghĩ mình sinh ra là để làm cái nghề này”. Anh đã từng học trung cấp nhạc họa nhưng khi học xong vẫn thấy có gì đó không ổn, hình ảnh làng quê vẫn canh cánh trong lòng, cuối cùng quyết định khăn gói quả mướp anh quày quả về nhà nối nghiệp ông cha.
Anh Vân rất tự hào về người cha của mình. Ông cũng vốn là nghệ nhân cây cảnh có tiếng trong vùng. Từ việc quan sát cha, anh và một số người bạn đã học cách tạo dáng cho cây cảnh từ khi còn nhỏ. Mầm nhân tài ngày ấy, nay đã đậu quả chín muồi.
Khuê Văn Các “xanh” dự đại lễ
Cái nghề cây cảnh, ngoài đòi hỏi phong phú về tâm hồn, người nghệ nhân còn phải có sự kiên nhẫn. Anh Vân cho biết bộ ngũ sự (gồm 1 Đỉnh, 1 đôi Hạc, 1 đôi đèn) cũng phải mất 16 năm trời mới hoàn thành, nay được trưng bày tại bãi tắm Vân Đồn, Quảng Ninh.
Mỗi tác phẩm cầu kỳ một kiểu, nhưng cũng đều cần nhiều thời gian để hoàn thiện, từ đôi hoa Sen đang được trưng bày ở Đầm Sen (TP Hồ Chí Minh), đại bàng, rồng cho đến bộ ba cây thế (gồm Tháp Effel, chùa Một Cột, Tháp Rùa) vừa được Trường Cao đẳng Kiến trúc xây dựng Công trình đô thị ở Hà Nội mua về. Khi tôi đến thăm vườn cảnh của anh, một ngôi chùa Một Cột hoành tráng nữa cũng đang bắt đầu nên hình hài.
Trong các tác phẩm từ trước đến nay của mình, anh tâm đắc nhất là Khuê Văn Các tạo hình từ cây sanh, đây cũng là công trình dâng mừng Đại lễ nghìn năm Thăng Long vừa được chuyển về thủ đô. Kể về tác phẩm độc nhất vô nhị này, anh Vân niềm nở: “Ý tưởng xây dựng Khuê Văn Các bằng cây sanh khởi nguồn từ mười bốn năm trước, nhưng mãi đến năm 2000 tôi mới bắt tay vào thực hiện. Ban đầu tôi dựng bộ khung bằng ống tuýp, mỗi ống tuýp là một cột của Khuê Văn Các. Từ đó trồng 4 cây sanh ở bốn cột. Sanh phải chọn loại lá nhỏ, vì nó sẽ có màu xanh đặc biệt, ít bị sâu bệnh lại dẻo dai. Cây cao đến đâu, dây thép uốn đến đó...”
Sau 10 năm chăm sóc và tạo dáng, Khuê Văn Các "xanh" đã được hoàn thiện với chiều cao 7m, cạnh vuông 4m. Cũng như bất kỳ tác phẩm nào khác, lầu Khuê Văn được anh chăm sóc tỉ mỉ, nhưng mười năm gắn bó với tác phẩm đặc biệt này cũng là mười năm trời lo lắng nhiều hơn đối với anh: “Mỗi mùa mưa bão tôi lại nơm nớp lo, vội vàng chằng buộc, che chắn. Trồng 10 năm trời mà đến gần Đại lễ lỡ ra hỏng thì tiếc lắm. Mấy tháng trước, trời đã nóng thì chớ họ lại cắt điện cả ngày, nhiều đêm lo cây thiếu nước, phải mò dậy để tưới cho nó”.
Lầu Khuê Văn được tách làm bốn phần để vượt quãng đường trăm cây số lên Hà Nội, cũng đã được ghép lại và nằm gọn ghẽ trong khuôn viên Trung tâm hội nghị quốc gia. Ước nguyện của anh Vân, cũng là mong muốn của hàng triệu người dân trong và ngoài nước, được tận mắt chứng kiến một Khuê Văn Các “xanh” giữa Thủ đô nghìn năm văn hiến đã thành hiện thực.