Phú Yên: Bảo tồn Di sản văn hóa trước biến đổi khí hậu.

Cập nhật: 28/10/2010
Biến đổi khí hậu đã làm cho môi trường sinh thái ở Phú Yên trở nên khắc nghiệt hơn, tác động đến các di tích lịch sử - văn hóa, các danh lam thắng cảnh, các thiết chế văn hóa, di vật, hiện vật và môi trường sinh thái nhân văn.

Ảnh hưởng đến Di sản văn hóa

Tác động của biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng xấu đến các di tích lịch sử - văn hóa, các danh lam thắng cảnh ở Phú Yên, gây xuống cấp các công trình kiến trúc. Tháp Nhạn là di tích kiến trúc thuộc nền văn hóa Chăm, được công nhận di tích cấp quốc gia đã phải trùng tu một vài lần song cũng khó tránh khỏi sự tác động của thời tiết khắc nghiệt. Các di tích khác như: Thành Hồ, Thành An Thổ, Khu địa đạo Gò Thì Thùng hoặc các di tích danh thắng như Đầm Ô Loan, Núi Đá Bia, Mũi Điện cùng nhiều di sản đá tự nhiên như hang Võ Trứ, hang Vàng, suối Đá Bàn, gộp đá Lợp, gộp đá Konclo… cũng đã, đang bị tàn phá bởi sự biến đổi khí hậu và chính con người gây nên.

Các thiết chế văn hóa như nhà bảo tàng, nhà văn hóa, thư viện, phòng đọc và các công trình phúc lợi khác ở địa phương cũng bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng được xây dựng ở các thôn, buôn, plei của đồng bào dân tộc thiểu số ở 3 huyện miền núi của tỉnh là nơi dễ nhận thấy việc tác động biến đổi khí hậu. Khi xây dựng các công trình này, người thiết kế chưa phối hợp với ngành chức năng nghiên cứu thấu đáo bản sắc văn hóa, phong tục tập quán tộc người dân. Do vậy, nhiều nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng sau khi khánh thành vẫn không thu hút được nhân dân đến sinh hoạt. Một yếu tố khác là sự tác động của biến đổi khí hậu, mưa nhiều kèm theo gió, bão hoặc nắng gắt nhiệt độ tăng cao cũng làm cho vật liệu kiến trúc nhanh xuống cấp, hư hỏng, gây lãng phí tiền của, công sức của nhà nước và nhân dân.

Mỗi loại hình di vật, hiện vật có chất liệu không giống nhau, cần có phương pháp bảo quản riêng. Tuy nhiên, trong điều kiện cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật còn thiếu thốn, khó khăn, và trước sự biến đổi của khí hậu, việc bảo quản những hiện vật, di vật hiện còn cực kỳ khó khăn. Các chất liệu như: giấy, gỗ, tre, sắt thường bị tác động rất mạnh của thời tiết. Các chất liệu như đá điêu khắc, phù điêu trang trí, bi ký… khó hư hao nhưng trước tác động của thời tiết, nhiều di vật đá đã bị mai một, nhất là những bi ký khắc trên tảng đá tự nhiên như bia Chợ Dinh.

Điều đáng lo ngại nhất hiện nay về tác động của biến đổi khí hậu đến môi trường sinh thái nhân văn ở Phú Yên là không gian văn hóa cồng chiêng. Ba huyện miền núi của Phú Yên còn lưu giữ hàng ngàn bộ cồng chiêng. Đây là các địa phương nằm trong không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên ở chương trình mục tiêu quốc gia. Tuy nhiên, môi trường sinh thái nhân văn gắn với địa bàn cư trú của các tộc người hiện có nhiều thay đổi cùng với ảnh hưởng của tập quán du canh du cư, nhiều cánh rừng thiêng đã lần lượt biến mất. Môi trường sinh thái nhân văn mất đi cũng đồng nghĩa với sự mất đi của không gian văn hóa cồng chiêng, mất đi những dấu tích vật chất lưu giữ những giá trị của văn học dân gian.

Giải pháp bảo tồn Di sản văn hóa

Tuy ảnh hưởng từ tác động biến đổi khí hậu, Phú Yên hiện vẫn còn gìn giữ được một kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, đặc sắc. Đó là những di tích lịch sử - văn hóa, di sản văn hóa với nhiều loại hình khác nhau, những lễ hội có sức sống mãnh liệt qua không gian và thời gian, những nghề thủ công truyền thống và kho tàng sử thi, dân ca dân vũ và nhiều truyền thuyết, phương ngôn, ca dao, hò vè... Những di sản văn hóa vô giá này là bộ phận quan trọng cấu thành môi trường sống, môi trường văn hóa - xã hội lành mạnh; góp phần định hướng nhận thức để từ đó hình thành tâm hồn, tính cách, bản lĩnh, nét đặc trưng văn hóa của các thế hệ người dân đã từng sinh sống trên miền đất Phú Yên trong tiến trình lịch sử. Nếu không có giải pháp bảo tồn kịp thời thì không bao lâu những di sản văn hóa quý báu đó sẽ mất.

Sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu dự đoán sẽ gia tăng trong tương lai và sẽ nghiêm trọng hơn khi nhiệt độ gia tăng. Sự biến đổi khí hậu và môi trường sẽ tiếp tục bị suy thoái nghiêm trọng do áp lực dân số tăng nhanh. Đất, biển, rừng, khoáng sản, năng lượng sẽ còn khai thác ngày càng nhiều hơn. Điều này sẽ làm tăng nhanh tốc độ biến đổi khí hậu.

Cần có các biện pháp thích nghi và để giảm bớt hậu quả do tác động biến đổi khí hậu. Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa ở Phú Yên trước những tác động của biến đổi khí hậu bao gồm nhiều nội dung và không thể tách rời quá trình chung về xây dựng kế hoạch phòng tránh, khắc phục thiên tai, ứng phó và giảm nhẹ tác động do biến đổi khí hậu gây ra. Như vậy, phải tiến hành đồng bộ từ việc sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, ngăn chặn các tác động gây hủy hoại và chống ô nhiễm môi trường, phục hồi các tổn thất, không ngừng cải thiện tiềm năng tài nguyên thiên nhiên và chất lượng môi trường, nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ sức khỏe và nâng cao tuổi thọ của nhân dân, bảo đảm sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Thiên tai là điều khó đoán, rất khó dự báo trước được. Do vậy, cần phải nâng cao nhận thức toàn dân, có chế tài xử lý nghiêm khắc những hành vi vi phạm việc bảo vệ môi trường. Để giảm nhẹ tác động do biến đổi khí hậu đến phát triển kinh tế - xã hội nói chung, bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hóa ở Phú Yên nói riêng là việc phải làm ngay và trách nhiệm này không phải của riêng ai.

Thạc sĩ  Nguyễn Hoài Sơn

Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội KHKT Phú Yên

Nguồn: Phú Yên