Cố tăng tổng chi ngân sách cho BVMT lên 2%

Cập nhật: 19/11/2010
Cố gắng đến năm 2015, tỷ lệ dành cho sự nghiệp bảo vệ môi trường đảm bảo ở mức 2% tổng chi ngân sách - ông Bùi Cách Tuyến, Thứ trưởng kiêm Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường thuộc Bộ Tài nguyên&Môi trường, cho biết trong một thông cáo chung của Hội nghị Môi trường Toàn quốc Lần thứ 3 chiều 18/11 ở Hà Nội.

Theo ông Vũ Ngọc Hoàng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, kinh phí dành cho các hoạt động bảo vệ môi trường trong những năm qua còn ở mức rất khiêm tốn. So với các nước trong khu vực và trên thế giới, đầu tư cho bảo vệ môi trường ở Việt Nam còn rất thấp.

Báo cáo của Bộ Tài nguyên&Môi trường cho biết chi cho sự nghiệp môi trường ở Việt Nam mới đạt 1% tổng chi ngân sách từ năm 2006, trong khi Trung Quốc và các nước ASEAN đầu tư cho môi trường trung bình hàng năm chiếm 1% GDP; ở các nước đang phát triển chiếm từ 3%– 4%.

Ông Bùi Cách Tuyến nói: "Về quan điểm và nhận thức, chúng ta thực sự chưa coi môi trường và bảo vệ môi trường phải gắn kết hữu cơ, không thể tách rời với phát triển kinh tế vì vậy công tác bảo vệ môi trường có nhiều lúc bị xem nhẹ."

Việt Nam đã dành nguồn chi thường xuyên riêng cho hoạt động bảo vệ môi trường (chi sự nghiệp môi trường) nhưng do tính chất là nguồn chi thường xuyên nên kinh phí từ nguồn này không thể bố trí để đầu tư giải quyết triệt để các vấn đề môi trường bức xúc ngày càng gia tăng.

Bên cạnh đó, ông Tuyến chỉ ra rằng kinh phí chi sự nghiệp môi trường ở các bộ, ngành, địa phương chưa được bố trí đủ, đúng với nội dung chi, tập trung vào các vấn đề môi trường trọng tâm, trọng điểm (hầu hết các địa phương đã bố trí từ 80%- 90% tổng chi sự nghiệp môi trường cho thu gom, vận chuyển chất thải sinh hoạt, dẫn tới việc không còn kinh phí để thực hiện các nội dung quản lý môi trường khác theo quy định của luật).

Ở trung ương, việc sử dụng kinh phí ở một số bộ, ngành còn dàn trải chưa tập trung vào giải quyết các vấn đề môi trường bức xúc thuộc phạm vi bộ, ngành chủ trì. Không ít địa phương, nhất là các địa phương có nguồn thu không đủ bù chi, chưa bố trí đủ 1% chi ngân sách cho bảo vệ môi trường.

Nhiều địa phương khác bố trí một số nội dung chi không đúng theo hướng dẫn của Luật Bảo vệ Môi trường và thông tư liên tịch số 114/2006/TTLT-BTC-BTNMT (nay là thông tư liên tịch số 45/2010/TTLT-BTC-BTNMT). 

“Quy hoạch bảo vệ môi trường sẽ là cơ sở quan trọng để các địa phương thực hiện các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với các yêu cầu bảo vệ môi trường, giảm thiểu tối đa những tác động xấu tới chất lượng môi trường lưu vực”, ông Tuyến nhấn mạnh.

Báo cáo cũng cho biết nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản chưa chú trọng khâu đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng về bảo vệ môi trường, đầu tư xây dựng các công trình xử lý chất thải thuộc khu vực công ích chưa tương xứng với mức độ gia tăng chất thải dẫn đến mức độ ô nhiễm môi trường có xu hướng gia tăng. 

Nguồn chi thường xuyên của ngân sách nhà nước cho hoạt động sự nghiệp môi trường còn ít, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Các doanh nghiệp chưa chú ý đầu tư thay đổi công nghệ, thiết bị, công trình xử lý chất thải rắn nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường. 

Theo ông John Hendra, Điều Phối viên Thường trú của Liên Hợp quốc tại Việt Nam, Việt Nam cần đảm bảo sự cân bằng các mục tiêu kinh tế, môi trường, xã hội.  Phát triển bền vững là nền tảng cơ sở để phát triển nhanh. Phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường cần phải được duy trì. 

“Chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên, đảm bảo phát triển bền vững cho người dân Việt Nam”, ông John Hendra nói. 

Trong giai đoạn 2006 – 2010, Việt Nam đã thu hút 20 dự án hợp tác quốc tế về môi trường, với tổng kinh phí lên tới 64 triệu USD.

Phạm Mạnh

 

Nguồn: Vfej.vn