Lò nung gas giảm ô nhiễm tại làng nghề Bát Tràng

Cập nhật: 14/10/2010
Với ưu điểm giảm tiêu hao nhiên liệu, chi phí sản xuất và tiết kiệm thời gian nung, lò gas đang là lựa chọn của các doanh nghiệp gốm. Tuy nhiên, làng nghề Bát Tràng hiện vẫn còn khoảng 150 lò nung than gây ô nhiễm môi trường cần thay thế.

Năm 2006, Ban quản lý dự án nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ (Bộ Khoa học và Công nghệ) phối hợp cùng UBND xã Bát Tràng và Hiệp hội gốm sứ Bát Tràng triển khai dự án "Thúc đẩy ứng dụng lò gas nung gốm tiết kiệm năng lượng" tại làng nghề này.

Nhờ ưu điểm giảm tiêu hao nhiên liệu, giảm chi phí sản xuất, tiết kiệm thời gian nung, tỷ lệ thu hồi sản phẩm cao... nên năm 2007-2008, xã Bát Tràng đã có 40 dự án đầu tư theo công nghệ mới này, trong đó 21 dự án được vay và bảo lãnh vốn vay. Tổng vốn vay đạt gần 10 tỷ đồng và giá trị bảo lãnh vốn vay gần 7 tỷ đồng, lấy từ nguồn của Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam.

Là một trong những người đầu tiên của làng dám bỏ ra cả trăm triệu đồng để lắp đặt lò nung bằng gas vào năm 2000, anh Trần Vũ Chiến, chủ xưởng sản xuất gốm sứ ở Bát Tràng hiểu rất rõ lợi ích của công nghệ mới này.

Theo đó, lò ga đốt 13 tiếng và chờ nguội 13 tiếng là có thể dỡ sản phẩm, trong khi lò hộp đốt than phải mất tới 3-5 ngày, tùy theo từng loại sản phẩm. Do điều chỉnh được nhiệt độ trong lò nên không chỉ màu gốm đẹp hơn mà tỷ lệ thu hồi khi nung gốm bằng gas cũng lên tới trên 90%, trong khi nung bằng than chỉ đạt dưới 70%.

"Lò gas là bước tiến của ngành gốm sứ, giúp đổi mới lò nung của Bát Tràng. Các cụ có câu 'Ở trần gian, làm âm phủ' bởi khi đốt lò than thì không chỉnh được nhiệt độ nên người nung chẳng biết sản phẩm làm ra sẽ thế nào. Hơn nữa, trước đây, không chỉ mặt mũi luôn nhem nhuốc, hốc hác mà tôi chắc chắn cũng chẳng có thời gian ngồi nói chuyện bởi mỗi mẻ gốm phải mất 2-3 ngày xếp lò", anh Chiến nói.

Tuy nhiên, ông chủ trẻ này cũng cho rằng, các nhà khoa học nên sớm đưa công nghệ tự động hóa vào lĩnh vực gốm sứ để giúp người dân nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như lợi ích kinh tế và xã hội. "Tôi muốn phối hợp với các nhà khoa học để nâng cao hơn nữa chất lượng lò nung để nói đến Bát Tràng, người ta không nghĩ đến một làng nghề ô nhiễm", anh Chiến mong mỏi.

Theo Công ty cổ phần thiết kế và sản xuất gốm sứ Bát Tràng, nhờ ưu điểm giảm tiêu hao nhiên liệu, giảm chi phí sản xuất 30% và tiết kiệm thời gian nung, mỗi năm 41 dự án lò nung gas đã giúp tiết kiệm được khoảng 4.000 - 5.000 tấn dầu và giảm phát thải khoảng 20.000 tấn khí CO2.

Thống kê của UBND xã Bát Tràng cho thấy, hiện vẫn còn khoảng 150 lò than gây ô nhiễm môi trường đang hoạt động. Năm 2008, đã có 20 lò được chuyển sang đốt bằng gas, và địa phương này chủ trương năm 2009-2010 mỗi năm chuyển 50 lò từ đốt than sang chạy bằng gas để hoàn thành mục tiêu xóa bỏ lò than.

 

 

Nguồn: VnExpress