Hồ thủy điện Tuyên Quang (Nà Hang) rộng hơn 8.000 ha, được ví như là Hạ Long giữa đại ngàn. Trên vùng hồ kết nối với nhiều hòn đảo nhỏ xinh đẹp, các hang động, các thác nước và các điểm di tích lịch sử với những đền chùa linh thiêng ngự trên sườn núi. Cũng từ hồ kết nối với Khu du lịch Thác Đổ, huyện Bắc Mê (Hà Giang), vườn quốc gia Ba Bể (Bắc Kạn)...
Thực hiện quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch sinh thái Nà Hang với 8 phân khu chức năng, huyện Nà Hang đã và đang huy động các nguồn lực để đầu tư vào ngành du lịch. Hiện toàn huyện có 8 cơ sở lưu trú, trong đó có 7 nhà nghỉ và 1 khách sạn với 113 phòng, 213 giường; 25 thuyền được trang bị đầy đủ nhằm phục vụ khách du lịch trên hồ. Số lượng khách đến tham quan du lịch từ năm 2007 đến nay đạt từ 22.000 - 33.000 lượt người/năm. Huyện đã phối hợp với Ban Quản lý Khu du lịch sinh thái Nà Hang triển khai xây dựng các hạng mục công trình, như: Khu đón tiếp khách, mặt bằng xây dựng Khu du lịch thác Pác Ban; quy hoạch Khu lâm viên Phiêng Bung. Đồng thời xúc tiến công tác quảng bá hình ảnh, cảnh vật, tài nguyên, đất nước con người Nà Hang thông qua các Hội chợ thương mại.
Huyện đã phối hợp với Trường Cao đẳng Du lịch (Hà Nội) mở lớp tập huấn nghiệp vụ du lịch cho 70 học viên; Phối hợp với Bảo tàng Văn hóa dân tộc Việt Nam thực hiện dự án Nghiên cứu sưu tầm cấp thiết Di sản văn hóa con người và cộng đồng gắn với môi trường sinh thái nhân văn vùng lòng hồ thủy điện Tuyên Quang; lập hồ sơ và được nhà nước công nhận 11 di tích lịch sử - văn hóa, thắng cảnh cấp Quốc gia; tổ chức các lễ hội dân gian truyền thống của dân tộc Tày; xây dựng làng văn hóa du lịch bản Nà Tông (Thượng Lâm), Khau Tràng (Hồng Thái); di chuyển xây mới đền Pác Tạ, tu sửa chùa Phúc Lâm để du khách thập phương đến thăm quan. Cùng với đó huyện đẩy mạnh xây dựng, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, bảo vệ tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa gắn với xúc tiến xây dựng các thương hiệu, tạo ra các sản phẩm du lịch của địa phương.