Đề xuất 6 giải pháp phát triển môi trường bền vững

Cập nhật: 19/11/2010
Chiều 18/11, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội, Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ 3 do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức đã kết thúc.

Hội nghị thống nhất nhận định sự nóng lên của Trái Đất và nước biển dâng đã được coi là một trong những thách thức nghiêm trọng nhất đối với loài người trong thế kỷ 21. Việt Nam là một trong năm nước sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Bên cạnh đó, thế giới cũng đang phải đối mặt với khủng khoảng lương thực và khủng hoảng năng lượng. Giá dầu, giá lương thực tăng và không ổn định đã ảnh hưởng tới sản xuất, đời sống và tăng trưởng kinh tế của các nước. Các nguồn tài nguyên đang đứng trước nguy cơ bị khai thác cạn kiệt, thiếu tính bền vững.

Mặt khác, Việt Nam đang tiến hành hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới nhằm tạo ra những cơ hội mở rộng thị trường, tăng trưởng kinh tế, phát triển đất nước. Tuy nhiên Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức trong công tác bảo vệ môi trường. Đó là việc nhập khẩu công nghệ lạc hậu, có nguy cơ biến Việt Nam thành bãi thải cho hàng hóa kém chất lượng, hàng hóa không thân thiện với môi trường từ các nước khác nhập vào.

Cũng trong hội nghị các đại biểu đã thẳng thắn đóng góp ý kiến và đề xuất sáu giải pháp phát triển môi trường bền vững tại Việt Nam. Ngành môi trường tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế như xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đa dạng sinh học, Chương Tội phạm về môi trường trong Bộ Luật Hình sự; xây dựng các định mức kinh tế, kỹ thuật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy xã hội hóa hoạt động bảo vệ, phát triển dịch vụ môi trường, nhanh chóng triển khai trong thực tế các công cụ kinh tế trong quản lý môi trường.

Hệ thống tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường từ Trung ương đến cơ sở tiếp tục kiện toàn, phát triển các tổ chức sự nghiệp môi trường và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, đẩy mạnh đầu tư, tăng cường năng lực cơ sở vật chất, kỹ thuật về bảo vệ môi trường phục vụ công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.

Ngành môi trường cũng đề nghị Quốc hội xem xét, cho nghiên cứu sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước năm 2002, theo các nội dung liên quan đến chi từ ngân sách nhà nước cho bảo vệ môi trường.

Cụ thể, Luật cần bổ sung nhiệm vụ chi "Đầu tư xây dựng các công trình bảo vệ môi trường, công trình xử lý môi trường thuộc khu vực công ích" trong Nhiệm vụ chi Chi đầu tư phát triển. Bổ sung quy định về quyền hạn và trách nhiệm của Cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực bảo vệ môi trường trong việc lập, phân bổ dự toán chi cho lĩnh vực môi trường.

Ngành môi trường đề nghị Quốc hội xem xét tăng mức chi sự nghiệp môi trường từ 1% lên 2% tổng chi ngân sách nhà nước. Nhà nước cần cân đối, bố trí các nguồn vốn, trong kế hoạch ngân sách hàng năm cho công tác xã hội hóa về môi trường, tạo điều kiện về thủ tục hành chính để các tổ chức, cá nhân tham gia sâu rộng vào các loại hình xã hội hóa./.

Nguyễn Hồng Điệp

Nguồn: TTXVN