Mũi Né- Hòn Rơm: Khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường trong mùa du lịch cao điểm

Cập nhật: 01/11/2010
Bình Thuận được biết đến với nhiều cảnh đẹp sơn thủy hữu tình, và một môi trường trong lành vừa mang vẻ hoang sơ vừa hiện đại như: Mũi Né, Cà Ná, Cù Lao Nâu, Hòn Bà, Đồi Dương, Tháp Chàm Pôshanư, chùa Cổ Thạch, Chùa Ông, Lầu Ông Hoàng, Hải đăng Khe Gà, Bàu Trắng... trong đó, Khu Hàm Tiến- Mũi Né được xác định là tuyến du lịch trọng điểm có lợi thế cạnh tranh của Bình Thuận.

Tính đến nay tại khu vực này có gần 150 cơ sở lưu trú du lịch hoạt động kinh doanh, chiếm hơn 63% số cơ sở lưu trú của cả tỉnh. Dù cùng nằm trên tuyến du lịch trọng điểm của tỉnh, nhưng các cơ sở lưu trú ở khu vực Mũi Né- Hòn Rơm chủ yếu phát triển theo loại hình du lịch dã ngoại, bình dân. Chính vì vậy mà nhiều năm qua, ngành du lịch và chính quyền địa phương luôn quan tâm đến vấn đề môi trường du lịch. Nhất là vào dịp lễ tết hoặc ngày nghỉ cuối tuần, khi lượng khách tăng đột biến cũng là lúc vấn nạn nước thải, rác thải gây bức xúc cho người dân.

Tại khu vực Mũi Né- Hòn Rơm có hai nguồn rác thải là rác từ biển đưa vào và rác do hoạt động kinh doanh thải ra. Đối với rác từ biển vào thuộc địa phận cơ sở nào thì cơ sở đó tự giác thu gom, còn đáng lo ngại nhất là rác ở những điểm mua bán hàng rong ven biển thải ra. Cứ mỗi dịp nghỉ lễ, tết, khách tăng đột biến thì rác thải cũng tăng theo ở các bãi biển, gây ảnh hưởng nghiêm trọng hình ảnh của một điểm đến du lịch. Được biết ở mỗi điểm đều có tổ tự quản chịu nhiệm vụ thu gom, song với thời gian cuối ngày mới tiến hành công việc nên tình trạng ứ đọng rác luôn diễn ra. Bên cạnh đó tại các khu vực rừng dương ven đường, không ít đoàn khách sau khi tổ chức hoạt động dã ngoại vui chơi thường xuyên để lại đồ thừa, rác thải. Trong khi nhiệm vụ thu gom trên các tuyến đường của Công ty Công trình đô thị Phan Thiết lại theo giờ quy định, vậy nên cũng dễ bắt gặp cảnh rác thải tràn lan…

Trước thực trạng này, thành phố Phan Thiết đã sắp xếp tạm thời 2 điểm mua bán hàng rong tại khu vực bãi biển Mũi Né- Hòn Rơm. Đây là hành động nhằm mục đích góp phần tích cực bảo vệ cảnh quan, đảm bảo vệ sinh môi trường cho điểm đến du lịch nổi tiếng này. Ngoài ra, cuối tháng 6/2010, UBND TP. Phan Thiết đã ra Quy chế quản lý sử dụng “Hệ thống thu gom nước thải Hòn Rơm” đối với các cơ sở đang kinh doanh. Địa phương còn tiến hành hướng dẫn và phổ biến đến các doanh nghiệp áp dụng mô hình, công nghệ xử lý chất thải phù hợp. Nhờ đó đến nay, 100% cơ sở kinh doanh du lịch tại khu vực Hòn Rơm đã hoàn thành xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra hệ thống chung.

Bên cạnh các giải pháp đã được triển khai, vấn đề nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cũng cần được đặc biệt quan tâm. Do vậy rất cần sự tự giác của các cơ sở kinh doanh, người bán hàng rong lẫn du khách trong việc giữ gìn vệ sinh chung. Đồng thời địa phương và ngành chức năng phải tăng cường kiểm tra, phát hiện xử lý mạnh tay các trường hợp vi phạm, bên cạnh đưa ra giải pháp tối ưu trong việc thu gom rác. Môi trường trong sạch là điều kiện tiên quyết để khu du lịch Mũi Né-Hòn Rơm có thể phát triển đúng với tiềm năng của mình.

 

Mỹ Hạnh (biên tập)

Nguồn: Báo Bình Thuận Online