Theo ông Tuyến, đến nay, các địa phương đã ban hành xử phạt và báo cáo về Bộ Tài nguyên & Môi trường số tiền xử phạt là 4,1 tỷ đồng, đạt 33,2% mức đề nghị phạt bình quân. Giai đoạn 2005 – 2010 được coi là giai đoạn thành công nhất trong quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường, được đánh dấu đầu tiên bằng việc Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ Môi trường 2005, thay thế luật năm 1993, với rất nhiều quy định mới được bổ sung.
Riêng năm 2009, Bộ Tài nguyên & Môi trường phối hợp với một số bộ, ngành và địa phương tổ chức 18 đoàn kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường đối với 793 cơ sở, khu công nghiệp và cụm công nghiệp trong đó 93 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, chuyển hồ sơ và đề nghị ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xử phạt với tổng số tiền 10 tỷ đồng, truy thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải trên 1 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Tiến Lực, đại diện Bộ Công an, cho biết vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường diễn ra trong nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội, ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển kinh tế của đất nước, xâm phạm trực tiếp đến quyền lợi của nhân dân như gây ô nhiễm nguồn nước, không khí. Qua gần 4 năm, tính riêng lực lượng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường khám phá trên 11.000 vụ vi phạm pháp luật về môi trường, chuyển cơ quan điều tra khởi tố gần 200 vụ, xử phạt vi phạm hành chính và truy thu phí môi trường trên 250 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Tiến Lực: Vi phạm pháp luật môi trường diễn ra trong nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của đất nước.
Ông Tuyến cho biết đến nay, trong tổng số 439 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phải hoàn thành việc xử lý ô nhiễm triệt để trong giai đoạn 1, có 325 cơ sở không còn gây ô nhiễm nghiêm trọng (chiếm 74%) và 114 cơ sở đang tích cực triển khai các biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để (chiếm 26%).
Thực hiện Thông tư số 07/2007/TT-BTNMT ngày 3/7/2007 về phân loại và quyết định danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường cần phải xử lý, đến nay có Bộ Quốc phòng và 42 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phê duyệt kế hoạch xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong giai đoạn 2 với tổng số cơ sở cần phải xử lý là 541 (đến nay trong số này có 132 cơ sở đã hoàn thành các biện pháp xử lý ô nhiễm).
Bên cạnh việc tập trung xử lý đối với 439 cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng nói trên, nhiều địa phương đã xử lý đối với các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng khác như TP Hồ Chí Minh đã phê duyệt kế hoạch di dời 1402 cơ sở sản xuất kinh doanh, kết quả đã hoàn thành việc di dời đối với 1261 cơ sở.
UBND Thành phố Hà Nội cũng đã phê duyệt kế hoạch di dời gần 400 cơ sở gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu vực nội thành.
Đến nay, với tổng cộng 66 văn bản dưới luật được xây dựng và ban hành, trong đó có 23 văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, 43 văn bản cấp bộ đã tạo được một hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường tương đối toàn diện và đồng bộ, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ công tác bảo vệ môi trường trên phạm vi cả nước.
Thủ tướng Chính phủ cũng vừa phê duyệt kế hoạch xử lý, phòng ngừa ô nhiễm môi trường do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu gây ra trên phạm vi cả nước, trong đó đặt mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành việc xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường tại các khu vực bị ô nhiễm do hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu và các kho lưu giữ hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu trên toàn quốc.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên&Môi trường, ông Phạm Khôi Nguyên, nói sự thống nhất cao của toàn thể hội nghị trong thông cáo chung cùng với đó là các ý kiến chỉ đạo sát sao của đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Vĩnh Trọng tại hội nghị, chính là những cơ sở để chúng ta tiến hành có hiệu quả các nhiệm vụ bảo vệ môi trường và nhanh chóng triển khai các giải pháp để đưa các mục tiêu này đi vào cuộc sống.
Sau hội nghị này, Bộ Tài nguyên&Môi trường sẽ nhanh chóng xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ bản kế hoạch hành động quốc gia về bảo vệ môi trường giai đoạn 2011 – 2020 là cơ sở cho các hoạt động bảo vệ môi trường trong 10 năm tới.