Việt Nam khuyến khích dự án đầu tư ưu tiên bảo vệ môi trường

Cập nhật: 19/11/2010
Ngày 17/11, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực môi trường với sự tham gia đông đảo của các cơ quan quản lý về môi trường, trung tâm, viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức phi chính phủ, đại diện các Bộ, ngành và các chuyên gia trong và ngoài nước. Đây là hội nghị khoa học chuyên đề nằm trong khuôn khổ của Hội nghị môi trường lần thứ 3 năm 2010.

Các đại biểu tham gia hội nghị đã chia sẻ những kinh nghiệm về công tác bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, công nghệ thân thiện môi trường cũng như mối quan tâm của các doanh nghiệp với vấn đề biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Cũng tại đây, các đại biểu đã thống nhất đề xuất một số nội dung cần bổ sung, sửa đổi cơ chế, chính sách có liên quan trong lĩnh vực môi trường. 

Đất nước ta đang trong thời kỳ đổi mới, nền kinh tế đang chuyển đổi từ kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường. Một vấn đề đặt ra là ngoài sự đầu tư từ ngân sách Nhà nước cần phải huy động được mọi nguồn lực của xã hội cho phát triển. Chính vì vậy, Nhà nước đã đề ra chủ trương "xã hội hóa" bao gồm cả lĩnh vực bảo vệ môi trường. Xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường chính là việc huy động các nguồn lực từ các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh, các tổ chức xã hội và cộng đồng tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường.

TS. Nguyễn Trung Thắng, Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường đã trình bày những chủ trương xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, chính sách ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực môi trường của Việt Nam hiện nay. TS Thắng nhấn mạnh: Mặc dù đã được quy định trong hệ thống chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường một cách khá đầy đủ và toàn diện, song kết quả đạt được trong thời gian qua chưa thực sự mạnh mẽ như mong đợi. Nhiều vấn đề còn bức xúc, trong khi nguồn lực của Nhà nước có hạn, cần thúc đẩy xã hội hóa mạnh mẽ hơn nữa để có thể đạt được những kết quả tốt hơn trong công tác bảo vệ môi trường.

Để đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút sự tham gia rộng rãi hơn nữa của các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh và bảo vệ môi trường, Nhà nước ta cũng đã và đang tích cực xây dựng và ban hành các chính sách ưu đãi, hỗ trợ bảo vệ môi trường. Các đơn vị trong ngành tài nguyên và môi trường tích cực thực hiện chủ trương kinh tế hóa ngành tài nguyên và môi trường theo Nghị định số 27/NQ - BCS của Ban cán sự Đảng bộ Bộ Tài nguyên và Môi trường, theo đó cần rà soát lại và chuyển đổi các cơ chế quản lý quan liêu bao cấp sang cơ chế quản lý thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ngành cũng xác định rõ lĩnh vực Nhà nước cần thực hiện, những lĩnh vực cần kêu gọi các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh; Xây dựng và thực hiện các mô hình hợp tác công tư nhà nước và nhân dân cùng làm trong bảo vệ môi trường, đặc biệt là trong việc khắc phục, cải tạo các điểm nóng về môi trường.

Cơ quan chức năng khẩn trương xây dựng ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn về các chính sách ưu đãi về đất đai, vốn, thuế, tín dụng cho các hoạt động bảo vệ môi trường cụ thể. Các đơn vị tổ chức truyền thông rộng rãi, nâng cao nhận thức, tổ chức các diễn đàn kêu gọi đầu tư vào các công trình, dự án, hoạt động bảo vệ môi trường, tăng cường cơ chế trao đổi thông tin liên quan đến lĩnh vực bảo vệ môi trường. Tại các địa phương cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn phong trào bảo vệ môi trường trong nhân dân, đặc biệt cần phát huy vai trò các tổ chức chính trị, xã hội, các tổ chức phi chính phủ của cộng đồng trong việc giám sát và thực thi các quy định pháp luật.  

Monre